Tranh 'Thôn nữ Bắc Kỳ' đấu giá tại Pháp có nhiều điểm nghi vấn

27/03/2018 12:55 GMT+7

Bức tranh lụa Thôn nữ Bắc Kỳ (họa sĩ Nguyễn Nam Sơn) được đưa lên sàn đấu giá Aguttes (Pháp) vào chiều 26.3 đang dấy nên nhiều tranh cãi trong giới mỹ thuật Việt.

Trong 73 bức tranh được lựa chọn bán trong lô đấu giá Các họa sĩ châu Á của nhà đấu giá Aguttes (Pháp) vào chiều 26.3, các danh họa Việt đã chiếm vị trí khá nặng ký với 6 bức tranh của Lê Phổ, 7 bức của Vũ Cao Đàm, 5 bức của Mai Trung Thứ và 1 bức của Nguyễn Nam Sơn.
Tranh lụa Thôn nữ Bắc Kỳ (Nguyễn Nam Sơn, 1935) đang vấp phải sự tranh cãi thật - giả ẢNH: CHỤP LẠI MÀN HÌNH
Trong đó bức tranh lụa Thôn nữ Bắc Kỳ với mức giá khởi điểm từ 35.000 - 50.000 euro (985 triệu - 1,4 tỉ đồng) đã dấy nên tranh cãi của không ít các họa sĩ và nhà phê bình mỹ thuật tên tuổi ở nước ta.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long nhận xét tranh sắp đấu giá có nhiều điểm quá khác biệt so với ảnh chụp tranh gốc năm 1936 trong catalogue giới thiệu của nhà đấu giá.
Tranh Thôn nữ Bắc Kỳ sắp đấu giá có nhiều điểm rất khác so với tranh gốc in đen trắng trong catalogue ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH
 "Hãy tin vào mắt mình khi quan sát các bức tranh đáng nghi. Sau đó nên xem xét đến các thông tin khác như xuất xứ, tình trạng... Chẳng hạn với bức tranh lụa Thôn nữ Bắc Kỳ được cho là của Nguyễn Nam Sơn sắp được đấu giá cùng ảnh chụp cũ năm 1936 công bố trong catalogue của nhà đấu giá thì sẽ phát hiện thấy nhiều điểm đáng ngạc nhiên nếu so sánh hai bức mới - cũ theo trục ngang. Đồng thời sai số kích thước rất đáng kể tới 2,5cm trên tổng chiều ngang 50cm của bức tranh sắp bán (60x52,5cm) so với kích thước của bức tranh được cho là nguyên gốc (60x50cm) cũng khiến nhiều người thắc mắc", nhà nghiên cứu Phạm Long nói.
So sánh hai bức ảnh gốc và tranh sắp đấu giá theo trục ngang. ẢNH: NHÀ PHÊ BÌNH MỸ THUẬT PHẠM LONG
Ông Phạm Long cũng e ngại về việc nhấn màu không tinh tế của bức tranh lụa Thôn nữ Bắc Kỳ này, khiến cảm giác tỷ lệ xa - gần bị sai, nhất là khoảng trống giữa hai gương mặt của hai người phụ nữ đứng phía sau, việc vẽ bàn tay phải 4 ngón của cô gái gánh chuối, sai khác về độ đậm nhạt giữa cùng một chi tiết trong tranh mới và tranh cũ (đặc biệt ở phần lòng bàn tay và cổ tay phải của cô gánh chuối: ảnh cũ tông rất đậm, còn tranh mới tông lại quá sáng.
Chi tiết nhánh cây dưới quần cô gái ở hai hình là khác biệt (phần khoanh đỏ) ẢNH: HỌA SĨ DOÃN HOÀNG LÂM
Nhiều họa sĩ cũng nhận xét rằng vị trí triện đóng trên bức tranh lụa trên và ảnh cũ gốc khá lệch nhau. Họa sĩ Phạm An Hải cũng nhận xét về bức tranh lụa Thôn nữ Bắc Kỳ rằng: "Độ đậm nhạt khác nhau quá trên các gương mặt nhân vật, các chi tiết hoa lá gần quần đen cũng khác nhau, dải yếm lụa cũng khác đậm nhạt chứng tỏ khác màu so với bản gốc cũ. Suy ra đây là tranh giả 100% nếu so với bản gốc đầu tiên". Họa sĩ Doãn Hoàng Lâm cũng nhận xét chi tiết nhánh cây dưới quần cô gái đứng đầu (phần khoanh đỏ) khác hẳn nhau và khẳng định bức tranh này khác hẳn tranh gốc.
Họa sĩ Lâm Thanh cho rằng hình họa trong bức tranh sắp đấu giá bị yếu, chữ viết trên tranh xấu và dại, người viết chữ hẳn không hiểu về các bộ trong chữ nho. Dấu triện mờ, không rõ, nghi vấn là triện tô dởm.
Tranh sắp đấu giá có khổ 60x52,5cm trên catalogue ẢNH: CHỤP LẠI
Trong khi phần giới thiệu bức tranh gốc năm 1936 lại giới thiệu có khổ 60x50cm ẢNH: CHỤP LẠI MÀN HÌNH
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long đánh giá rằng việc catalogue được nhà đấu giá Aguttes (Pháp) in song ngữ Pháp - Việt (điều mà các nhà đấu giá danh tiếng Sotheby's, Christine's chưa từng làm) đã chứng tỏ nhà đấu giá Aguttes chú trọng tới các nhà sưu tập Việt. Và nếu chỉ căn cứ vào catalogue, không đọc kỹ các chi tiết thì các nhà sưu tập Việt sẽ khó có thể phát hiện ra những điều đáng ngờ như các họa sĩ đã chú ý. Ngoài ra, nhà sưu tập nào từ Việt Nam muốn mua bức tranh trên sẽ khó có thể kiểm tra được độ thật - giả trừ khi bay sang Paris (Pháp).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.