Tác giả đoạn trích trong đề thi tốt nghiệp THPT môn văn là người 'ngụy khoa học'?

08/07/2021 14:46 GMT+7

Mặc dù đã qua một ngày sau buổi thi môn văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, việc tranh cãi về tác giả Masaru Emoto được trích trong đề thi vẫn tiếp diễn.

Trong đề thi môn văn tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, phần Đọc Hiểu có trích một đoạn từ cuốn "Bí mật của nước" của tác giả Masaru Emoto (NXB Lao Động, 2019, trang 90-93). Thật ra, với đề thi dùng để kiểm tra việc làm văn của học sinh, có thể sử dụng bất kỳ đoạn trích trong tác phẩm nào để học sinh đọc hiểu và thể hiện quan điểm. Tuy nhiên, chuyện liên quan đến cá nhân của tác giả đoạn trích là Masaru Emoto lại là nguồn cơn gây ra tranh cãi dữ dội về đề thi môn văn năm nay.
Theo tiến sĩ tâm lý Lê Nguyên Phương, tác giả bộ sách 'Dạy con trong hoang mang" sáng ngày 7.7, một học viên trong lớp Tâm lý học thiết yếu [EPP] của ông trong giờ học nhắn tin "em đang 'hóng' đề văn năm nay". Và khi đọc đề thi, ông đã... mỉm cười khi đề thi dùng trích đoạn này.
Tiến sĩ Lê Nguyên Phương cho biết, học viên của lớp EPP sẽ biết ngay Masaro Emoto là nhà khoa học dỏm và nghiên cứu của ông về nước là ngụy khoa học. Vì thí nghiệm của ông ta vi phạm các nguyên tắc khoa học như tính chuẩn xác [validity], tính nhất quán [reliability], tính tái lập thí nghiệm [replicability]. Ở đây chưa đề cập đến phần thông tin tác giả học về quan hệ quốc tế tại Yokohama Municipal University và năm 1992 được cấp chứng chỉ tiến sĩ y khoa thay thế [Alternative Medicine] bởi Indian Board of Alternative Medicine.

Đề thi môn Văn

"Hiện tượng mà Masaru Emoto kể trong cuốn Thông Điệp Của Nước cũng chưa bao giờ được xuất bản trong một chuyên san khoa học. Cho đến bây giờ "bài báo khoa học duy nhất mà ông ta viết về thí nghiệm của mình là bài luận có hình được xuất bản trên một tờ tạp chí đáng ngờ về khoa học thay thế (alternative science). Và còn nhiều nguyên tắc, lý luận, khái niệm... mà cái gọi là nghiên cứu của Emoto đã vi phạm vì thế thí nghiệm của ông ta khó được gọi là khoa học", tiến sĩ Phương cho biết. 
Theo dòng phản đối này, nhiều người cho rằng cuốn "Bí mật của nước" là cuốn sách thuộc thể loại "phi giả tưởng" (non-fiction) chứ không phải là "giả tưởng" (fiction). Cuốn sách này thuộc thể loại phi giả tưởng, qua những tuyên bố về thí nghiệm và ảnh chụp dẫn chứng mà tác giả trình bày trong sách. Hình thức trình bày không có cốt truyện và ghi chép những gì tác giả thấy trong hiện thực, cũng như diễn giải kiến thức. Vì vậy, cuốn sách không thuộc thể loại văn chương nên việc yêu cầu đọc hiểu trích đoạn này là không đúng.
Chưa kể, việc lựa chọn trích đoạn của tác giả bị lên án rất nhiều về khoa học là Masaru Emoto để đưa vào đề thi môn văn cũng có nhiều người phản đối.

Cuốn sách Bí mật của nước

NXB Lao Động

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng nên tách bạch văn học và khoa học. Một nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Kyoto (Nhật Bản) cho rằng: "Không nên dùng lăng kính khoa học thực nghiệm để nhìn 1 vấn đề về văn chương nghệ thuậtBên cạnh đó, một đề thi Văn chỉ là mượn câu chữ để khảo sát về Ngữ Văn, chứ không phải thi về khoa học thực nghiệm. Các em học sinh phổ thông thừa sức biết cấu tạo và tính chất hóa lí, nguồn gốc cũng ứng dụng của nước . Nếu như bài này được đề cập trong 1 tạp chí khoa học thực nghiệm thì mới là vấn đề". 
Môn văn là môn thi đầu tiên trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Như thường lệ, đề thi môn văn vẫn luôn nhận được sự quan tâm lớn nhất trong dư luận. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.