Tranh luận về cự ly đặt trạm BOT

17/05/2018 06:56 GMT+7

Đề xuất của Bộ GTVT bỏ điều kiện các trạm BOT phải cách nhau 70 km đã dấy lên một cuộc tranh luận quanh vấn đề này.

Trong lần lấy ý kiến thứ 2 cho dự thảo Thông tư 49 quy định về xây dựng trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ, Bộ GTVT đề xuất bỏ nội dung quy định khoảng cách giữa các trạm thu giá phải cách nhau tối thiểu 70 km đã được nêu ra trong bản dự thảo lần 1 trước đó. Đây là quy định kế thừa Thông tư 159 về hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ để hoàn vốn đầu tư xây dựng đường bộ được Bộ Tài chính ban hành từ năm 2013.
Trên thực tế, quy định các trạm thu giá phải cách nhau 70 km được đưa ra từ năm 2015, trong bối cảnh ở nhiều nơi, các trạm thu giá quá dày đặc khiến người dân phản ứng. Chính vì vậy, việc bỏ quy định này cũng gây nhiều lo ngại tình trạng cũ tái diễn.
Đảm bảo sự lựa chọn của người dân
Theo Bộ GTVT, sự thay đổi trên đến từ việc tiếp thu ý kiến của các đơn vị địa phương, hiệp hội và bộ ngành liên quan. Tuy nhiên, thực tế có nhiều địa phương đã gửi văn bản góp ý, đề nghị Bộ giữ nguyên quy định này nhằm hạn chế tình trạng các trạm BOT “mọc” sát nhau, gây bức xúc cho tài xế và người dân.
Cụ thể, Sở GTVT Khánh Hòa cho rằng khoảng cách giữa 2 trạm thu giá ở trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu là 70 km. Sở này còn đề nghị xem xét, nghiên cứu bổ sung thêm quy định về khoảng cách giữa 2 trạm thu giá trên 2 tuyến đường gần kề nhau thuộc 2 dự án được đầu tư bằng hình thức BOT để tránh trường hợp khoảng cách giữa 2 trạm này đặt quá gần nhau, đảm bảo quyền lợi cho người dân lân cận khi lưu thông qua trạm.
Khoảng cách giữa hai trạm thu giá trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu 70 km, trừ những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án cầu đường bộ, hầm đường bộ. Đồng thời, cần lưu ý các cầu, hầm đường bộ này không ở vị trí độc đạo, để đảm bảo người dân có quyền được lựa chọn khi sử dụng dịch vụ
UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế

