Ngày 13.12, HĐXX và đại diện Viện KSND cấp cao tại TP.HCM (VKS) thẩm vấn bị cáo Phạm Công Danh (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xây dựng VN - VNCB) cùng đồng phạm liên quan nội dung kháng cáo của các bị cáo và kháng nghị của VKS.
Các bị cáo bị đưa ra xét xử vì hành vi gây thiệt hại hơn 6.126 tỉ đồng cho VNCB (tiền thân là TrustBank, nay là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng VN - CB Bank).
Đối với nội dung thu hồi 4.500 tỉ đồng được Phạm Công Danh chuyển vào VNCB tăng vốn điều lệ nhưng không được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng ý, Danh đề nghị VNCB (nay là CB Bank) trả lại để khấu trừ hậu quả vụ án và được HĐXX cấp sơ thẩm chấp nhận.
Không đồng ý điều này, Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị nêu Danh dùng tên một số cá nhân chuyển số tiền này về VNCB nhằm tăng vốn điều lệ cho VNCB nhưng nguồn gốc số tiền này là bất hợp pháp, không phải của Danh; 4.500 tỉ đồng chưa được NHNN cho phép hạch toán tăng vốn điều lệ cho VNCB và đã được Phạm Công Danh sử dụng hết, nên không có cơ sở tuyên buộc CB Bank trả lại cho Danh; 4.500 tỉ đồng không phải là vật chứng của vụ án nên không có cơ sở thu hồi.
Khi VKS hỏi về khoản tiền 4.500 tỉ đồng, sau khi NHNN không chấp nhận tăng vốn điều lệ thì được hạch toán như thế nào? Phan Thành Mai (nguyên Tổng giám đốc VNCB) trả lời số tiền này sẽ được trả trở lại cho các cổ đông nhưng các bị cáo chưa thực hiện được do thời điểm đó VNCB rất khó khăn, nếu rút ra thì không còn thanh khoản.
Về việc sử dụng số tiền này, Mai khai theo hồ sơ vụ án, từ ngày 14.2.2014 - 26.7.2014 (ngày khởi tố vụ án - PV), có khoảng 80.000 tỉ đồng đi vào tài khoản VNCB tại Sở Giao dịch NHNN. Đến cuối ngày 26.7.2014, có khoảng 81.000 tỉ đồng đi ra khỏi tài khoản VNCB, trong đó có 4.500 tỉ đồng tăng vốn điều lệ. Vì dòng tiền ra vào quá lớn, nên khi đã hòa chung thì không thể tính được 4.500 tỉ đồng sử dụng vào đâu.
Khi trả lời một số câu hỏi của luật sư, Mai khẳng định 4.500 tỉ đồng được sử dụng phục vụ hoàn toàn cho VNCB với 7 mục đích chứ không phải phục vụ cho cá nhân ông Phạm Công Danh, gồm: cho vay khách hàng, liên quan các khoản nợ phải thu, trả tiền cho NHNN, giảm các khoản nợ phải trả của TrustBank…
Theo Mai, tiền vào với mục đích tăng vốn điều lệ, nhưng không được NHNN đồng ý, thì tiền đó phải là của họ, được quyền rút ra.
4 bị cáo được TAND TP.HCM xử sơ thẩm cho hưởng án treo, nhưng bị Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại TP.HCM kháng nghị, cho rằng trong đại án VNCB giai đoạn 1 xét xử hồi năm 2016 thì cả 4 bị cáo đều được tuyên hưởng án treo, nay tiếp tục bị xét xử về một tội khác nhưng vẫn được TAND TP.HCM áp dụng án treo là vi phạm điều 3 Nghị quyết 02/2018 của Hội đồng thẩm phán: “Không cho hưởng án treo đối với người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội khác thực hiện trước khi được hưởng án treo”. Tại tòa, cả 4 bị cáo trình bày không đồng ý về nội dung kháng nghị của VKS.
Bình luận (0)