Tranh cãi xoay quanh việc nuôi chó mèo tại chung cư

12/06/2023 08:00 GMT+7

Ghi nhận tại một số chung cư, việc tranh cãi "Có được nuôi chó mèo hay không?" là câu chuyện không hồi kết. Không thể phủ nhận, thú cưng là người bạn thân thuộc đối với con người. Nhưng bên cạnh đó, số người bị ảnh hưởng bởi việc "nuôi thú cưng trong chung cư" đang ngày càng nghiêm trọng khi cuộc sống của họ bị "đảo lộn" bởi những tiếng ồn, mùi và kể cả dị ứng…

Tranh cãi xoay quanh việc nuôi chó mèo tại chung cư

Tranh cãi có thể phát sinh từ tiếng ồn của thú cưng ảnh hưởng đời sống của những người xung quanh hoặc việc chó mèo đi vệ sinh (phóng uế bừa bãi gây ra mùi) tại các khu sinh hoạt chung cũng là vấn đề đang gây bức xúc. Chung cư là môi trường sinh hoạt chung từ hành lang, cầu thang, thang máy hay sân vui chơi. Cư dân có thể mang chó của mình đến nhưng một số chú chó lại không được rọ mõm và thả rông, dẫn đến chạy lung tung gây sợ hãi cho mọi người hoặc xả thải khắp nơi đặc biệt trên các bãi cỏ, nơi trẻ con vui chơi, rất mất vệ sinh và dễ nhiễm bệnh. Hoặc có người dị ứng với lông chó hoặc cực kỳ ám ảnh khi chó đến gần.

Một nguyên nhân không thể không kể đến đó là việc thả rông chó mèo, không rọ mõm tiềm ẩn nguy cơ tấn công mọi người xung quanh bất cứ lúc nào. Vấn đề cốt lõi ở đây chính là nhiều chủ vật nuôi chưa có ý thức huấn luyện cho thú cưng chuyện đi vệ sinh đúng nơi, hoặc biết tự dọn dẹp khi thấy thú cưng phóng uế nơi công cộng. Đồng thời phải rọ mõm và tiêm phòng đầy đủ cho thú nuôi để đảm bảo an toàn cho người xung quanh, đặc biệt là trẻ em.

"Có được nuôi thú cưng tại chung cư hay không?"

Căn cứ theo Nghị định 99/2015/NĐ-CP tại Điều 35, khoản 3 đề cập về các hành vi nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư, cấm "Chăn, thả gia súc, gia cầm trong khu vực nhà chung cư".

Tại phụ lục II trong Thông tư 23/2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì chó, mèo được xếp vào loại động vật khác. Động vật khác trong chăn nuôi là động vật ngoài gia súc, gia cầm và ngoài danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm…

Cùng với đó, căn cứ theo Bộ Xây dựng trong văn bản số 176/BXD-QLN ban hành ngày 18.1.2021 khẳng định lại một lần nữa: Chó, mèo không thuộc danh mục gia súc, gia cầm, do đó việc nuôi chó, mèo trong nhà chung cư không thuộc hành vi bị cấm theo quy định.

Đối với những chung cư đã thành lập Ban quản trị có thể tiến hành bỏ phiếu cho việc được nuôi chó, mèo, trong chung cư hay không, thì vấn đề sẽ trở nên rõ ràng và chỉ việc thực hiện theo kết quả bỏ phiếu được định chế hóa bằng quy định, nội quy tại chung cư.

Đối với các chung cư đã được hội nghị thông qua việc nuôi chó mèo thì chủ vật nuôi phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác. Áp dụng theo Khoản 3, Điều 2 Nghị định 04/2020/NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó; không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.

Đối với những chung cư chưa thể tiến hành hội nghị nhà chung cư kéo theo chưa có quy chế chính thức của chung cư cũng như bộ máy Ban quản trị. Trong trường hợp này, sẽ phải thực hiện theo quy định hay nội quy trong hợp đồng mua bán nhà giữa chủ đầu tư với khách hàng (cư dân) hoặc sổ tay cư dân có quy định cấm nuôi chó, mèo trong nhà chung cư hay không.

Giải pháp cho những chung cư được phép nuôi chó mèo

Đối với công tác quản lý vận hành nhà chung cư, Ban Quản lý cần phối hợp với Ban Quản trị, Chủ đầu tư và cư dân thống kê số lượng căn hộ nuôi chó mèo để tiện theo dõi và quản lý theo quy định đã được đặt ra từ hội nghị.

Đề xuất quy hoạch khu vực riêng dành cho chó mèo, bố trí khu vực công viên biệt lập rộng khoảng 30 - 40m² để chó, mèo đi vệ sinh, chủ vật nuôi phải thực hiện nghiêm túc việc dọn dẹp khu vực này, tránh gây ra mùi và làm ảnh hưởng đến các khu vực xung quanh.

Tranh cãi xoay quanh việc nuôi chó mèo tại chung cư - Ảnh 1.

Bắt buộc phải xích, rọ mõm cho thú cưng, không được thả rông tại các khu vực sinh hoạt chung của cư dân như các khu vực tiện ích, khu vui chơi trẻ em; không để thú cưng phóng uế bừa bãi,… Chung cư cũng đưa ra các quy định đối với thú cưng như: không để thú cưng sủa ồn ào, gây mùi hôi ra cộng đồng.

Ghi nhận tại chung cư La Casa do Công ty quản lý BĐS Independent (IPS) quản lý. Phía công ty cho biết đã áp dụng dán bảng biểu từng khu vực nhằm nhắc nhở cư dân về việc giữ vệ sinh chung và đeo rọ mõm cho thú cưng của mình. Đây là tiền đề cho việc xây dựng một môi trường chung, tránh phát sinh tranh cãi giữa việc nuôi chó mèo tại chung cư.

Tranh cãi xoay quanh việc nuôi chó mèo tại chung cư - Ảnh 2.

Để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa cư dân và chủ nuôi, hiện nay có một số chung cư đang áp dụng những quy định cho người nuôi chó, mèo như: đăng ký với ban quản lý và UBND phường để được cấp sổ tiêm phòng, theo dõi vật nuôi; có biện pháp đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi khác. Đặc biệt, khi đưa chó, mèo ra khỏi căn hộ di chuyển trong tòa nhà hoặc khu vực nội khu cần phải: Sử dụng túi chuyên dụng; rọ mõm; xe đẩy vận chuyển chuyên dụng dành riêng cho chó, mèo.

Tranh cãi xoay quanh việc nuôi chó mèo tại chung cư - Ảnh 3.

Tranh cãi giữa việc nuôi chó mèo là vấn đề thường xuyên xảy ra tại các chung cư, vì vậy BQL có vai trò cân bằng lợi ích của cư dân và chủ nuôi bằng cách liên tục kiểm tra nhắc nhở chủ nuôi thực hiện đúng nội quy về các vấn đề liên quan đến thú cưng tại chung cư để tránh việc ảnh hưởng đến những người xung quanh.

Ngoài ra, cần có sự phối hợp từ cư dân để thực hiện các quy định sao cho đảm bảo nhằm tạo ra môi trường sống cao cấp và tăng giá trị cho chung cư của mình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.