Bỏ kem vào tô mì tom yum chua cay Thái Lan |
cmh |
Chưa thấy… đau bụng
Nguyễn Thị Hồng Thế, 31 tuổi, ngụ Q.7, TP.HCM, chủ nhân kênh TikTok “Cô Cate”, cho rằng trào lưu trộn kem vào tô mì nóng bắt nguồn từ một blogger người Thái và được nhiều bạn trẻ Việt Nam hưởng ứng. Riêng video ăn kem lạnh trộn với mì tom yum chua cay Thái Lan của Hồng Thế thu hút hơn 15.000 lượt "thả tim" trên TikTok.
Hồng Thế chấm 6/10 điểm cho món mì trộn kem |
cmh |
“Trong video, tôi đã bỏ cây kem ốc quế hương dâu vào tô mì. Dùng thử một muỗng, tôi cảm nhận vị béo béo, ngọt ngọt, chua cay… hương vị thì khá lạ. Tôi thấy nó không dở, nhưng cũng không ngon, khoảng 6/10 điểm. Nhược điểm là tô mì sẽ nguội nhanh hơn do kem lạnh”, Hồng Thế chia sẻ.
Thay vì chọn kem hương vị vani giống như phiên bản gốc ở nước ngoài, Khánh Huyền (23 tuổi), chủ nhân kênh TikTok “Mỏ Khoét Hà Nội”, chọn hương vani sô cô la trộn với tô mì tom yum chua ngọt Thái Lan. Hiện video của Huyền thu hút gần 1 triệu lượt xem và hơn 900.000 lượt "thả tim”, cùng hàng ngàn bình luận.
“Lúc đầu tôi cảm thấy hơi ghê nhưng khi ăn từng đũa mì, húp vài muỗng nước dùng thì khá là ngon. Kem tan ra trong bát mì làm cho nước hơi ngậy. Đa số những người nhìn vào bát mì trộn với kem lạnh như thế cảm thấy "rất khó bụng", nhưng tôi vẫn chưa thấy... đau bụng sau khi ăn”, Huyền chia sẻ.
Muốn trải nghiệm sự khác lạ, Nguyễn Mai Khanh, 26 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM, chủ nhân kênh TikTok "Tebe Food", trộn kem tươi với bún bò và bánh canh, thay vì chọn mì tom yum như nhiều người khác đã làm. "Lúc đầu tôi thử kem tươi trộn với mì và không bị "Tào Tháo rượt" nên tiếp tục với bún bò và bánh canh", Khanh nói.
Bánh canh và bún bò trộn với kem lạnh |
ảnh chụp màn hình tiktok |
"Nhìn qua thật sự không thấy ngon miệng"
Trong khi đó, nhiều người không đồng tình với việc trộn kem với mì. Chẳng hạn, các video của Hồng Thế, Khánh Huyền trên mạng xã hội cũng nhận được những lời chê bai như “ghê quá!”, “nhìn muốn đi vệ sinh”, “làm vậy mất ngon của món Thái”…
Nhiều người chê bai và không tán thành việc kết hợp giữa kem lạnh với mì tom yum |
Nguyễn Thị Ngọc, 26 tuổi, sống tại chung cư KingDom 101, P.14, Q.10, TP.HCM, cho biết cô đã “nổi da gà” khi em gái cho xem video và rủ rê làm clip "bắt trend".
“Tôi đã nhăn mặt khi xem những giây đầu tiên. Tôi cảm thấy món đó có chút kinh tởm. Một tô mì ngon như vậy mà để cây kem tan chảy trong đó, trông rất kỳ dị. Với lại, chưa có ai dám khẳng định liệu rằng món này có lợi ích gì hay không”, Ngọc bày tỏ quan điểm.
Đồng quan điểm trên, N.T.Sơn, 19 tuổi, sinh viên Trường ĐH Văn Lang TP.HCM, cho rằng kem lạnh làm món ăn không giữ được độ nóng thì mất ngon. "Tuy nhiên, nếu đây là văn hóa truyền thống của một quốc gia nào đó thì tôi hoàn toàn đồng ý khi làm đúng văn hóa của họ chứ không phải là việc biến tấu phản khoa học", anh Sơn góp ý.
Việc kết hợp giữa kem lạnh và mì tom yum được cho là bắt nguồn từ Thái Lan |
Ảnh chụp màn hình facebook |
Phản ứng trước những bình luận trái chiều, TikToker Hồng Thế cho hay: “Tôi nghĩ rằng việc trộn kem với mì là chuyện bình thường vì ẩm thực là phải sáng tạo. Ở Việt Nam cũng có những người ăn cơm với đường, dưa hấu, chuối hay nước đá, tại sao mình không thử mì cay tom yum với kem một lần?”.
Không phù hợp với người cần giảm cân
Thạc sĩ Bùi Đình Hoàn, bác sĩ chuyên Khoa dinh dưỡng - giảng viên Trường đại học Y dược TP.HCM, cho hay việc trộn kem lạnh vào mì ramen, mì tom yum có thể giúp tăng độ béo, ngọt, giảm vị cay.
"Thực tế là có nhiều món ăn được chế biến cùng kem hoặc sữa đặc như: mì Ý sốt kem, cà ri, mì udon sốt kem… Trong các món ăn này, kem sẽ được nấu chín cùng thức ăn. Việc thêm kem lạnh vào món ăn nóng có thể giúp nước dùng có vị béo hơn, lạ miệng, nhưng người dùng khó nhận biết được hương vị thật của món ăn", bác sĩ Hoàn chia sẻ.
Bác sĩ Hoàn lưu ý các món kem chứa rất nhiều năng lượng, đường lactose từ sữa, chất béo, do đó món mì trộn kem lạnh sẽ làm tăng năng lượng nạp vào từ chất béo và đường hấp thu nhanh, không phù hợp với người cần giảm cân, còn người bất dung nạp lactose có thể gặp rối loạn tiêu hóa.
Bình luận (0)