Rút kinh nghiệm từ các đợt ngập nặng trong các năm 2022, 2023, trong những ngày cuối tuần (21 và 22.9), UBND 10 phường thuộc Q.Thanh Khê đã tổ chức huy động lực lượng và nhân dân ra quân thu gom rác thải, khơi thông hố ga, cửa thu nước trên các tuyến đường và các kiệt hẻm do địa phương quản lý. Trong đó, chú trọng các khu vực thường xuyên xảy ra ngập nặng tại khu vực quanh sân bay Đà Nẵng. Tương tự, tại các Q.Sơn Trà, Hải Châu, Cẩm Lệ…, việc khơi thông, nạo vét cống thoát nước, khơi thông cống rãnh cũng được phát động với sự vào cuộc của đông đảo người dân.
Người viết từng chứng kiến cảnh một người đàn ông đội mưa, túc trực suốt cả giờ đồng hồ để khơi thông miệng cống. Lúc có mặt tại khu vực trước cổng Bệnh viện Đà Nẵng, có đoạn nước ngập sâu đến 0,5 m. Cứ mỗi phút, người đàn ông lại cúi mình xuống quờ quạng trong dòng nước rồi lấy lên cả mớ rác thải tấp vào. Dòng nước qua miệng cống tiêu thoát thành dòng, chảy xoáy rất mạnh. Nửa giờ đồng hồ sau, khi tuyến đường đã rút nước, người này mới trở về nhà…
Việc chống úng ngập đô thị nhất thiết phải có sự đồng bộ trong quy hoạch cao độ nền và thoát nước mặt bằng. Dẫu vậy, sự chung tay của người dân trong giải pháp khơi thông dòng chảy cũng hết sức cần thiết mà cái cúi mình nhặt rác trước miệng cống của người đàn ông như một minh chứng.
Bởi vậy, trong khi chờ sự hoàn thiện về hạ tầng thoát nước, UBND các phường, xã, các tổ chức chính trị, xã hội tại địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chung tay cùng chính quyền TP trong việc khơi thông hệ thống thoát nước, cửa thu nước trước nhà, trước và trong mỗi trận mưa, tuyệt đối không đổ chất thải vào hệ thống thoát nước gây tắc nghẽn dòng chảy. Cùng với đó, cần có chế tài xử lý nghiêm đối với các trường hợp quét đất cát, rác thải... vào miệng cống, hố ga, kênh, mương.
Bình luận (0)