Tranh luận sự tồn tại mô hình ĐH quốc gia, ĐH vùng

08/09/2018 09:38 GMT+7

Cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan thẩm tra của Quốc hội vẫn có ý kiến khác nhau về mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) khi một bên muốn duy trì mô hình tổ hợp các trường ĐH như hiện nay, còn một bên muốn gọi tất cả các trường là ĐH.

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật GDĐH tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày 7.9, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, cho biết liên quan tới mô hình hệ thống GDĐH, hiện ý kiến giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra vẫn khác nhau. Theo đó, cơ quan thẩm tra đề nghị quy định thống nhất mô hình hệ thống GDĐH gồm có trường ĐH và ĐH, trong đó trường ĐH là hạt nhân, khi một trường ĐH tự lớn mạnh lên và thành lập hệ thống các trường ĐH thì được hình thành một ĐH. Trong khi đó, cơ quan soạn thảo lại đề nghị quy định hệ thống cơ sở GDĐH gồm có ĐH, trường ĐH, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác và gọi chung là ĐH.

Theo ông Bình, mô hình do cơ quan thẩm tra đề xuất có ưu điểm là tạo được sự mạch lạc của hệ thống GDĐH, đồng thời tạo hành lang pháp lý kết hợp tiềm năng, lợi thế của các trường ĐH để tạo nên sức mạnh hệ thống; và thực tế xây dựng 2 ĐHQG đã chứng minh tính đúng đắn của mô hình này. Trong khi đó, phương án của ban soạn thảo đưa ra chưa giải quyết được bản chất vấn đề về mô hình trường ĐH bên trong ĐH của các ĐH hiện nay, cả về nội dung và tổ chức, đồng thời có thể làm phức tạp thêm hệ thống khi quy định tất cả cơ sở GDĐH là ĐH.
Ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội, cho rằng giải trình của ông Bình đang hướng các đại biểu chọn theo phương án của cơ quan thẩm tra. Theo ông Nhã, 2 ĐHQG trước đây được thành lập bằng quyết định hành chính nên hiện nay đã nảy sinh nhiều bất cập về nội dung cũng như tổ chức, và cho rằng mô hình mà cơ quan soạn thảo đưa ra sẽ giải quyết được những bất cập này. Nhiều đại biểu cũng tán thành quan điểm không nên tiếp tục duy trì mô hình ĐH trong ĐH…
Trao đổi về vấn đề này, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết việc thành lập các ĐHQG và ĐH vùng trước đây là nhằm mục đích tăng quyền tự chủ để các trường này phát triển. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác, 23 trường được Chính phủ giao thí điểm tự chủ vừa qua thậm chí còn tự chủ hơn cả các ĐH này. Bên cạnh đó, ông Đam cho rằng việc tiếp tục mô hình ĐH trong ĐH như cơ quan thẩm tra đề xuất sẽ nảy sinh nhiều bất cập khi nhiều trường ĐH lớn cả về quy mô và uy tín, đào tạo đa ngành nhưng theo luật họ không phải là ĐH nên không được phép thành lập các trường ĐH trực thuộc khiến nhiều trường đã “lách luật” bằng cách thành lập các viện đào tạo trong trường. Từ đó, ông Đam tán thành đề nghị sử dụng mô hình gọi chung các trường là ĐH mà ban soạn thảo đưa ra.
Trong khi đó, ông Bình bảo vệ quan điểm cho rằng hiện nay xu hướng trên thế giới là các trường ĐH kết hợp với nhau để hình thành các tổ hợp ĐH, như Philippines có ĐHQG với 17 trường ĐH thành viên hay Nhật Bản cũng thành lập tập đoàn ĐHQG với nhiều trường thành viên. Ông Bình cũng khẳng định việc thành lập 2 ĐHQG trong thời gian qua cũng không phải không có kết quả, và việc các trường ĐH không thành lập trường trực thuộc không phải vì pháp luật không cho phép mà vì mô hình này chưa phổ biến trong hệ thống của VN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.