Tiếp nối những thành công trước đó, làng bích họa Tam Thanh tiếp tục được khoác thêm những tấm “áo mới” đa sắc màu.
Những bức vẽ mới trên tường được sáng tác miễn phí bởi nhiều họa sĩ nổi tiếng đến từ TP.Hà Nội, Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Chính quyền địa phương hỗ trợ phương tiện đi lại, ăn ở. Hiện, các họa sĩ đã hoàn thành 25 tranh tường, 60 tranh trên chum vại, 55 tranh trên thuyền thúng và 9 tác phẩm điêu khắc tại làng bích họa.
Tuy nhiên, khác hẳn so với những lần trước, lần này sau khi các bức tranh hoàn thành, nhiều người dân tỏ ra không thích thú với một số bức họa. Họ cho rằng, một số bức họa có tính trừu tượng quá cao, không phù hợp với không gian làng biển như Tam Thanh.
Nhiều người cũng cho rằng, Tam Thanh được du khách biết đến là làng bích họa với những bức tranh miêu tả chân thực cuộc sống thường ngày, nét đẹp lao động, nét đẹp của những người dân làng biển. Khi đến với Tam Thanh, nhiều du khách thích ngắm những bức họa gần gũi đời sống chứ không phải là những bức họa mang tính trừu tượng.
“Nói thật, từ ngày bức tranh hoàn chỉnh, tôi cứ đứng nhìn mãi mà vẫn chưa hiểu tác giả họ vẽ cái chi nữa. Nhìn nó phản cảm quá, con bò không ra con bò, thuyền không ra thuyền… Thử hỏi vẽ mà người dân địa phương không hiểu thì khách du lịch họ đến đây có hiểu được không?”, ông Nguyễn Tùng (ở xã Tam Thanh) thắc mắc.
Một họa sĩ trực tiếp tham gia vẽ tranh tại làng bích họa Tam Thanh cho hay sáng tác mỹ thuật là công việc cá nhân. Một bức tranh sẽ có người thích và người không thích, chuyện đó là bình thường. Để tạo một mỹ cảm mới là công việc mà người làm mỹ thuật bao giờ cũng trăn trở và không dễ gì cộng đồng chấp nhận ngay và cần phải có thời gian.
Trao đổi với Thanh Niên, ông Võ Quang Hân, Phó chủ tịch UBND xã Tam Thanh, cho biết hàng chục bức họa đã hoàn thành sau hơn 10 ngày. Mỗi họa sĩ có trường phái riêng, mỗi tác phẩm nghệ thuật đều là đứa con tinh thần nên đều chứa đựng cả tâm huyết của họ.
Theo ông Hân, về việc người dân cho rằng một vài bức tranh gây tranh cãi vì không phù hợp với không gian làng biển thì chính quyền địa phương sẽ giải thích để mọi người hiểu. Trong trường hợp người dân không muốn những bức tranh đó lưu giữ trên tường nhà mình thì chúng tôi sẽ liên lạc với các họa sĩ, xin ý kiến họ có nên loại bỏ bức tranh đó không hoặc nhờ chỉnh sửa lại.
“Mỗi họa sĩ sẽ có một trường phái, quan điểm riêng về nghệ thuật. Tranh là để phục vụ cộng đồng, phục vụ du khách. Những người am hiểu về hội họa thì sẽ có cách nhìn riêng, đam mê với những bức tranh mang tính trừu tượng. Tuy nhiên, cũng có những người chỉ thích những bức tranh thể hiện rõ nội dung”, ông Hân nói.
Cũng theo ông Hân, mục đích cuối cùng là chỉ để phục vụ cộng đồng và du khách, đem lợi nhuận về cho nhân dân. Các họa sĩ đến với địa phương bằng cả tấm lòng nên không có lý gì mình không đón nhận những bức họa do họ tạo ra.
“Tam Thanh là làng quê cộng đồng, tranh vẽ không chỉ là tô đẹp mái nhà của người dân mà còn phải hướng đến phục vụ du khách, tạo nét độc đáo, thu hút du khách đến khám phá. Qua đó, giúp quảng bá hình ảnh làng bích họa, con người Tam Thanh hiền hòa mến khách”, ông Hân nhấn mạnh.
Trước đó tháng 6.2016, Quỹ giao lưu quốc tế Hàn Quốc thực hiện dự án giao lưu mỹ thuật cộng đồng Hàn - Việt tại xã Tam Thanh với hơn 100 bức họa. Ngôi làng cũ kỹ nằm ven biển đã có diện mạo mới. Dự án đã giúp làng chài hoang sơ thành làng bích họa nổi tiếng ở Việt Nam, đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, tạo thêm sinh kế cho người dân.
Ngoài một vài bức tranh gây tranh cãi, các họa sĩ cũng đã mang đến những bức tranh đa sắc màu tái hiện lại cuộc sống của người dân miền biển với góc nhìn đa chiều.
Dưới đây là một số bức họa mà PV Thanh Niên ghi nhận.
Bình luận (0)