Sáng 8.10, tại Lele Atelier (419 Lã Xuân Oai, P.Trường Thạnh, TP.Thủ Đức, TP.HCM), nghệ sĩ Bùi Chát đã khai mạc phòng tranh khá độc lạ, khi giới thiệu 31 bức tranh sơn dầu vẽ trên toan mới bọc từ những khung giường bố, được sắp đặt ngổn ngang trong không gian một quán cà phê sân vườn.
Nghệ sĩ Bùi Chát đã tận dụng các khung giường cũ thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả từ các bệnh viện dã chiến từ thời Covid-19 để tạo nên những bức tranh trong hình thức "có một không hai" này.
Được rồi được rồi (OK Fine) là cách Bùi Chát phản ứng trước những khó khăn, căng thẳng, những ràng buộc, bế tắc, những ký ức chồng chéo và cả những lo âu đời thường... đeo bám tác giả. Triển lãm này cũng là cách tác giả tự trấn an bản thân, nhằm đưa chính mình trở lại trạng thái thăng bằng trong cuộc sống khi gặp nhiều bất trắc bất chợt ập đến.
Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng: "Tranh Bùi Chát nghiêng hẳn theo hướng trừu tượng - đòi hỏi sự tinh tường và tinh tế trong dụng ngôn hội họa. Và hầu hết tranh tôi đã xem đều thực sự là những tác phẩm đẹp với phong cách Lyrical Abstraction rất riêng. Trừu tượng của Bùi Chát, bằng thứ 'ngôn ngữ tự trị' thuần khiết của hình và màu, thực sự là một thứ hiện thực tâm cảnh. Mỗi bức tranh đều bộc lộ một trạng thái tinh thần, biểu hiện cho một sự thật nào đó trong góc khuất tâm hồn".
Tiến sĩ Nguyễn Thị Từ Huy có góc nhìn gai góc hơn: "Marguerite Duras từng nói: 'Khi ta lôi từ trong mình ra cả một cuốn sách'. Có thể nói tương tự như vậy về hội họa tình huống của Bùi Chát rằng, tác giả đã lôi cả bức tranh ra khỏi mình, nhưng không định nghĩa cả mình lẫn bức tranh... Đúng như tác giả viết, đó là 'một dạng hội họa không chủ đích'. Và tác giả đang ở trong thời kỳ đầy đam mê, bị thúc đẩy một cách mạnh mẽ bởi tính không chủ đích này".
Và cứ thế, nghệ sĩ Bùi Chát đã vạch cho mình một con đường riêng, một thử nghiệm về ý niệm ứng biến và tình huống. Như tác giả nói, anh đang ở giai đoạn đầu tiên đầy đam mê của một người khám phá nghệ thuật và khám phá chính mình thông qua nghệ thuật.
Bình luận (0)