Không tiêm vắc xin Covid-19 phải chịu trách nhiệm về lây lan bệnh
Bộ Y tế vừa có Công văn số 3333/BYT-DP (Công văn 3333) ngày 25.6 gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành về việc tăng cường công tác tiêm chủng và sử dụng vắc xin phòng Covid-19.
Người dân TP.HCM không tiêm vắc xin Covid-19 phải ký cam kết, chịu trách nhiệm |
Tại Công văn 3333, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo sở y tế và các đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, vận động người dân đi tiêm chủng; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc triển khai tiêm chủng, đặc biệt tại các địa bàn còn nhiều người chưa tiêm chủng mũi 3, mũi 4.
Theo đề nghị của Bộ Y tế, một số địa phương đã yêu cầu người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh |
ĐẬU TIẾN ĐẠT |
Khẩn trương tiếp nhận và sử dụng hiệu quả vắc xin, ưu tiên sử dụng trước vắc xin có hạn sử dụng ngắn, tránh để hết hạn, gây lãng phí ngân sách nhà nước.
Trước đó, Thông báo số 764 ngày 9.6.2022 về kết luận của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành về việc kiểm điểm tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19, có nêu: “Tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, thống nhất truyền thông về tiêm vắc xin là tiêm vắc xin phòng chống dịch; người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh”.
Đề xuất thu thập dữ liệu công bố khoa học
Trước thông tin về việc Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành khẩn trương rà soát, tiêm mũi 3, mũi 4 vắc xin Covid-19 cho các cá nhân đủ điều kiện tiêm; tiêm chủng cho các nhóm trẻ 5 đến dưới 12 tuổi; người dân không đồng ý tiêm phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh, một số bạn đọc đã bày tỏ quan điểm về vấn đề này.
Theo bạn đọc có tài khoản An: “Trong vòng chưa đầy 1 năm mà yêu cầu bắt buộc 4 mũi vắc xin trong khi vắc xin còn quá mới, chưa đủ thời gian có đủ các nghiên cứu và bằng chứng khoa học đánh giá tác dụng phụ về lâu dài đối với sức khỏe liệu có quá gấp gáp? Bữa giờ toàn nghe trách nhiệm của người dân! Trách nhiệm thu thập dữ liệu công bố khoa học về mũi 4 của ngành y tế thì chưa thấy đề cập nhiều, chỉ toàn các chỉ thị hành chánh”.
Còn tài khoản Thạch Ngọc bày tỏ: “Sao lại bắt người dân ký cam kết khi không tiêm vắc xin? Nếu tiêm vắc xin rồi mà vẫn bị nhiễm và làm lây lan cho người khác thì có chịu trách nhiệm không?”.
“Việc các tỉnh chậm tiêm chủng vắc xin Covid-19 nếu để lây lan dịch bệnh thì phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, đây là lời khẳng định chắc nịch cương quyết của Bộ Y tế với các tỉnh, thành. Nhưng việc thiếu thuốc chữa bệnh hiện nay đang diễn ra trên cả nước, thì lại được ngành y tế đổ lỗi cho cơ chế. Vậy, Bộ Y tế chỉ có thành tích chứ có lỗi đâu? Thật hài”, tài khoản Minh Bạch nêu ý kiến.
Tài khoản phuong nguyen nhắc lại thời điểm khi dịch Covid-19 bùng phát, và cho rằng: “Hồi dịch hoành hành sao không ai lớn tiếng tiêm hay không là quyền của mọi người, giành nhau chí chóe để được tiêm? Nhà nước quan tâm cho tiêm miễn phí là quá tốt rồi...”.
Với suy nghĩ sâu xa và lưu ý về bảo vệ sức khỏe trong các tình huống dịch, bạn đọc có tài khoản Công Thành Trần nhắc nhở: “Chỉ khi nằm ôm bình ô xy với 2 lá phổi gần như đặc cứng, lúc đó mới hối hận!”.
Khá tương đồng quan điểm với Công Thành Trần, bạn đọc NVH nêu câu hỏi: “Sao khi chưa tiêm mũi 1 thì hầu như tất cả đều lớn tiếng đòi hỏi phải tiêm vắc xin cho mình. Không tin vào vắc xin thì lúc đó đòi tiêm làm chi? Không có 2 mũi vắc xin không biết giờ thế nào rồi...”.
Còn bạn đọc có tài khoản daohuunhat chỉ đưa ra ý kiến ngắn gọn: “Cùng nhau đi tiêm thôi!”
Ngày 26.6: Cả nước 557 ca Covid-19, 7.300 ca khỏi | Hà Nội 177 ca | TP.HCM 32 ca |
Đến ngày 10.6, ước khoảng 10 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 tồn kho tại một số tỉnh, thành.
Đến ngày 23.6, 12 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm chủng mũi 3 thấp dưới 50%, gồm: Hải Phòng, Quảng Nam, Khánh Hoà, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đồng Nai, Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang.
(Bộ Y tế)
Bình luận (0)