Ngày 16.8, tại H.Thới Bình, Cà Mau diễn ra hội nghị tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện chứng nhận BAP (thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhất của Tổ chức Liên minh thủy sản toàn cầu - GAA).
Khi có giấy chứng nhận BAP, các nông hộ sản xuất trong chuỗi liên kết sẽ được doanh nghiệp liên kết bao tiêu, mua toàn bộ tôm (tôm sú, tôm càng xanh). Đồng thời, các đơn vị mua tôm cũng yên tâm khi bảo đảm được nguồn cung tôm nguyên liệu sạch, bền vững, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND H.Thới Bình, cho biết Thới Bình có tiềm năng phát triển mô hình tôm lúa (mô hình xen canh lúa tôm càng xanh, lúa tôm sú) - mô hình được đánh giá thích ứng biến đổi khí hậu và góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân. Hiện, chứng nhận BAP đã hoàn thành việc xác nhận cho 231 hộ dân trên tổng diện tích hơn 696 ha, tại 6 ấp của xã Biển Bạch Đông.
"Lợi ích lớn nhất khi được cấp chứng nhận BAP chính là giải quyết vấn đề nuôi tôm không bền vững cho các hộ nuôi tôm quy mô nhỏ, giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường. Đồng thời, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững môi trường, xã hội, an sinh và an toàn thực phẩm", ông Bạo nói.
Ông Nguyễn Văn Thương (ấp 6 La Cua, xã Biển Bạch Đông) có diện tích đất 3,2 ha mô hình tôm lúa mang lại cho gia đình nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm. Theo ông Thương, so với mô hình truyền thống thì mô hình tôm lúa đạt chứng nhận BAP sẽ bán được giá cao hơn, được hỗ trợ tập huấn, kỹ thuật và men vi sinh. Người nuôi rất phấn khởi hơn khi con tôm của mình đạt chứng nhận quốc tế.
Bình luận (0)