Tranh luận trái chiều về ChatGPT trong khoa học, giáo dục

31/01/2023 13:19 GMT+7

Việc vận dụng trí tuệ nhân tạo như ChatGPT tới đâu trong quá trình nghiên cứu và dạy học vẫn là chủ đề bàn cãi của giới học thuật.

Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) mang tên ChatGPT đang tạo ra lo lắng cho các nhà khoa học cũng như người làm giáo dục khi công cụ này có thể được sử dụng nhằm “học hộ” sinh viên cũng như làm các bài khóa luận. Gian lận trong học thuật đã được chứng minh tồn tại khi ChatGPT có thể dịch, tóm tắt văn bản cũng như trả lời các câu hỏi ở nhiều nội dung khác nhau.

Tuy nhiên, không ít nhà nghiên cứu lại cho rằng AI sẽ giúp gỡ bỏ rào cản về mặt ngôn ngữ, đồng thời định hình một nền giáo dục cao hơn hiện nay.

Tranh luận trái chiều về ChatGPT trong khoa học, giáo dục - Ảnh 1.

AI có thể thúc đẩy giai đoạn phát triển tiếp theo của giáo dục

OpenAI

Để thực nghiệm tính đáng tin của nội dung do ChatGPT tạo ra, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học Northwestern và Đại học Chicago (Mỹ) đã yêu cầu nhóm tình nguyện viên đọc và xác định đâu là văn bản nghiên cứu do AI viết ra, đâu là sản phẩm của con người. Kết quả, có tới 32% xác định nhầm nội dung của AI là “hàng thật”, trong khi tỷ lệ nhầm tác phẩm của người viết thành AI là 14%.

“Những người tham gia thử nghiệm nói việc chỉ ra sự khác biệt giữa 2 loại trên là rất khó, nhưng các nội dung do AI viết có phần mơ hồ và tạo cảm giác dựng lên từ công thức so với những gì con người tạo ra”, đánh giá nghiên cứu viết.

Giáo sư Catherine Gao - trưởng nhóm tác giả từ đại học Northwestern thừa nhận bà thấy lo lắng khi phần mềm AI có thể gây tổn hại uy tín tới cộng đồng những người làm khoa học.

“Đã là công nghệ, khi bị sử dụng sai mục đích thì sẽ rất nguy hiểm. ChatGPT cũng ‘không giống ai’ khi rất dễ tiếp cận, miễn phí và làm mọi thứ nhanh chóng. Nếu các nhóm chuyên làm giả giấy tờ lợi dụng công cụ này, họ có thể dễ dàng tạo ra các báo cáo khoa học, kết quả nghiên cứu giả mạo. Sẽ nguy hiểm tới chừng nào khi nhà khoa học làm việc dựa trên các dữ liệu sai lệch đó, hay bác sĩ lâm sàng sử dụng phải thông tin giả mạo?”, bà Gao nói.

ChatGPT làm được gì mà gây bão toàn cầu?

Nhưng bà cũng nhìn nhận việc sử dụng dịch vụ tích hợp AI, tận dụng khả năng dịch và viết đa ngôn ngữ có thể giúp nhà khoa học công bố thành quả nghiên cứu của mình tới nhiều đối tượng tiếp cận vốn bất đồng tiếng nói.

“Những công cụ như vậy có thể giúp giới khoa học bớt gánh nặng viết lách, cải thiện chất lượng nội dụng truyền tải, đặc biệt với những người gặp rào cản về ngôn ngữ khi muốn trình bày công sức của mình tới cộng đồng”, bà Gao cho hay.

AI cũng được vận dụng để tinh chỉnh văn bản dù việc sử dụng để viết báo cáo hoàn chỉnh bị cấm hoàn toàn. Tuy nhiên, vẫn cần chờ phản ứng từ cộng đồng học thuật để xác định đâu là ranh giới cho việc sử dụng trí tuệ nhân tạo trong báo cáo khoa học.

Trong một vài thử nghiệm với yêu cầu viết báo cáo tóm tắt khoa học mà không được cung cấp dữ liệu, ChatGPT trả về kết quả là những văn bản liệt kê mục tiêu của nghiên cứu dưới dạng tạp chí y khoa, kèm ghi chú thể hiện “Kết quả và kết luận có thể không chính xác”.

