Tranh luận chuyện phạm nhân lao động ngoài trại giam

20/11/2018 09:26 GMT+7

Ngày 19.11, khi thảo luận tại hội trường về dự thảo luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), quy định phạm nhân được lao động, dạy nghề ngoài trại giam đã thu hút sự quan lớn của các đại biểu quốc hội.

Cụ thể, một trong những điểm mới rất đáng ý tại dự thảo luật là nội dung tại điểm b khoản 4 điều 17: “Căn cứ yêu cầu thực tế của công tác giam giữ, quản lý và tổ chức lao động dạy nghề cho phạm nhân, trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động dạy nghề ngoài trại giam”.
Đại biểu (ĐB) Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng nếu các trại giam tổ chức sản xuất, bảo đảm được vấn đề an ninh thì việc cho phạm nhân được lao động, sản xuất bên ngoài hiện nay có thể thực hiện được. Đây là điều kiện rất quan trọng để họ có thể sớm hòa nhập cộng đồng, giảm bớt sự mặc cảm, quyết tâm cải tạo để sớm về với gia đình.
Đồng tình cao với phân tích này, ĐB Vương Ngọc Hà (Hà Giang) nhấn mạnh “đây là hoạt động rất có ý nghĩa đối với những phạm nhân mà trước đây không có trình độ về một nghề nào, để khi họ trở lại cuộc sống sẽ có những kỹ năng để mưu sinh, hòa nhập cộng đồng”.
Nhưng ở chiều ngược lại, không ít ĐB phản đối điểm mới này. “Việc tổ chức lao động cho phạm nhân là nhằm giáo dục, cải tạo cho phạm nhân, đồng thời cũng phải đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình quản lý, giam giữ và lao động cải tạo. Do vậy, việc lao động của phạm nhân chỉ nên tổ chức trong trại giam hoặc khu sản xuất, điểm lao động thuộc khu vực quản lý của trại giam. Thực tế, việc này đã được thực hiện ổn định từ trước đến nay”, ĐB Bùi Quốc Phòng (Thái Bình) nêu quan điểm và đề nghị cho giữ như quy định của luật Thi hành án hình sự hiện hành.
ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng quan ngại khi lo quy trình tiềm ẩn rủi ro, nguy cơ phạm nhân trốn trại rất cao, không bảo đảm an ninh, an toàn trong việc quản lý phạm nhân, có thể phát sinh ra nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, trật tự trong khu vực.
“Cần đánh giá đầy đủ về tác động và làm rõ những tiêu chí, điều kiện cụ thể, tính khả thi để trại giam tổ chức khu sản xuất, điểm lao động dạy nghề cho phạm nhân ngoài trại, nhất là việc tổ chức cho phạm nhân ra khỏi trại giam đi lao động hằng ngày”, ông Tạo đề xuất.
Cảnh sát biển được truy đuổi tàu thuyền khi nào ?
Chiều cùng ngày, với đa số ĐB tán thành, QH thông qua một loạt dự án luật quan trọng: luật Chăn nuôi, Trồng trọt, luật Giáo dục đại học sửa đổi... Đáng chú ý, luật Cảnh sát biển VN quy định cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển. Luật quy định cảnh sát biển được thực hiện quyền truy đuổi tàu thuyền trên biển trong các trường hợp: vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên biển; không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh dừng tàu thuyền của cảnh sát biển; thực hiện hợp tác quốc tế trong hoạt động truy đuổi…
Đối với luật Giáo dục đại học sửa đổi, những vấn đề có nhiều tranh luận trước đó như mô hình hệ thống giáo dục đại học, quyền tự quyết của đại học, cấp bằng, học phí... đều nhận tỷ lệ tán thành cao. Luật cũng duy trì mô hình 2 cấp, trường đại học và đại học như dự thảo nhưng cũng tiếp thu ý kiến ĐB ở chỗ không quy định cứng mô hình quản lý hai cấp, mà quy định cơ sở giáo dục đại học tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình. Mối quan hệ giữa đại học và các trường thành viên, theo đó, tuân thủ theo quy định của pháp luật và theo quy chế tổ chức và hoạt động của từng đại học do cơ sở giáo dục xây dựng.
Anh Vũ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.