'Tránh nay thu hồi đất để xây chợ dân sinh, mai lại mọc ra khu phố'

03/11/2022 11:17 GMT+7

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh ) dẫn thực trạng một số địa phương, đề nghị nhà nước không nên thu hồi đất cho các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị.

Nguy cơ doanh nghiệp lợi dụng, dễ khiếu kiện

Sáng 3.11, Quốc hội dành thời gian thảo luận tổ về dự án luật Đất đai sửa đổi.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh)

gia hân

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) đồng tình với một số nội dung nêu trong Điều 86 của dự thảo về các trường hợp thu hồi đất cụ thể, nhằm tạo thuận lợi trong thực hiện dự án cũng như sự ủng hộ của người dân đối với việc thu hồi đất.

Tuy nhiên, đồng quan điểm của Ủy ban Kinh tế nêu trong báo cáo thẩm tra, ông đề nghị cơ quan soạn thảo hết sức cân nhắc việc quy định thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Theo đại biểu Tuấn, việc thực hiện dự án nhà ở thương mại, mục tiêu đầu tiên mà chủ đầu tư hướng tới là lợi nhuận. Trong khi đó, dự thảo lại cho thu hồi để thực hiện dự án loại này có “nguy cơ dẫn đến doanh nghiệp lợi dụng, kéo theo khiếu nại, khiếu kiện”.

Ông đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, đó là thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

“Thiết kế luật thế này thì không phù hợp với nội dung trong Nghị quyết 18”, ông Tuấn phân tích.

Đại biểu Trà Vinh đề nghị các dự án có nguồn vốn tư nhân phải có quy định đánh giá tác động về mặt xã hội khi thu hồi đất của người dân, đảm bảo minh bạch, tránh lạm dụng gây bức xúc đối với người bị thu hồi đất.

Ông cũng đề nghị dự luật quy định rõ ràng hơn điều kiện, tiêu chí thu hồi đất để phát triển kinh tế xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng.

“Tránh trường hợp hôm nay thu hồi đất của người dân để xây chợ dân sinh nhưng ngày mai trong khu chợ lại mọc ra nhà, khu phố nằm trong khu chợ vừa xây dựng”, ông Tuấn nói và cho biết thực trạng này đã xảy ra ở một số địa phương thời gian qua.

Khuyến khích cơ chế tự thỏa thuận

Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP.Cần Thơ cũng đề nghị bỏ nội dung quy định thu hồi đất để thực hiện dự án đô thị, làm nhà ở thương mại.

Theo ông, đây là hoạt động kinh tế đơn thuần, do chủ đầu tư và doanh nghiệp bất động sản thực hiện. Việc Nhà nước tham gia vào quá trình thu hồi đất để chuyển giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án có thể làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện, tác động đến người sử dụng đất.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (thứ 2 từ trái qua) thảo luận tại tổ

gia hân

ĐB Thuận kiến nghị với dự khu đô thị và nhà ở thương mại cần quy định theo hướng chủ đầu tư phải thực hiện thỏa thuận với người sử dụng đất theo hình thức nhận chuyển nhượng; phê duyệt sử dụng đất hay nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án nếu phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

“Tranh chấp đất đai thời gian qua chủ yếu liên quan đến thu hồi đất để xây khu đô thị, nhà ở thương mại, nhiều dự án gây mất an ninh trật tự”, ông Thuận nêu.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng cho rằng việc nhà nước đứng ra thu hồi đất cho dự án nhà ở thương mại phải được đánh giá tác động kỹ hơn, như phân tích của báo cáo đánh giá tác động cũng như cơ quan thẩm tra.

“Dự án nhà ở thương mại khó và không có cơ sở để xác định thuộc phạm vi dự án phát triển kinh tế - xã hội vì mục đích quốc gia, công cộng hay không để quy định nhà nước đứng ra thu hồi. Do đó, quy định này sẽ rất dễ bị lạm dụng, dẫn đến tình trạng khiếu nại, khiếu kiện”, ông Đồng nói.

Theo đại biểu, khi giá đất được xác định sát với giá thị trường chứ không phải như hiện nay thì sẽ không còn mức độ chênh lệch quá cao giữa mức giá nhà nước đền bù và giá doanh nghiệp tự thỏa thuận. Do đó, cần có quy định để thúc đẩy cơ chế tự thỏa thuận để giảm bớt áp lực cho các cơ quan nhà nước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.