Cụ thể, sự việc xảy ra năm 2012, giám đốc một công ty ở tỉnh Trà Vinh đã bị phạt 4 năm tù vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của người này là lập nhiều văn phòng đại diện ở nhiều tỉnh thành, sau đó tìm phụ nữ mang thai từ 1 - 3 tháng để hợp thức hóa thành nhân viên của công ty nhằm tham gia BHXH và chiếm đoạt tiền của chế độ thai sản…
Trên thực tế, đây chỉ là một trong những chiêu trò trục lợi quỹ BHXH được các cơ quan chức năng cảnh báo liên tục suốt thời gian qua. Vì lẽ đó, công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, thanh tra của cơ quan BHXH tại các địa phương được chấn chỉnh và thực thi nghiêm khắc. Tất cả chỉ nhằm mục đích đảm bảo việc thực hiện chế độ, chính sách cho người lao động đúng quy định pháp luật.
Nhưng mới đây, tại buổi đối thoại với chính quyền TP.HCM, đại diện một doanh nghiệp than phiền rằng mỗi khi công ty có người nghỉ hưởng chế độ thai sản sau khi đóng đủ 6 - 7 tháng BHXH thì đơn vị bị thanh tra. Theo vị này, tính từ cuối năm 2021 đến thời điểm vị này phát biểu, tổng cộng công ty bị cơ quan BHXH thanh tra 4 lần… và điều này là bất hợp lý, ảnh hưởng hoạt động sản xuất của đơn vị. Chưa kể, hồ sơ mà cơ quan BHXH yêu cầu cung cấp có nhiều cái không liên quan tới người lao động nghỉ hưởng thai sản.
Lãnh đạo BHXH TP.HCM khẳng định không có chuyện thanh tra tới… 4 lần trong năm; đó chỉ là công tác kiểm tra thường xuyên, định kỳ để tránh việc lạm dụng quỹ BHXH. Nhưng lãnh đạo BHXH TP.HCM cũng nhấn mạnh việc kiểm tra như vậy là "không được" vì nguyên tắc phải kiểm tra một lần cho tất cả trường hợp.
Câu chuyện này cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng tại địa phương nhìn lại và rút kinh nghiệm thực thi chính sách trong thực tế, nếu có. Quan trọng là cần có quy định rõ ràng, thỏa đáng, tránh những nghi hoặc không nên có về việc "lạm quyền".
Bình luận (0)