Tranh luận về thất thoát gần 1.700 tỉ đồng tại BHXH VN

22/09/2019 06:23 GMT+7

Đại diện Viện KSND TP.Hà Nội và các luật sư đã có những tranh luận về vụ án 'cố ý làm trái...' gây thất thoát gần 1.700 tỉ đồng xảy ra tại BHXH VN

Ngày 21.9, TAND TP.Hà Nội tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm đối với 6 bị cáo trong vụ án cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát gần 1.700 tỉ đồng xảy ra tại BHXH VN.

Cựu Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH làm mất tiền bảo hiểm xã hội như thế nào?

Luật sư bào chữa gì ?

Trong phần tranh luận, các luật sư (LS) bào chữa cho các bị cáo đều cho rằng, việc các cơ quan tố tụng quy buộc các bị cáo về hành vi cố ý làm trái là còn mang tính áp đặt, thiếu khách quan khi chưa rõ trách nhiệm tập thể và cá nhân tại Ngân hàng NN-PTNT (Agribank), cũng như tính pháp lý của thư bảo lãnh của Agribank đối với Công ty cho thuê tài chính 2 (ALCII).
LS bào chữa cho bị cáo Lê Bạch Hồng, cựu Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cựu Tổng giám đốc BHXH VN, cho rằng việc BHXH VN cho ALCII vay vốn diễn ra trong một quá trình dài. Khi thân chủ ông đã nhậm chức Tổng giám đốc BHXH VN, thì người tiền nhiệm đã ký nhiều hợp đồng cho ALCII vay vốn. “Với hệ thống đã chạy như vậy, thân chủ là người xốc vác, luôn nghĩ về công việc nên không thể ngồi im”, vị LS nói.
Nhiều LS khác đưa ra quan điểm cho rằng, khoản tiền BHXH VN cho ALCII vay là không trái pháp luật. Bởi khoản tiền của BHXH VN là tiền nhàn rỗi, và các bị cáo mang đi đầu tư kinh doanh, không có quy định nào cấm cho ALCII vay. Mặt khác, trước khi cho vay, các bị cáo đã có văn bản hỏi ý kiến Agribank và yêu cầu ALCII phải có bảo lãnh của ngân hàng này. Trên thực tế, Agribank đã có thư bảo lãnh cho ALCII nên các bị cáo hiểu rằng ALCII và Agribank là một.
Các LS cũng lập luận đối với pháp nhân, việc vay, hay cho vay dựa vào năng lực pháp luật của pháp nhân đó, và đến nay hợp đồng vay vốn của các bên vẫn còn có hiệu lực, chứ không thể nói là vô hiệu như quan điểm của các cơ quan tố tụng. Theo LS, vụ án này chưa thể xác định đến thiệt hại. Mà thực chất vụ án mới có hậu quả, do ALCII mang tiền đi cho bên khác vay không thu hồi được nên mới dẫn tới phá sản.

Việc vay và cho vay là có động cơ

Đối đáp với các LS, đại diện Viện KSND TP.Hà Nội viện dẫn điều 96 và 97 của luật BHXH quy định về cách thức, hình thức đầu tư của BHXH. Theo đó, BHXH được phép đầu tư bằng cách mua trái phiếu chính phủ, cho ngân hàng thương mại của nhà nước vay, không có quy định cho công ty, doanh nghiệp vay nên BHXH không được đầu tư bằng hình thức cho ALCII vay. “Quy định pháp luật rất rõ ràng, luật không cho phép nhưng các bị cáo thực hiện trái phép. Nếu nói như LS, pháp luật không cấm cho vay, thì các bị cáo cứ mang tiền về nhà cho vay lấy lãi. Tuy nhiên, các bị cáo là công chức nhà nước thì phải làm theo những gì pháp luật cho phép”, đại diện Viện KSND nói, và khẳng định trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung các bị cáo trong vụ án đều thừa nhận hành vi cố ý khi cho vay sai đối tượng.
Đề cập đến thư bảo lãnh của Agribank, đại diện cơ quan công tố cho rằng, kể cả trong trường hợp ngân hàng có thư bảo lãnh, thì các bị cáo trong vụ án cũng buộc phải xem xét ALCII có phải là đối tượng được phép vay hay không. “Xin thưa, đến học sinh cấp 2, cấp 3 cũng phân biệt được công ty cho thuê tài chính khác với ngân hàng”, vị đại diện Viện KSND khẳng định, đồng thời cho rằng việc vay và cho vay này có động cơ và hành vi cố ý. Theo đại diện công tố, trong giai đoạn 2008 - 2009, đối với nhiều ngân hàng, để được vay vốn phải mất 10%. Cơ quan tố tụng từng phát hiện ra những vụ mất tới 30% để được vay vốn. Tuy nhiên, động cơ vụ lợi trong vụ án này chưa được làm rõ, nên cơ quan tố tụng đã kết luận là không có cơ sở.
HĐXX tuyên bố nghỉ để nghị án và sẽ tuyên án vào chiều 25.9.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.