Tranh luận về trách nhiệm hình sự đối với người vị thành niên

24/05/2017 15:41 GMT+7

Tại phiên họp sáng 24.5 thảo luận về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 , các ĐBQH đã tranh luận xung quanh phạm vi chịu trách nhiệm của người vị thành niên.

Trước đó, báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự Luật liên quan đến phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người vị thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, do còn những quan điểm khác nhau, nên Ủy ban TVQH xin ý kiến Quốc hội về 2 phương án:
Phương án 1 sẽ giữ như quy định của bộ luật Hình sự hiện hành. Theo đó, đối với 3 tội: Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác; hiếp dâm; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về cả tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng cho đến tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng.
Phương án 2 giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình. Theo đó, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về loại tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng, mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ít nghiêm trọng hoặc tội nghiêm trọng đối với 3 tội danh nêu trên.
Về vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (ĐB Bắc Kạn) cho rằng, lịch sử lập pháp Việt Nam từ 1945 đến trước khi bộ luật Hình sự 2015 được thông qua, chỉ xử lý người 14 đến dưới 16 tuổi nếu cố ý phạm tội rất nghiêm trọng hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, bộ luật Hình sự 2015 đã sửa theo hướng mở rộng phạm vi xử lý với độ tuổi này, kể cả tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng khi thuộc 3 tội danh cố ý gây thương tích, hiếp dâm và bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.
Theo ĐB Thuỷ, thực chất lứa tuổi 14 - 16 là các cháu học sinh lớp 8, lớp 9 đang ngồi ghế nhà trường. Do vậy, những thay đổi trong BLHS 2015 là những thay đổi rất lớn trong chính sách hình sự của Nhà nước theo hướng xử lý nghiêm với trẻ em.
Dẫn thêm số liệu thống kê (của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cung cấp) từ 2014 - 2016, trên phạm vi cả nước chỉ có 122 em bị truy tố vì tội cố ý gây thương tích, 90 em bị truy tố vì tội hiếp dâm, 2 em bị truy tố về tội bắt cóc chiếm đoạt tài sản, bà Thủy nhấn mạnh: "Như vậy, có rất ít các em từ 14 - dưới 16 phạm 3 tội này, do vậy việc mở rộng cần được cân nhắc thêm”. 
Nhắc lại những vụ án gây bức xúc dư luận thời gian qua không rơi vào độ tuổi trên mà chủ yếu ở nhóm 16 đến dưới 18, bà Thủy dẫn thêm số liệu thống kê nguyên nhân phạm tội của người vị thành niên chủ yếu do hoàn cảnh gia đình (trong số tội phạm có tới 10% trẻ mồ côi, 11% bố mẹ ly hôn, 5% bị bố mẹ từ chối nuôi dưỡng, đặc biệt nhiều em có bố hoặc mẹ nghiện ma túy, hoặc có tiền án tiền sự…), ĐB Thủy cho rằng, quan điểm xử lý như bộ luật Hình sự 2015 là “rất nặng cho trẻ em”, trong khi đó, kinh nghiệm các nước đều đi theo hướng xử lý nhân đạo hơn với người phạm tội chưa thành niên.
“Xử lý người chưa thành niên không nên bằng thái độ quá nóng. Điều này không có nghĩa là cưng chiều dung dưỡng cho những sai phạm của các em, mà quan trọng là trách nhiệm gia đình, nhà trường, xã hội trong những vi phạm này. Xử lý như thế nào đúng mức để các em còn có thể quay lại trước cuộc đời còn rất dài phía trước”, ĐB này đề nghị.
Tranh luận về vấn đề này, ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng cần có thái độ nhất quán khoa học trong xử lý hình sự và áp dụng hình phạt với người 14 - 16 tuổi. Theo ĐB Nhưỡng, trước tình hình bạo lực học đường, trẻ hoá tội phạm hiện nay, cần có quy định xử lý hình sự để răn đe.
Tuy nhiên, theo ĐB Nhưỡng, để đảm bảo tương lai, quyền trẻ em, chỉ áp dụng hình phạt nhẹ hoặc các biện pháp tư pháp, hành chính, giáo dục, thậm chí là miễn áp dụng hình phạt. Như vậy vừa đảm bảo mục đích phòng chống tội phạm, vừa đảm bảo quyền trẻ em, tạo điều kiện các em cải tạo, tu dưỡng.
