Nếu như năm ngoái là cuộc bày tranh sơn dầu thì năm nay lại bày tranh sơn mài. Một năm, là khoảng cách giữa hai cuộc triển lãm cá nhân, nhưng để có cuộc bày tranh sơn mài lần này, Thái Vĩnh Thành đã phải làm việc cật lực hơn ba năm ròng rã.
Với Thái Vĩnh Thành, với triển lãm tranh sơn mài này, có thể nói là 3 năm cộng với quãng đời 30 năm làm nghề trước đó, bởi họa sĩ là người học và làm sơn mài từ khi còn là sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Huế.
Sinh năm 1971, quê Vĩnh Phúc, tốt nghiệp Cao đẳng nhạc họa TW năm 1992, nhưng sau đó Thành "phải lòng" Huế. Anh lưu lại Huế, rồi thi vào Đại học Mỹ thuật Huế để được học sơn mài chính quy. Cho nên, nói cho đúng hơn là Thái Vĩnh Thành "phải lòng" sơn mài Huế nên quyết ở lại xứ này.
Bắt đầu từ sự mê mẩn những bức sơn mài ở xưởng của họa sĩ Nguyễn Đức Huy (vốn là giảng viên ĐH Mỹ thuật Huế, một tên tuổi của mỹ thuật Huế đương đại), Thái Vĩnh Thành đòi xin học nghề. Họa sĩ Nguyễn Đức Huy không truyền nghề, trái lại khuyên anh thi vô Đại học Mỹ thuật Huế để được học bài bản.
Cho nên, nói tới tranh sơn mài Thái Vĩnh Thành, phải nhắc tới cái "khí hậu sơn mài" xứ Huế là vậy.
Vậy Giao mùa (II) có gì?
Vẫn là phong cách trừu tượng biểu hiện, nhưng với chất liệu sơn mài, dường như Thái Vĩnh Thành thỏa sức sáng tạo hơn. Sở hữu kỹ thuật sơn mài truyền thống điêu luyện, nhưng cách thể hiện rất mới mẻ. Thái Vĩnh Thành không cẩn dán vàng bạc trên bề mặt tranh, mà trộn nghiền chung với màu để vẽ. Chồng lớp rồi mài, mài rồi chồng lớp, cứ như thế, mài cũng là vẽ, mài vừa là kỹ thuật vừa là cảm xúc.
Xem tranh sơn mài của Thái Vĩnh Thành chúng ta như chìm hút vào chiều sâu của không gian. Trong không gian đó, có màu thời gian, màu nắng màu mưa, màu vui màu buồn, màu của nỗi nhớ và màu của phôi pha…
Mỗi tranh đều có tên gọi, nhưng tinh thần "vô đề" bao trùm lên tất cả. Nhịp điệu sắc màu, khởi đi từ hiện thực, bắt nguồn từ những cảm xúc đời thường, nhưng khi vào tranh lại thành ngôn ngữ ẩn dụ. Hay nói cách khác là ngôn ngữ của tâm trạng. Tính chất vàng son của cung đình Huế vẫn phảng phất trong tranh sơn mài Thái Vĩnh Thành, nhưng không lộ mà ẩn và cảm giác cứ ẩn hiện rồi ẩn dần, như một sự vẫy gọi. Vàng son của Thái Vĩnh Thành không để khoe mà để cảm.
Có thể không liên quan, nhưng những trình hiện trong Giao mùa (II) của Thái Vĩnh Thành có chút gì đó gợi liên tưởng tới tinh thần Giao cảm (Noces) của Albert Camus – nhà văn của tinh thần phi lý. Đó là sự miên man những ý nghĩ và cảm xúc. Có khi ý nghĩ và cảm xúc trộn lẫn vào nhau, và miên man không dứt.
Nhưng, nếu như tinh thần Giao cảm của Albert Camus nhuốm màu u ám, thì Giao mùa của Thái Vĩnh Thành có sắc màu hoan ca. Các mùa giao nhau, ánh sáng giao nhau, bóng tối giao nhau, buồn vui giao nhau, không ngừng chuyển động. Tất cả được kể bằng câu chuyện sắc màu. Sự tạo tác cuối cùng là rung cảm trước cái đẹp. Cho nên, nói cho gọn, sơn mài của Thái Vĩnh Thành đẹp. Miên man đẹp.
Bình luận (0)