Tranh luận tách luật Giao thông đường bộ

17/11/2020 05:45 GMT+7

Thảo luận tại Quốc hội, nhiều đại biểu góp ý việc tách luật sẽ dẫn đến chồng chéo, xung đột lợi ích khi thực hiện.

Ngày 16.11, Quốc hội (QH) dành cả ngày để thảo luận 2 dự án luật Giao thông đường bộ (GTĐB) sửa đổi do Bộ GTVT chủ trì và luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB do Bộ Công an chủ trì. Luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB được tách ra từ luật GTĐB, với thay đổi căn bản là chuyển việc quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Cơ sở chính trị, pháp lý không rõ ràng

Trong số hơn 50 đại biểu (ĐB) phát biểu ý kiến tại 2 phiên thảo luận ngày 16.11, đa số là ý kiến không đồng tình với việc tách luật và chuyển thẩm quyền quản lý sát hạch, cấp GPLX cho Bộ Công an.
 

Ảnh: Doãn Tấn

Việc tách luật ở đây không phải để phân chia “quyền anh, quyền tôi” hay quyền lợi của mỗi bộ, ngành, mà trên hết việc xây dựng luật phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc và người dân
Đại biểu Nguyễn Thị Xuân
Là một trong số ít ĐB tán thành việc tách luật, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng nội dung tách luật đã được Chính phủ thảo luận và cân nhắc kỹ lưỡng. Đặc biệt, sau khi tham khảo ý kiến chuyên gia, cơ quan nhà nước có thẩm quyền và hội đồng thẩm định của Bộ Tư pháp thì Thủ tướng đã có ý kiến đồng ý. “Tôi ủng hộ sự lựa chọn của Chính phủ và của Thủ tướng, vì tôi thấy việc này có lợi cho nhân dân, đất nước”, ĐB tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh.
Không đồng tình với ĐB Sinh, ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng khi thảo luận để tách luật thì bản thân Chính phủ cũng không thống nhất được. Trong nghị quyết của Chính phủ về xây dựng luật cũng yêu cầu để 2 phương án để QH thảo luận. “QH có phải là cơ quan làm chính sách, làm sao có thể biết được đầu đuôi câu chuyện để thảo luận một cách thấu đáo?”, ĐB Xuyền nói và cho biết, dự án luật chuẩn bị rất gấp rút khi mới trình ra QH từ tháng 9, ngay sát kỳ họp.
ĐB Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) thì cho rằng cơ sở chính trị, pháp lý mà báo cáo của Chính phủ viện dẫn để tách luật là Chỉ thị 18 năm 2012 với nội dung “tiến hành rà soát để sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn giao thông phù hợp tình hình mới” là không đúng.
“Ban Bí thư có yêu cầu phải nghiên cứu để xây dựng riêng luật Bảo đảm trật tự, an toàn GTĐB, chuyển nhiệm vụ có tính chất dân sự là cấp GPLX để công an thực hiện không? Chưa nói đến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 QH đã thống nhất là sửa đổi luật GTĐB chứ không phải là 2 luật”, ông Thắng nêu, đồng thời đề nghị QH xem xét không tách luật GTĐB thành 2 luật như hiện nay.

Lý do chưa thuyết phục

Cũng ủng hộ tách luật, ĐB Nguyễn Thị Xuân (thiếu tướng công an, thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk) cho rằng việc tách luật là cần thiết, vì 95% số vụ tai nạn giao thông hiện nay là tai nạn GTĐB. Đường bộ cũng là nơi xảy ra nhiều hoạt động các loại tội phạm liên quan tới an ninh trật tự. Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng có luật riêng về trật tự an toàn giao thông.
 

Ảnh: Doãn Tấn

Việc tách luật có thể gây hệ lụy về pháp luật, về tổ chức thực hiện khi tiềm ẩn xung đột thẩm quyền, nhiệm vụ và thậm chí là lợi ích. “Điều này có thể dẫn tới tình trạng “quyền anh, quyền tôi” mà có lần Thủ tướng đã nhắc tới
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng
Tranh luận với ĐB Xuân, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho rằng, mục đích tối cao và “linh hồn” của luật GTĐB là tạo ra những khung pháp lý, những quy tắc điều chỉnh hành vi con người để bảo đảm cho an toàn. “Chính vì vậy, tôi không tán thành việc tách luật ra”, ĐB Nghĩa nêu quan điểm, và kiến nghị nếu luật GTĐB làm chưa tốt thì bổ sung cho tốt. “Còn lấy lý do tách luật ra để giảm tai nạn giao thông thì tôi thấy chưa thuyết phục”, ông Nghĩa nói.
“Ngoài ra, hàng không, đường thủy, đường sắt… cũng đều quan trọng như vậy. Ai nói rằng an ninh hàng không kém quan trọng hơn an ninh đường bộ? Vậy thì chúng ta có tách luôn không?”, ông Nghĩa phát biểu thêm và đề nghị QH tập trung củng cố luật GTĐB và các luật khác sửa đổi, bổ sung và không tách luật này ra.
Phân tích kỹ hơn, ĐB Bùi Văn Xuyền cho rằng phạm vi điều chỉnh của luật GTĐB gồm: kết cấu hạ tầng, phương tiện giao thông, người tham gia giao thông và quy tắc về giao thông. Bốn thành tố này thống nhất, gắn kết chặt chẽ với nhau để hướng đến mục tiêu đảm bảo trật tự an toàn GTĐB.
“Nếu chúng ta tách ra riêng rẽ những thành tố trên sẽ khô cứng và trở nên vô nghĩa”, ĐB Xuyền nhấn mạnh và dẫn chứng từ việc xây dựng con đường hay sản xuất chiếc ô tô, xe máy thì đều phải tính đến an toàn. Do đó, ông cho rằng không thể tách luật GTĐB thành 2 luật.

