Ngay sau khi lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM trả lời về việc cấm giáo viên bản ngữ đặt tên tiếng Anh cho học sinh tiểu học do có một số điểm không có lợi cho giáo dục và truyền thống đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến. Có những ý kiến tỏ ra ủng hộ quy định trên nhưng song song đó là những quan điểm phản biện và cho rằng không cần thiết.
Đồng tình với việc đặt tên tiếng Anh không có lợi là quan điểm của phụ huynh Nguyễn Hoàng Khánh, Trường tiểu học Rạch Ông (Q.8, TP.HCM). Ông Khánh nói rằng học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ để hòa nhập chứ đừng hòa tan. Muốn đất nước cường thịnh thì việc đầu tiên phải tự cường, tự tôn dân tộc, coi trọng giá trị gia đình và bắt đầu từ cái tên. Do vậy tên của mình do cha mẹ gửi gắm niềm tin yêu, mình phải giữ gìn, không thể để mai một.
tin liên quan
‘Đặt tên bằng tiếng Anh không có lợi cho giáo dục và truyền thống’Hay bạn đọc Nguyễn Đức Phát chia sẻ với Báo Thanh Niên, một con người không có lòng tự tôn, tự hào dân tộc khó là người có ích. Mới lớp 1 mà để các em mang tên nước ngoài , định hướng các em đến mục tiêu nào?
Còn một giáo viên tiếng Anh thì nói, giáo viên nước ngoài họ chỉ có quyền dạy tiếng Anh thì bổn sự của họ chỉ dạy tiếng Anh. Chứ họ có cái quyền gì mà được đặt tên con em người Việt?. Nếu cứ làm ngơ cho giáo viên nước ngoài họ tùy tiện tự tung tự tát đặt tên thì đó là họ coi thường cái tên do cha mẹ đặt.
Ngược lại, ông Nguyễn Bảy, một giáo viên về hưu cho rằng quan điểm của Sở rất bảo thủ, nhìn vào mặt bằng chung thì mới thấy chất lượng giáo dục ở Việt Nam ra sao, từ cách hành xử trong gia đình, ngoài xã hội, với bạn bè... Quan trọng nhất là dạy làm người cho các trẻ, chứ đâu phải cái tên Merry, Peter..., tính cách tốt, phẩm cách hay thì có kêu bằng tên gì cũng đâu có quan trọng...
tin liên quan
Quy định dạy tiếng Anh không giống aiCòn phụ huynh Lại Mỹ Ngọc (Q.3, TP.HCM) chỉ ra rằng, sinh viên đại học mà nói vài ba câu cũng ngọng líu ngọng ló, người Việt nghe còn không hiểu, gặp người nước ngoài thì sợ sệt, ngại ngần. Nếu đặt nickname giúp các em thay đổi và tự tin hơn trong giao tiếp thì điều đó cũng không có gì đáng ngại. Có rất nhiều tên ra nước ngoài không dám xài, hay có dấu sắc, nặng rất khó đọc. Học ngoại ngữ để giao tiếp với thế giới thì cứ thay đổi để phù hợp thôi, đừng dạy ngoại ngữ theo kiểu Việt Nam hóa.
Trong khi đó, bạn đọc Tạ Anh Sơn nói rằng nên xem tên tiếng Anh biệt danh. Không ai bắt học sinh bỏ tên tiếng Việt nhưng người nước ngoài phát âm tên tiếng Việt rất khó trong một số trường hợp. Tôi từng gặp trường hợp “có người nước ngoài hỏi có tên tiếng Anh không chứ tao chưa có con, gặp cứ gọi "son" (con trai), khó lắm. Còn những người tên như Tuấn, Loan, Vũ... họ đọc khó lắm luôn”. Đương nhiên là thực tế không phải ngành nghề nào cũng cần tên tiếng Anh, với lại giáo dục tiểu học nếu không trong môi trường học quốc tế thì cũng không cần lắm. Nói chung nó là một thứ gì đó phụ thêm và nên nghĩ đến nếu bạn có làm những ngành tiếp xúc với người nước ngoài nhiều, hoặc đi ra nước ngoài sinh sống.
Bình luận (0)