Đồng tình, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề xuất cụ thể: 2 trạm thu giá bất kỳ phải cách nhau tối thiểu 50 km, trừ những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án cầu đường bộ, hầm đường bộ.
Cùng góp ý cho dự thảo trên, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đề nghị điều chỉnh khoảng cách giữa hai trạm thu giá trên cùng một tuyến đường phải đảm bảo cự ly tối thiểu 70 km, trừ những trạm thu giá hoàn vốn cho các dự án cầu đường bộ, hầm đường bộ. Đồng thời, cần lưu ý các cầu, hầm đường bộ này không ở vị trí độc đạo, để đảm bảo người dân có quyền được lựa chọn khi sử dụng dịch vụ.
Trái với lo lắng của nhiều địa phương, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN, lại cho rằng người dân cũng như các địa phương không cần lo lắng việc bỏ yêu cầu khoảng cách thì trạm thu giá sẽ mọc lên nhiều. “Thông tư 159 của Bộ Tài chính quy định các trạm thu giá BOT phải đặt cách nhau tối thiểu 70 km nhằm ngăn việc các trạm đặt gần nhau, tạo gánh nặng cho chủ phương tiện. Bối cảnh lúc đó buộc phải đưa ra yêu cầu trên do có nhiều dự án BOT cải tạo tuyến đường độc đạo, người dân không có quyền lựa chọn. Tuy nhiên theo quy định mới, Bộ GTVT chỉ cho phép làm BOT trên các tuyến đường mới, song song với đường cũ, người dân đã có nhiều lựa chọn nên quy định khoảng cách 70 km giữa các trạm là không cần thiết. Chưa kể việc thu giá kín (thu giá theo ki lô mét) như đang thực hiện tại các tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai hay Pháp Vân - Ninh Bình giúp người dân đi bao nhiêu trả tiền bấy nhiêu, các trạm thu giá có gần nhau hay không cũng không tác động đến số tiền tài xế phải trả”, ông Thanh nói và cho rằng: “Bên cạnh đó, các thông tư mới cũng không có giá trị hồi tố với các dự án BOT đã thực hiện, nên bỏ quy định trạm thu giá trên cùng một tuyến đường cách nhau tối thiểu 70 km hoàn toàn không ảnh hưởng gì”.
Cần tính toán giá thu hợp lý. Nếu quá nhiều, giá quá cao nhà nước nên đứng ra gánh bớt một phần cho người dân. Quan trọng là cái gốc, hạn chế tối đa lãng phí và tham nhũng. Thu đúng, thu đủ thì bao nhiêu trạm người dân cũng sẽ không phản đối
Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO
TS Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường đại học Fulbright, cho rằng kiểm soát độ dày của các trạm BOT không nên dựa vào khoảng cách mà dựa vào mục tiêu của từng dự án. Về nguyên tắc, khi một con đường cũ, xuống cấp hay cần xây một tuyến đường mới mà ngân sách nhà nước không đủ thì phải thực hiện theo phương thức đối tác - công tư và để nhà đầu tư thu phí thu hồi vốn. Vai trò của nhà nước là phải xác định công trình có thật sự cần thiết, cần xây dựng theo hình thức BOT hay không. Nếu thực sự cần thiết thì khoảng cách trạm BOT sẽ không còn ý nghĩa nữa.
“Chìa khóa” là sự minh bạch
Thực tế thời gian qua, các dự án BOT chưa bao giờ hết "nóng" do gặp phải rất nhiều phản ứng từ phía người dân. Có rất nhiều trạm thu giá đã bị buộc phải dỡ bỏ, xả trạm không chỉ vì quá dày đặc mà còn vì sự khuất tất, tiêu cực. Chính vì thế, giải quyết câu chuyện BOT là loại bỏ sự khuất tất, mờ ám trong quá trình thực hiện, chứ không chỉ đơn thuần là bỏ quy định khoảng cách giữa các trạm.
Trạm thu giá BOT Cai Lậy, Tiền Giang gây bức xúc dư luận về vị trí đặt trạm và Trạm thu giá Bờ Đậu trên QL3 (ảnh nhỏ) bị đề nghị dỡ bỏ khi chưa hoạt động Ảnh: Bảo Ngân - TTXVN

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Hội Trọng tài thương mại TP.HCM, cho rằng nhà đầu tư làm đoạn đường ngắn thì chi phí thực hiện sẽ ít, thời gian thu giá cũng ngắn. Điều quan trọng nhất đối với mỗi dự án BOT là phải công khai, minh bạch toàn bộ các vấn đề liên quan, như tại sao công trình cần thu giá, quy trình đấu thầu ra sao, nhà đầu tư bỏ chi phí bao nhiêu, thu tiền trong thời gian bao lâu, giá bao nhiêu thì hoàn vốn. “Công khai tất cả thông tin thì chính người dân sẽ được trao quyền giám sát. Càng định lượng để quản lý càng dễ gây tiêu cực. Nhà nước cần có cơ chế mở, quan trọng là thanh tra, kiểm soát và minh bạch”, ông Hậu nêu ý kiến.
Đồng tình, luật sư Trương Thanh Đức, Công ty luật BASICO, chỉ rõ việc thu giá các dự án BOT được thực hiện dựa trên tổng mức đầu tư, mô hình ước tính tài chính của doanh nghiệp. Cách nhau gần hay xa thì nhà đầu tư vẫn phải thu đủ đáp ứng lợi nhuận. Điều cần quan tâm là nhà nước phải minh bạch mô hình ước tính tài chính của doanh nghiệp để các chuyên gia, nhà chuyên môn cùng góp ý tính toán quy hoạch, thiết kế, phê duyệt chi phí xây dựng đúng và hợp lý. “Cần tính toán giá thu hợp lý. Quan trọng là cái gốc, hạn chế tối đa lãng phí và tham nhũng. Thu đúng, thu đủ thì bao nhiêu trạm người dân cũng sẽ không phản đối”, ông Đức đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.