Tránh nóng ở xã đảo Thạnh An

18/03/2021 09:07 GMT+7

Nằm tách biệt với đất liền, xã đảo Thạnh An (H.Cần Giờ, TP.HCM) khoác lên mình một màu xanh của biển, vẹn nguyên nét mộc mạc mà thiên nhiên ban tặng.

Không bê tông hóa như nội thành TP.HCM, xã đảo Thạnh An được bao bọc bởi sông nước và rừng phòng hộ, người dân quanh năm gắn cuộc đời với thuyền và biển. Những ngày nắng nóng gay gắt ở TP.HCM, nhiều người trẻ kéo nhau ra Thạnh An tránh nóng.

Gió biển thổi bay cái nóng tháng ba

Cách trung tâm thành phố khoảng 70 km về phía Đông, sau khi đến bến đò Cần Thạnh (H.Cần Giờ, TP.HCM), ngồi trên đò 40 phút là đến xã đảo Thạnh An. Điều ấn tượng nhất là nơi đây vẫn giữ nét đơn sơ, mộc mạc và gió biển thổi liên tục xua tan đi cái nóng tháng ba.
Ban ngày, đoạn bờ kè sát biển là cửa ngõ đón trả khách du lịch, chiều muộn lại trở thành điểm lý tưởng để ngắm cảnh “mặt trời xuống biển”. Không nhà cao tầng, không dây điện chằng chịt, đứng trên bờ kè phóng tầm mắt ra hết đường chân trời cũng chỉ có biển và bầu trời xanh, xa xa là những con thuyền đánh bắt hải sản của người dân.

Thủy triều rút, những chiếc tàu nằm trơ trên cạn

Ảnh: Thanh Dung

Bãi đá “giữa biển” là địa điểm ưa thích của du khách khi đến Thạnh An

Ảnh: Thanh Dung

Đây là lần đầu tiên Gia Thiện và bạn gái đến xã đảo Thạnh An

Ảnh: Thanh Dung

Đoạn đê dài với hàng đước là rừng phòng hộ

Ảnh: Thanh Dung

Xã đảo Thạnh An mang trong mình nét bình yên, giản dị hiếm có. Những ngôi nhà san sát nương tựa vào nhau, tàu thuyền neo đậu đầy bến, cánh rừng phòng hộ dày đặc bao quanh xã đảo làm du khách không thể không ấn tượng.
Ngoài ra, đoạn đê dài cua theo độ cong của đảo thích hợp để tránh nóng. Cứ tầm giờ chiều, trẻ con chạy ùa ra đê đùa giỡn, thả diều rồi rượt bắt nhau. Tiếng gọi về ăn cơm í ới của bố mẹ từ nhà vọng ra, tiếng sóng vỗ rì rào hòa cùng gió thổi mạnh vào cánh rừng mang đến cho chúng tôi một trải nghiệm vừa lạ, vừa quen.
Người dân cũng dặn dò “đừng đứng ngoài biển lâu, người yếu là trúng gió ngay” nên chúng tôi di chuyển về “phố”. Nói là về phố nhưng là về đoạn đường chính ở xã đảo để khám phá thêm nhiều địa điểm khác.

Mến khách - “đặc sản” tinh thần của dân Thạnh An

Đường chính từ đầu đến cuối xã chỉ tầm 2 km nên người dân đa phần di chuyển bằng xe đạp hoặc đi bộ. Du khách có thể tản bộ rồi ghé điểm thờ tự như Lăng Ông thủy tướng, mỏi chân thì mượn hoặc thuê xe đạp người dân để đi tiếp.

Những đứa trẻ kéo nhau ra bờ đê thả diều

Ảnh: Thanh Dung

Những đứa trẻ hào hứng khi có du khách xuất hiện

Ảnh: Thanh Dung

Nhiều người trẻ cũng tìm đến đây để thư giãn và chụp ảnh, Trần Phan Gia Thiện (sinh viên năm nhất, Trường ĐH Hoa Sen) tranh thủ ngày nghỉ học đã cùng bạn gái ra đảo dạo chơi.
“Những ngày này, Sài Gòn quá nóng nên cũng muốn đi đâu đó để tránh nóng, Thạnh An có thể đi và về trong ngày, lại được ra biển và hóng gió để thay đổi không khí. Đây là lần đầu tiên tôi đến xã đảo nhưng được đi cùng bạn gái nên vui lắm”, Thiện chia sẻ.

 Ảnh: Thanh Dung

Cửa ngõ của bờ kè là điểm lý tưởng để ngắm hoàng hôn

Ảnh: Thanh Dung

Một con tàu trở về muộn

Ảnh: Thanh Dung

Một điểm ấn tượng khác là người dân xã đảo rất thân thiện và mến khách. Họ nhiệt tình ngồi kể chúng tôi nghe câu chuyện đi biển đánh cá và rủ chúng tôi lên thuyền để cùng ra khơi. Họ kể về cuộc sống với sự hài lòng dù nơi đây còn nhiều thiếu thốn. Người dân sống nương tựa vào nhau, tin tưởng nhau đến mức nguyên đêm, họ để xe máy trước nhà mà không lo mất trộm.
“Cái đảo nhỏ xíu, trộm rồi đem giấu ở đâu, có chở ra được đất liền thì dân ở đó nhìn là biết ngay, họ cũng báo về đảo thôi”, chị Hà Thị Ngọc Ánh (người dân sống ở xã đảo, 35 tuổi) cho biết.
17 giờ, chuyến đò cuối cùng đưa du khách về đất liền. Màn đêm dần buông xuống, chúng tôi ngồi giữa đoạn bờ kè hóng gió và nhìn những con thuyền đánh bắt trở về muộn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.