Hơn tuần qua, chung cư 1A-1B Nguyễn Đình Chiểu (Q.1, TP.HCM) bỗng xôn xao hơn, không chỉ vì 2 chiếc xe cẩu đưa vào phục vụ việc cạo lớp sơn cũ, lót lớp sơn mới cũng như hỗ trợ các họa sĩ đường phố vẽ những vị trí cao trên mặt tường, mà còn bởi không khí chờ đợi các bức tranh khổng lồ hoàn thiện dần của người dân nơi đây. Người dân ở chung cư cho biết, tuy cũng có chút xíu bất tiện (đóng các cửa thông gió lúc cần thiết để bức tranh vẽ một cách đầy đủ nhất), hay tiếng ồn khi xe cẩu hoạt động, nhưng mỗi ngày khi nhìn những bức vẽ hiện ra hoàn chỉnh hơn, những bức tường tươi mới, sáng sủa hơn, họ thấy như cũng vui hơn.
Tác phẩm Các thành phố và cộng đồng bền vững của Kleur |
N.V |
Song song đó, mặt tường Villa 48 Nguyễn Đình Chiểu (Q.1) cũng được làm mới. Đây là sự kiện vẽ tranh tường thuộc dự án nghệ thuật quốc tế Saigon Urban Arts, do Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Goethe tại TP.HCM trong khuôn khổ Quỹ văn hóa Pháp - Đức, phối hợp với Hội đồng nghệ thuật Thụy Sĩ Pro Helvetia, cùng Đoàn phường Đa Kao, Q.1 tổ chức.
Trong ngày 11.12, 5 nghệ sĩ Việt Nam tham gia phần 1 sự kiện vẽ tranh tường gồm: Daos, Suby, Daes, Cresk và Kleur đã giao lưu với công chúng quan tâm tới nghệ thuật đường phố, nhất là với chủ đề về sự phát triển bền vững của các bức tranh tường vừa được vẽ xong (chủ đề được chọn từ 17 mục tiêu mà Liên Hiệp Quốc đề ra). Dự kiến tháng 3.2022, phần 2 được nghệ sĩ Bouda (Pháp) và Enni (Đức) tiếp tục sáng tác để tạo thành những tác phẩm tranh tường hoàn chỉnh. Chung cư hôm ấy vì thế cũng sắc màu hơn, nhộn nhịp hơn khi thi thoảng có vài nhóm bạn trẻ, những người biết được sự kiện này đến chụp ảnh, hoặc tìm các nghệ sĩ trò chuyện về chủ đề các bức tranh (chủ yếu là người nước ngoài).
Bạn trẻ chụp ảnh với tác phẩm của SubyOne |
“Tôi rất thích khi thể hiện mục tiêu số 7 - Năng lượng sạch và giá thành hợp lý. Sự kết hợp giữa nghệ thuật đường phố và việc truyền cảm hứng sống tích cực khiến tôi thấy hào hứng khi tham gia”, nghệ sĩ đương đại người Pháp gốc Việt SubyOne chia sẻ.
Chọn mục tiêu thứ 13 - Hành động về khí hậu, nghệ sĩ Daes nói về tác phẩm của mình: “Bên cạnh những cây quạt gió sử dụng năng lượng sạch của tự nhiên, các mảng xanh - cánh đồng, rừng cây, dòng sông… là những tòa nhà hiện đại. Tôi muốn nói rằng, chúng ta phải làm sao để giữ, cân bằng 2 yếu tố đó. Còn đứa bé ôm quả đất ngồi trên máy bay giấy cùng những quyển sách xung quanh, tượng trưng cho sự nâng cao tri thức của thế hệ trẻ, góp phần cải thiện môi trường sống của mình”.
Kết nối, lan tỏa giá trị tốt đẹp
Tác phẩm Tài nguyên môi trường trên đất liền và giáo dục có chất lượng của Cresk và Enni (trái) cùng tác phẩm Giảm bất bình đẳng và tiêu thụ, sản xuất có trách nhiệm của Daos |
Có mặt cùng các nghệ sĩ trong ngày giao lưu với công chúng hôm 11.12, ông Mpangi Otte, Giám đốc Viện Goethe, hào hứng: “Nhìn các bức tranh hôm nay tôi thấy rất tuyệt, rất phấn chấn. Nghệ thuật đường phố, đúng như tinh thần của nó, có thể kết nối mọi người với nhau”.
“Những tưởng phải đến bảo tàng hay các phòng trưng bày để chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật, nhưng thật ra chính thành phố, không gian nơi chúng ta đang sống cũng là không gian nghệ thuật độc đáo khi nó không có bất kỳ sự phân biệt nào và hoàn toàn miễn phí, như ở đây, ngay lúc này, thật thú vị phải không?”, ông Mpangi Otte chia sẻ. Hơn thế nữa, theo ông, việc nghệ thuật graffiti ngày càng được công chúng các nước trên thế giới chú ý hơn cho thấy cộng đồng của loại hình này dần cởi mở. Ông hy vọng hoạt động nghệ thuật này sẽ góp phần lan tỏa thông điệp về các mục tiêu phát triển bền vững, bên cạnh đó sẽ tạo thêm động lực để các nghệ sĩ Việt Nam tham gia vào các dự án nghệ thuật quốc tế.
Theo bà Frédérique Horn, Giám đốc Viện Pháp tại TP.HCM: “Các phác thảo đều được gửi cho cơ quan quản lý xem trước, được giải thích rõ về mục đích thực hiện. Vậy nên chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ rất tích cực từ các đối tác và đặc biệt là Đoàn phường Đa Kao”.
Bình luận (0)