Yêu cầu trên là cần thiết để ngăn chặn căn bệnh thành tích có thể len lỏi vào suy nghĩ và hành động của cán bộ, công chức phụ trách, bởi lẽ hành chính công tác động hầu hết đến đời sống người dân và doanh nghiệp (DN). Dù muốn hay không, hành chính công là dịch vụ mà mọi người, mọi DN đều phải dùng ít nhất 1 lần trong đời.
Xét cả về trình độ khoa học công nghệ lẫn nhu cầu thực tế của Việt Nam hiện nay, AI chưa thể thay thế con người, bao gồm đội ngũ cán bộ, công chức là những người thực hiện các dịch vụ công. Nhưng nếu vẫn giữ cách vận hành công việc như hiện nay, người dân và DN khó mà hài lòng với chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính. Chưa kể khối lượng công việc ngày càng lớn và tính chất ngày càng phức tạp trong khi số lượng biên chế luôn thấp hơn nhu cầu, đang vắt kiệt sức lực cán bộ, công chức ở nhiều cơ quan tại TP.HCM. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin và AI là cần thiết để giảm bớt áp lực cho đội ngũ thực hiện.
TP.HCM đã công bố 10 bài toán ứng dụng AI vào quản lý hồ sơ văn bản, xác định giá trị đất, giám sát đường sắt đô thị, điều hành giao thông, dự báo lan truyền dịch bệnh… Các bài toán được đặt hàng trở thành hoạt động thường niên giúp đô thị vận hành thông minh và hiệu quả hơn.
Nhưng, AI không thể thay thế được thái độ phục vụ, ứng xử đối với người dân trong lúc rối như tơ vò, hay có thể lắng nghe những bức xúc của DN trước thời điểm ngặt nghèo… AI không thể nhưng con người thì có thể. Chỉ cần sự tận tâm và lòng nhiệt thành, công chức sẽ lắng nghe, chia sẻ, thấu hiểu với từng hoàn cảnh mà người dân, DN và tìm hướng giải quyết. Chưa vội nói những thứ xa xôi, cải cách hành chính bắt đầu từ con người.
Bình luận (0)