Sáng 27.5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị góp ý về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.
Tại hội nghị, quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại điều 389 của bộ luật Hình sự (BLHS) là nội dung tiếp tục nhận được ý kiến đóng góp. Đại biểu (ĐB) Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa), Chủ tịch Liên đoàn Luật sư (LS) VN, nhấn mạnh bào chữa là trách nhiệm của LS, nếu LS tố giác thân chủ thì xã hội có tẩy chay nghề LS không? “Anh chưa bảo vệ được gì đã đi tố giác rồi thì không biết nghề LS có điều kiện tồn tại hay không?”, ĐB Thịnh đặt câu hỏi.
tin liên quan
Xâm phạm an ninh quốc gia là tội 'bất trung', 'đại nghịch'?Thảo luận bộ luật Hình sự sửa đổi chiều nay, ĐB Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) cho rằng tội xâm phạm an ninh quốc gia cũng giống như tội 'bất trung', tội 'đại nghịch' - vốn được xem là tội nặng nhất cần trừng trị thời phong kiến.
Thể hiện chính kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội (QH) Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi với Liên đoàn LS rằng: “Trước khi sửa bộ luật này, có điều gì làm thui chột nghề LS chưa?”. Theo Chủ tịch QH: “Biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì phải xem lại chỗ này. Ở đây cần hiểu là nên giới hạn trong tội nào, còn việc LS cứ đi tố giác thân chủ thì không được”. “Biết thân chủ phạm tội rất nghiêm trọng mà không tố giác thì LS hoàn thành nghĩa vụ của mình, nhưng nó ảnh hưởng tới quốc gia, đất nước, tới nhiều người dân vô tội nữa, nên làm ngơ là không được”, Chủ tịch QH nói.
Theo ĐB Nguyễn Văn Chiến - Chủ nhiệm Đoàn LS Hà Nội, quy định tố giác thân chủ có nhiều điểm xung đột mâu thuẫn không phù hợp với nguyên tắc làm luật. Theo thống kê, 80% tội phạm bị bắt tạm giam kể cả loại tội ít nghiêm trọng. Như vậy các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, đặc biệt nghiêm trọng khó có khả năng đối tượng được tại ngoại để tiếp tục phạm tội hoặc nói với LS hành vi của mình.
“LS chỉ được nghe nói khi được gặp thân chủ trong trại tạm giam, họ chỉ khai trong trại, dưới sự giám sát của công an. LS chỉ nghe người ta nói thôi, cũng có quy định không được phép sử dụng lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ buộc tội nếu không phù hợp với những tài liệu liên quan. Đó là nguyên tắc bắt buộc của bộ luật tố tụng. Vì vậy có căn cứ để tố giác hay không?”, LS Chiến nêu ý kiến.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Ủy ban Tư pháp cùng ban soạn thảo cần có phiên làm việc với Liên đoàn LS VN, Hội Luật gia để tiếp tục thảo luận vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Không phù hợp với thông lệ quốc tế
Theo LS Hà Hải (Đoàn LS TP.HCM), LS không chỉ là người trợ giúp về mặt pháp lý của người bị tình nghi, bị can, bị cáo mà còn là người bào chữa, niềm tin của khách hàng. Giữ bí mật tất cả thông tin về khách hàng, bao gồm thông tin về việc phạm tội của họ đã thực hiện hay tham gia thực hiện trong quá khứ là chuẩn mực, quy tắc ứng xử chung của ls trong nước và các nước trên thế giới.
Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS nhiều nước trên thế giới đều quy định nghĩa vụ bảo mật của LS đối với tất cả thông tin về khách hàng. Chẳng hạn, khoản 2.3.2 quy tắc bảo mật trong Quy tắc ứng xử của LS châu Âu 2002 (Code of Conduct for Lawyers in the European Union) quy định: “LS phải bảo mật tất cả các thông tin mà LS biết được trong quá trình hành nghề”. Dựa trên Quy tắc mẫu về ứng xử nghề nghiệp LS của Hiệp hội LS Mỹ (ABA Model Rules of Professional Conduct), Quy tắc ứng xử nghề nghiệp của LS bang New York 2009 (New York Rules of Professional Conduct) cũng nêu: “Nghĩa vụ bảo mật của LS không chỉ áp dụng đối với các vấn đề khách hàng truyền đạt trong sự bí mật, được bảo đảm bởi đặc quyền giữa khách hàng và LS, mà còn áp dụng đối với tất cả các thông tin mà LS có được trong quá trình đại diện cho khách hàng và liên quan đến quá trình đại diện, bất kể nguồn thông tin đó từ đâu”.
Việc buộc LS phải tố giác hành vi của thân chủ mình không chỉ vi phạm Hiến pháp 2013, điều 25 luật LS 2006, quy tắc 12 trong Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp của LS VN, điểm g khoản 2 điều 73 bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về việc không được tiết lộ thông tin vụ án, về người bị buộc tội mà mình biết khi bào chữa, mà còn làm trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp LS, phản bội lại niềm tin của thân chủ dành cho LS.
Trong khi đó, một lãnh đạo của Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho rằng việc tố giác tội phạm là trách nhiệm của mọi công dân, LS cũng là công dân thì phải bảo vệ lẽ phải, bảo vệ công lý, người nào có tội thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Phan Thương - Ngọc Lê
|
Bình luận (0)