“Tôi là người cứng rắn nhưng khi xem một số clip đánh nhau, trong đó có cả chuyện chặn nữ sinh dọc đường để đánh, thì chỉ một lúc là không xem được nữa. Nếu đưa những hình ảnh đó ra quốc tế, không biết người ta có đồng tình việc không xử lý hình sự không?”, ĐB Nhưỡng nói.
Theo ĐB này, nếu chỉ giáo dục đơn thuần thì không đủ sức răn đe mà phải có hình phạt và giáo dục qua biện pháp xử lý hình sự là tốt nhất. “Các quy định của pháp luật có chức năng quan trọng là dự báo, phòng ngừa. Ở đây không phải là chuyện xử lý để bỏ tù các em. Xử lý hình sự và áp dụng hình phạt là hai chuyện khác nhau”, ĐB Nhưỡng bày tỏ.
Trong khi đó, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (ĐB Nam Định) thì cho rằng, những vụ án đặc biệt nghiêm trọng mà người gây án là người chưa thành niên thời gian qua đều gây bức xúc, thậm chí có ý kiến còn đề nghị mức hình phạt rất nghiêm khắc cho các tội phạm này.
Tuy nhiên, theo bà Hoa, "đây là chỉ là số ít những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, không mang tính phổ biến trong tổng số các vụ vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra. Chúng ta không thể lấy số ít các vụ án không mang tính phổ biến để xây dựng chính sách chung cho toàn xã hội”.
Đại biểu này dẫn thống kê của các cơ quan chức năng cho biết, ở nước ta hàng năm có khoảng từ 8.000 - 9.000 người chưa thành niên vi phạm pháp luật và khoảng 70% trong số đó là vi phạm hành chính. Loại tội phạm chủ yếu mà đối tượng này thực hiện là cố ý gây thương tích, cướp tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp, gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép... gắn liền với đặc điểm tâm lý của lứa tuổi này, đó là sự bồng bột, bốc đồng, nông nổi, thích thể hiện, đua đòi.
Ngoài ra, theo bà Hoa, tỷ lệ người chưa thành niên bị kết án phạt tù chiếm từ 70 - 80% số lượng người chưa thành niên bị kết án hình sự, trong số đó, tỷ lệ tái phạm tương đối cao, từ 45 - 50%. “Như vậy, liệu có phải chúng ta cứ áp dụng chế tài nghiêm khắc nhất thì sẽ đảm bảo tính răn đe, hiệu quả giáo dục cao nhất đối với các em? Hay lại đưa các em đến nguy cơ tái phạm nguy hiểm hơn?”, bà Hoa đặt vấn đề.
Nên tập trung vào chính sách thay vì độ tuổi
Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Nguyễn Hòa Bình, Chánh án TANDTC cho rằng, các ý kiến của các ĐBQH đối với 2 phương án đều rất xác đáng. Tuy nhiên, ông Bình cho biết cá nhân ông có một phương án tiếp cận khác đối với vấn đề này. “Chính sách hình sự nằm ở nguyên tắc xử lý nên việc chúng ta tập trung vào độ tuổi và coi đó là chính sách là chưa hợp lý”, ông Bình nói. 
Dẫn ví dụ ở Pháp, ông Bình cho hay nguyên tắc xử lý với tội phạm vị thành niên của nước này là tăng các biện pháp giáo dục, hạn chế các hình phạt cưỡng chế, tù giam. Các vụ án liên quan đến trẻ em đều xử kín. Theo ông Bình, ở Pháp cũng không quy định cứng độ tuổi 14 - 16 hay 16 - 18 như của Việt Nam hiện nay, mà độ tuổi do Hội đồng xét xử quyết định căn cứ trên nhận thức của đối tượng. 
“Có trường hợp mới 14 - 15 nhưng phạm tội tái phạm nhiều lần, có tính chất băng đảng, nhận thức về hành vi tội phạm già dặn còn hơn độ tuổi 17 - 18. Ngược lại, ở tuổi 17 - 18 nhưng do bị kích động hoặc do bia, rượu dẫn đến hành vi phạm tội nên họ xem xét cụ thể những trường hợp như vậy”, ông Bình nói. 
Trong trường hợp phải xử lý bằng hình phạt tù, ông Bình cho hay Pháp có quy định cụ thể việc áp dụng bằng 1/2 khung tương ứng với người lớn. Ví dụ với tội phạm đó người lớn bị xử 10 năm thì trẻ vị thành niên là 5 năm. "Nếu chúng ta có chính sách mạnh dạn hơn có thể là 1/3 hoặc 1/4, như vậy vừa không loại trừ loại tội phạm, đồng thời tránh được sự tuỳ tiện trong xét xử, ví dụ quyết định bớt đi 1 - 2 năm mà không có căn cứ nào", ông Bình lưu ý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.