Tranh luận sôi nổi về các giải pháp bảo vệ trẻ em tại 'Quốc hội trẻ em'

10/09/2023 13:19 GMT+7

Tại Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, năm 2023, các đại biểu đã tranh luận sôi nổi về các giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.

Sáng 10.9, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư chủ trì, phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Phiên họp toàn thể giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất, năm 2023.

Phiên họp có sự tham dự của ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội.

Các ủy viên T.Ư Đảng: ông Trần Hồng Hà, Phó thủ tướng Chính phủ; ông Phạm Tất Thắng, Phó trưởng ban thường trực Ban Dân vận T.Ư; bà Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội; ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT-TT; bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam; ông Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, Chủ tịch Nhóm Đại biểu Quốc hội trẻ.

Về phía ban tổ chức có ông Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng thư ký kiêm Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn.

Tranh luận sôi nổi về các giải pháp bảo vệ trẻ em tại 'Quốc hội trẻ em' - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự và phát biểu tại chương trình

NGỌC THẮNG

Phiên họp giả định nhưng ý kiến phát biểu là thực chất

Phát biểu tại phiên họp, chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức, cho biết với mô hình giả định "Quốc hội trẻ em", ban tổ chức mong muốn mang lại cơ hội để các em có thể tiếp xúc, tìm hiểu một cách có hệ thống về hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước và đặc biệt là các hoạt động quan trọng như lập hiến, lập pháp, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao của Quốc hội - cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân.

Từ đó, các em có được kiến thức, kỹ năng phân tích các vấn đề hiện tại của trẻ em, xây dựng những giải pháp cho chính mình, hoàn thiện hơn từ việc học hỏi các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và thể hiện trở lại trên nghị trường Quốc hội.

Tranh luận sôi nổi về các giải pháp bảo vệ trẻ em tại 'Quốc hội trẻ em' - Ảnh 2.

Chị Nguyễn Phạm Duy Trang phát biểu tại phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em"

NGỌC THẮNG

Bên cạnh đó, việc các em được đóng vai đại biểu Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, được ý kiến, biểu quyết thông qua các vấn đề tại phiên họp góp phần hình thành trong các em niềm đam mê với nghề nghiệp, nuôi dưỡng trong các em ước mơ, hoài bão to lớn về việc làm thế nào để góp phần xây dựng đất nước; xác định cho mình ý chí học tập, rèn luyện để trở thành người đại biểu của nhân dân hoặc lãnh đạo của các cơ quan nhà nước trong tương lai.

Chị Trang cho biết việc lựa chọn 2 chủ đề “Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại, trẻ em” và “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo, trên môi trường mạng” được tiến hành dựa trên cơ sở thực hiện vai trò đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em của tổ chức Đoàn, Đội các cấp và sự quan tâm của xã hội cũng như của chính các em.

Các nội dung phiên họp là kết quả làm việc của chính các đại biểu trẻ em được lựa chọn tham gia phiên họp cũng như ý kiến, nguyện vọng của hơn 41.000 trẻ em đại diện cho hơn 25 triệu trẻ em trong cả nước.

Tranh luận sôi nổi về các giải pháp bảo vệ trẻ em tại 'Quốc hội trẻ em' - Ảnh 3.

Trẻ em đóng vai đại biểu Quốc hội trong phiên họp giả định

NGỌC THẮNG

“Dù đây là phiên họp giả định nhưng tất cả những ý kiến phát biểu tại phiên họp hôm nay là ý kiến thực chất, sinh động, thể hiện suy nghĩ, mong muốn, nguyện vọng của trẻ em. Qua đây, ban tổ chức mong muốn tạo môi trường để các em rèn luyện kỹ năng phát hiện vấn đề, giải quyết vấn đề, phát biểu, trình bày trước công chúng”, chi Trang cho hay.

Tranh luận về phòng, chống bạo lực trẻ em

Phiên họp giả định được diễn ra như phiên họp Quốc hội chính thức với sự điều hành của em Lê Quang Vinh, Phó chủ tịch Quốc hội trẻ em. Chủ tịch Quốc hội trẻ em Đặng Cát Tiên phát biểu khai mạc phiên họp. Các đại biểu đã thảo luận về việc bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng và phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em.

Tranh luận sôi nổi về các giải pháp bảo vệ trẻ em tại 'Quốc hội trẻ em' - Ảnh 4.

Chủ tịch Quốc hội trẻ em Đặng Cát Tiên phát biểu khai mạc phiên họp

NGỌC THẮNG

Theo đại biểu Hoàng Trà My (Nghệ An), hiện nay, tình trạng tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em đang có xu hướng gia tăng, trở thành một vấn đề gây bức xúc, lo lắng của toàn xã hội. Nêu kết quả khảo sát thực tế trên 41.000 cử tri trẻ em, đại biểu này cho rằng thực trạng đáng báo động. “Vấn đề tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em đang ngày càng trở nên nghiêm trọng và phức tạp cả trên không gian mạng và ngoài xã hội; ở những vùng núi xa xôi và cả những đô thị lớn”, đại biểu Trà My thông tin.

