Đặc biệt, chuyện từ chức càng “nóng” hơn khi sáng 4.6 cộng hưởng thêm việc ông Đoàn Ngọc Hải, Phó chủ tịch UBND Q.1, TP.HCM, làm đơn xin từ chức chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi nhận quyết định điều chuyển công việc.
Như Thanh Niên đã thông tin, trong buổi thảo luận về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh chương trình năm 2019, dẫn ví dụ Nghị quyết T.Ư về nêu gương có nêu cán bộ, đảng viên nếu thấy mình sai, không đủ điều kiện, không còn tín nhiệm thì nên chủ động từ chức, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói: “Thực tế từ khi ra đời đến nay, đặc biệt qua vụ gian lận về thi cử trầm trọng như vậy, nhưng có mấy ai xin từ chức đâu. Cho nên tha thiết Quốc hội phải luật hóa về vấn đề từ chức”.
Rất nhiều bạn đọc Thanh Niên bày tỏ sự ủng hộ đối với ý kiến của đại biểu Trí. Bạn đọc Bùi Tá Vinh (Quảng Ngãi) cho rằng vấn đề này người dân rất đồng tình: "Việc nhiều cán bộ, đảng viên có những sai phạm nghiêm trọng nhưng chỉ là nhận khuyết điểm, xin lỗi rút kinh nghiệm sâu sắc vậy là xong, chấm hết và lại tiếp tục sai phạm thêm những việc khác, mà có ai dám “từ chức, rời cái ghế...” bao giờ đâu? Vì vậy cần phải luật hóa vấn đề từ chức".
Cùng quan điểm, bạn đọc Tong Son (TP.HCM) cho rằng từ chức là hành động của một con người có văn hóa, biết tự trọng, nếu cố bám vào cái chức của mình bằng mọi giá thì luật pháp cũng phải đưa anh ta ra khỏi tổ chức, vì nếu còn được sử dụng thì con người như thế không có ích gì cho xã hội.
Tuy nhiên, bạn đọc Hữu Sáng (Đà Nẵng) lại cho rằng: "Không phải cái gì đụng đến cũng đòi luật hóa như vậy thì chẳng có ý nghĩa gì. Mà khi đã nói đến luật thì nó là nguyên tắc mang tính áp đặt, vậy còn gì để nói đến ý thức của người lãnh đạo đúng nghĩa. Nên việc từ chức thì phải là từ lòng tự trọng của bản thân thấy được mà từ chức thì đó mới là người có đạo đức và văn hóa".
Tương tự, bạn đọc Viet (TP.HCM) cũng cho rằng “Từ chức là tự nguyện, làm sao mà luật hóa được. Nếu luật hóa là bắt buộc thì phải là cách chức mới đúng chứ”.
Trong khi đó, theo bạn đọc Hoàng Hải (Bà Rịa-Vũng Tàu), từ chức là tự nguyện, khi có những liên quan không tốt đến bản thân, cần phải từ chức để thể hiện sự tự trọng và danh dự, uy tín của cá nhân, của tổ chức Đảng mà họ là thành viên. “Còn trong tình hình nước ta như hiện nay, nếu những người đó dù có những sai phạm, có những liên quan không hay đến bản thân mà vẫn cố tại vị thì nên cách chức để giữ gìn kỷ cương, uy tín của tổ chức Đảng, chính quyền. Bổ nhiệm được thì cách chức được...”, bạn đọc Bà Rịa-Vũng Tàu “chốt”.
Cần noi gương ông Đoàn Ngọc Hải
Chiều 4.6, sau khi được điều động từ vị trí Phó chủ tịch UBND Q.1 sang làm Phó tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng Sài Gòn TNHH một thành viên, ông Đoàn Ngọc Hải đã nộp đơn xin từ chức. Đây là lần thứ hai ông Hải nộp đơn xin từ chức. Trong đơn lần này, ông viết: "Sau khi nhận công tác tại đơn vị mới, tôi nhận thấy không có trình độ chuyên môn về ngành xây dựng, không phù hợp với năng lực, sở trường chuyên môn được đào tạo và quá trình công tác, thì không thể làm tốt công việc này được. Nếu tôi miễn cưỡng phải nhận nhiệm vụ trái với sở trường, chuyên môn và tâm huyết thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng do không có chuyên môn. Điều đó sẽ làm tổn thương đến uy tín của Đảng, tiền bạc và tài sản của nhân dân, nên tôi từ chức".
Sau khi thông tin được Thanh Niên đăng tải, chỉ trong một tiếng đã có gần 300 phản hồi của bạn đọc gửi về, hầu hết bày tỏ khâm phục sự dũng cảm, lòng tự trọng của ông Hải khi đã làm một việc mà không phải ai cũng dám làm. Bạn đọc cũng “mong rằng những cán bộ khác noi gương ông Hải”.
|
Bình luận (0)