Nhưng cũng có những lần công cụ này thành thật: “Tôi xin lỗi. Vì chỉ là mô hình lập trình từ ngôn ngữ, tôi không được truy cập vào dữ liệu chính thống hay chuyên môn để thực hiện nghiên cứu. Vì vậy tôi không thể cung cấp phần tóm tắt cho một nghiên cứu không tồn tại”. Chương trình đồng thời đề cập tới các quy trình khắt khe của việc tóm tắt báo cáo khoa học, từ quyền tiếp cận dữ liệu, trình độ chuyên môn, sự đồng thuận của đội ngũ đồng nghiên cứu cũng như quá trình kiểm duyệt độ chính xác, tin cậy trước khi công bố rộng rãi.

ChatGPT khẳng định thứ mình có thể làm cho các nhà khoa học chỉ là “hỗ trợ họ”. Công việc này bao gồm cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi về các chủ đề cụ thể thuộc lĩnh vực họ nghiên cứu; tạo ra giả thiết và dự đoán trên dữ liệu; tổng hợp và phân tích dữ liệu; hỗ trợ viết nghiên cứu và đề xuất; thiết kế, lên kế hoạch thí nghiệm và dịch văn bản…

Mô hình ngôn ngữ này cũng thu hút sự quan tâm của Guo Yingjian - Phó hiệu trưởng Viện Quản trị và Phát triển vốn (thuộc Đại học nhân dân Trung Quốc). Ông tin rằng ngành giáo dục đại học ở Trung Quốc nên chuẩn bị trước những “tác động to lớn” mà trí tuệ nhân tạo như ChatGPT mang tới.

“Giảng viên nên hướng dẫn sinh viên tận dụng tối đa lợi ích của công nghệ này để mô phỏng suy nghĩ cùng sự sáng tạo của con người”, ông viết trong một bài báo đăng trên Nhật báo Khoa học Trung Quốc. Guo cũng đặt câu hỏi tính ứng dụng của AI nên được kiểm soát ra sao và liệu sử dụng AI viết văn bản có cần phải xử lý khác với các công cụ giúp đạo văn hiện nay không.

Học sinh sẽ phải biết cách tận dụng trí tuệ nhân tạo thay vì để AI cám dỗ

Học sinh sẽ phải biết cách tận dụng trí tuệ nhân tạo thay vì để AI cám dỗ

AFP

Theo ông, AI hiện chưa có khả năng nghiên cứu học thuật và cũng không giúp ích nhiều cho các bài viết học thuật chân chính. “Nhưng với sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo, tôi tin ngày đó không còn xa nữa”, Guo nói.

Trong khi đó, Wang Yanbo - Phó giáo sư ngành Chiến lược và Đổi mới tại đại học Hồng Kông không lo lắng về AI vì ông cho rằng sự sáng tạo của con người vẫn là “chìa khóa”. Theo Wang, internet và các công cụ tìm kiếm đã thay đổi cách sinh viên học tập, nghiên cứu, phân tích, sử dụng thông tin đồng thời hỗ trợ viết loại bỏ lỗi ngữ pháp. “Chúng ta đang tiến vào một thời kỳ mới và nên kỳ vọng rằng mọi bài viết sẽ được trau chuốt hơn”, Wang nói.

Dù có AI hay không, những người với ý định xấu vẫn tạo ra các phát hiện khoa học giả mạo rồi đưa nội dung vào những tạp chí chất lượng thấp. Wang nhấn mạnh: “Với cộng đồng khoa học, vẫn cần nỗ lực tập thể để xây dựng môi trường nghiên cứu nơi sự minh bạch, trung thực và sáng tạo không ngừng được vinh danh, khen thưởng dù có hay không tác động từ AI. Đó là lý do vì sao chia sẻ dữ liệu, quy trình và nhân rộng vẫn rất quan trọng trong giới nghiên cứu khoa học”.

Ông cũng tin rằng sự cám dỗ đối với sinh viên để chọn con đường dễ, dùng công nghệ làm thay phần việc của mình là rất cao, nhưng thay vì cấm triệt để thì giảng viên nên tìm cách thiết kế lại để giờ học có thể cung cấp cho sinh viên hướng tương tác với nội dung.

“Sớm hay muộn thì nhiệm vụ của người đứng lớp cũng là kết hợp công nghệ vào nội dung khóa học, vào tận lớp học để chuẩn bị cho sinh viên đón nhận giao đoạn mới của thế giới một cách tích cực”, ông chia sẻ thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.