Lo để lại nhiều hệ lụy

ĐB Nguyễn Thị Xuân cũng nêu quan điểm việc tách luật ở đây không phải để phân chia “quyền anh, quyền tôi” hay quyền lợi của mỗi bộ, ngành, mà trên hết việc xây dựng luật phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, dân tộc và người dân.
Trong khi đó, tranh luận trực tiếp với ĐB Xuân, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh “đừng có nói là không xung đột lợi ích”, vì việc tách luật có thể gây hệ lụy về pháp luật, về tổ chức thực hiện khi tiềm ẩn xung đột thẩm quyền, nhiệm vụ và thậm chí là lợi ích. “Điều này có thể dẫn tới tình trạng “quyền anh, quyền tôi” mà có lần Thủ tướng đã nhắc tới”, ĐB Nhưỡng nói.
Nhiều ĐB phát biểu sau đó cũng cho rằng nếu tách luật một cách khiên cưỡng như hiện nay thì sẽ để lại nhiều hệ lụy, khó khăn trong quá trình triển khai. ĐB Bùi Văn Xuyền nói thêm việc chồng chéo này sẽ dẫn tới phát sinh chi phí trong khâu tổ chức thi hành luật, vì cùng lúc phải triển khai 2 đạo luật song song và việc tổ chức, triển khai thi hành luật cũng như phối hợp thực hiện giữa các ngành chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc.

Chuyển thẩm quyền là không phù hợp

Vấn đề chuyển thẩm quyền quản lý sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an cũng không nhận được sự đồng tình của nhiều ĐB trong cả 2 phiên thảo luận vì cho rằng không phù hợp.
Theo ĐB Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị), việc chuyển thẩm quyền cấp GPLX mô tô, ô tô từ Bộ GTVT sang Bộ Công an không phù hợp với chủ trương của Đảng. Bởi theo chủ trương của Ban Chấp hành T.Ư Đảng thì một số nhiệm vụ thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có đủ điều kiện dân sự hóa thì chuyển cho các bộ khác quản lý nhằm tập trung hơn nhiệm vụ xây dựng quân đội, công an cách mạng chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Trong khi đó, từ năm 1995 tới nay, ngành GTVT đang thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Một nghề cho chín thì còn hơn chín nghề

Tôi rất hoan nghênh và cảm kích ngành công an dù bận trăm công ngàn việc mà toàn là những việc quan trọng nhưng không ngại khó khăn, vẫn muốn gánh vác thêm nhiều trọng trách của xã hội. Nhân dân ta có câu “một nghề cho chín thì còn hơn chín nghề”. Hiện nay, tình hình trật tự, an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp, tội phạm về ma túy, trộm cắp, cướp giật, băng nhóm, cờ bạc, số đề... còn đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, chưa được kiềm chế một cách có hiệu quả. Lực lượng công an với chức năng, nhiệm vụ của mình giải quyết tốt các vấn đề nêu trên để quốc thái dân an thì nhân dân đã cảm kích, tôn vinh lắm rồi mà không cần phải nhận thêm nhiều nhiệm vụ khác.
ĐB Nguyễn Quốc Hận (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau)
Bên cạnh đó, ĐB tỉnh Quảng Trị nhận định hiện nay, ngành GTVT có hơn 2.000 cán bộ công chức, viên chức đang nhận nhiệm vụ trong lĩnh vực này. Nếu chuyển sang Bộ Công an thì phải sắp xếp công việc cho lực lượng này trong khi Bộ Công an phải bổ sung lực lượng để tiếp nhận công việc mới. “Toàn bộ cơ sở vật chất giá trị hàng nghìn tỉ đồng của ngành GTVT có nguy cơ lãng phí trong khi Bộ Công an phải đầu tư trang thiết bị bổ sung, gây tốn kém ngân sách”, ĐB Sinh phân tích.
Đây cũng là quan điểm của nhiều ĐB khi nêu ý kiến thảo luận. Theo ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đang được Bộ GTVT thực hiện tốt, thuận tiện, nhanh chóng và được quốc tế công nhận. Do đó, nếu chuyển sang Bộ Công an thì sẽ tốn kém kinh phí cho nhà nước và nhân dân khi phải hiệp thương lại với các nước, thay đổi GPLX cho nhân dân. Theo ĐB Hận, không nên tập trung quá nhiều quyền lực vào một số cơ quan, đơn vị, vì dễ sinh ra lạm quyền, đặc quyền, đặc lợi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.