Nêu giải pháp về tăng cường vai trò của nhà trường trong phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực và xâm hại trẻ em, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Chi (Hà Tĩnh) cho rằng Bộ GD-ĐT cần đầu tư để giúp các trường có các buổi talkshow, giúp học sinh dám đứng lên nói ra ý kiến của mình, vừa giúp học sinh tự tin hơn, vừa tìm hiểu được vấn đề các em đang mắc phải, bởi không ai hiểu học sinh hơn chính họ và họ sẽ là những người đưa ra những ý kiến khách quan nhất.

Tranh luận sôi nổi về các giải pháp bảo vệ trẻ em tại 'Quốc hội trẻ em' - Ảnh 5.

Đại biểu "Quốc hội trẻ em" tranh luận tại hội trường Diên Hồng

NGỌC THẮNG

Tuy nhiên tranh luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Nguyễn Gia Hân (TP.Đà Nẵng) cho rằng, có rất nhiều trẻ em rất ngại chia sẻ với thầy cô, bạn bè về vấn đề mình gặp phải nên việc để những trẻ em này tham gia talkshow, nói lên vấn đề của mình sẽ rất khó khăn.

 “Thay vì nói trước đám đông, đối với các trẻ em nhút nhát, gặp khó khăn trong giao tiếp hoặc trẻ em có những vấn đề riêng tư, nhất là ở lứa tuổi dậy thì, phương án tốt nhất vẫn là gặp riêng cán bộ tư vấn tâm lý học đường. Vì vậy, cần phát triển các trung tâm tư vấn tâm lý học đường ở tất cả các trường học, có bác sĩ tâm lý chuyên nghiệp để giúp học sinh giải quyết những vấn đề khó khăn của mình”, đại biểu đề xuất.

Quốc hội cần tăng cường hoạt động giám sát 

Nêu ý kiến về bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, an toàn, sáng tạo trên không gian mạng, đại biểu Khúc Trà Giang (TP.Hải Phòng) cho biết, trên thực tế, trẻ em hiện nay tiếp xúc với mạng xã hội nhiều. Nội dung thu hút các bạn chủ yếu là các câu chuyện drama, các tựa game, các xu hướng, trào lưu trên mạng xã hội, còn những trang báo truyền thống, trang thông tin chính thức chưa được các bạn quan tâm.

“Trong tư tưởng của học sinh nhìn nhận hành vi bạo lực mạng là hành động thể hiện bản thân; hành vi bạo lực, nói xấu, dùng ngôn từ xúc phạm người khác trên mạng xảy ra thường xuyên. Khi bị bạo lực mạng, các bạn không dám báo cho người lớn, vì có nhiều trường hợp đối tượng đi bắt nạt tuy đã bị xử phạt nhưng vẫn tiếp tục trả thù…”, đại biểu Trà Giang nói.

Tranh luận sôi nổi về các giải pháp bảo vệ trẻ em tại 'Quốc hội trẻ em' - Ảnh 6.

Đại biểu chủ trì phiên họp "Quốc hội trẻ em"

NGỌC THẮNG

Đại biểu này đề xuất: “Chúng ta nên hạn chế, kiểm soát nhiều hơn đối với trẻ em trong việc sử dụng những ứng dụng này, bởi từ trước đến nay luôn có những vụ việc trẻ em bị bắt cóc, xâm phạm qua những hình ảnh mà trẻ em đăng lên”.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Tường (Đồng Nai) cho rằng, trong thời đại công nghệ số, không thể cấm trẻ em tham gia không gian mạng, như thế sẽ hạn chế cơ hội tiếp cận thông tin, tri thức. Tuy nhiên, trẻ em vào internet phải đối mặt với không ít nguy cơ rủi ro, bị xâm hại. Trước thực trạng đó, đại biểu đề xuất các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt hơn vai trò nhằm đảm bảo cho trẻ em được tương tác an toàn, lành mạnh và sáng tạo trên không gian mạng.

“Quốc hội tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật liên quan tới vấn để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Theo ý kiến của cử tri trẻ em, một số địa phương chưa thực sự quan tâm triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng; chưa xử lý nghiêm hành vi vi phạm về đảm bảo an toàn của trẻ em, gây tổn thương về mặt thể chất, tinh thần của trẻ em trên không gian mạng”, đại biểu Ngọc Tường nói.

Đại biểu này cũng đề xuất Chính phủ ban hành quy định yêu cầu các hiệp hội, tổ chức có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kỹ thuật và nghiệp vụ để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.