Trao giải cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen: Độc đáo những chuyện hay tôi kể…
Vận động quyên góp giúp đồng bào miền Bắc gần 45 triệu đồng

18/09/2024 07:21 GMT+7

Sáng 17.9 tại TP.HCM, Báo Thanh Niên và Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải thưởng cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen lần 2: Những chuyện hay tôi kể, với những câu chuyện người thật, việc thật rất hấp dẫn, phát hiện nhiều cách làm hay, sáng kiến độc đáo trong việc sử dụng điện an toàn và tiết kiệm lan tỏa đến đời sống.

TIẾT KIỆM ĐIỆN LAN TỎA RỘNG KHẮP ĐẾN CỘNG ĐỒNG

Tham dự buổi lễ trao giải cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen, về phía lãnh đạo Tập đoàn Điện lực VN (EVN) có ông Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN; ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN; ông Nguyễn Viết Trung, Phó ban Truyền thông EVN và bà Đinh Thị Bảo Ngọc, Giám đốc Trung tâm thông tin điện lực EVNEIC; cùng một số khách mời.

Trao giải cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen: Độc đáo những chuyện hay tôi kể…- Ảnh 1.

Đại diện tác giả đoạt giải nhất chụp ảnh cùng các ông (từ trái qua) Võ Quang Lâm, Phó tổng giám đốc EVN; ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC; và nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên

ẢNH: ĐỘC LẬP

"Các tác giả đã chỉ ra được những cách tiết kiệm điện đơn giản nhưng hiệu quả từ thực tế đã trải nghiệm. Thông qua số lượng và chất lượng của các bài viết, có thể đánh giá đây là cuộc thi được bạn đọc yêu thích nhất bởi tính thực tiễn, tính gần gũi và cả tính kinh tế cho mỗi khách hàng sử dụng điện trong cả nước. Tôi hy vọng rằng sẽ còn có thêm những cuộc thi viết về sử dụng điện tiết kiệm, an toàn, hiệu quả trong thời gian tới, để chúng ta cùng kết nối chia sẻ những cách làm hay trong việc sử dụng điện an toàn, cùng chung tay triển khai hiệu quả chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và của UBND TP.HCM".

Ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC

Hai đơn vị đồng tổ chức cuộc thi có ông Phạm Quốc Bảo, Chủ tịch HĐTV EVNHCMC; nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên; nhà báo Lâm Hiếu Dũng, Phó tổng biên tập Báo Thanh Niên; nhà báo Đức Trung, Ủy viên Ban biên tập, Tổng thư ký tòa soạn Báo Thanh Niên - Trưởng ban giám khảo cuộc thi; ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc EVNHCMC; ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc EVNHCMC, cùng các hội đồng thành viên.

Thành viên Ban giám khảo cuộc thi có TS Nguyễn Công Tráng, giảng viên Khoa Điện - Điện tử (Trường ĐH Tôn Đức Thắng); nhà thơ - nhà văn Lê Minh Quốc. Khách mời đặc biệt có Hoa hậu môi trường thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà và ca sĩ Huỳnh Thật là hai đại sứ của cuộc thi.

Trước lễ trao giải và trao thưởng, Báo Thanh Niên và EVNHCMC tổ chức quyên góp giúp đỡ đồng bào miền Bắc bị bão lũ; và đã quyên góp được gần 45 triệu đồng.

Trao giải cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen: Độc đáo những chuyện hay tôi kể…- Ảnh 2.

Các đại biểu cùng quyên góp hỗ trợ đồng bào miền Bắc bị bão lũ

"Giải pháp của các bài viết đoạt giải cao vô cùng chất lượng khiến ban giám khảo rất bất ngờ và tâm đắc. Hy vọng qua các tác phẩm dự thi này, mọi doanh nghiệp và hộ gia đình có thể áp dụng được bằng những trải nghiệm thực tế. Từ các bài viết "những chuyện hay tôi kể" có thể biến thành quy tắc, quy định tiết kiệm điện trong công ty, để áp dụng hiệu quả trong đời sống, vì nhiều sáng kiến quá độc đáo và sáng tạo".

TS Nguyễn Công Tráng

Thay mặt ban tổ chức, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn nhận xét: "So với cuộc thi tiết kiệm điện thành thói quen mùa đầu tiên, ở lần 2 này Ban tổ chức nhận thấy không chỉ số lượng bài dự thi gửi về nhiều mà chất lượng các tác phẩm cũng được nâng lên rõ rệt. Các tác giả tham dự trải đều ở khắp các vùng miền… Đọc trên 500 bài dự thi, các tập thể và nhân vật đều có cách tiết kiệm "không đụng hàng". Cái hay của việc tiết kiệm điện không chỉ bó hẹp trong một gia đình cụ thể mà lan tỏa rộng khắp đến cộng đồng".

Cũng theo nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn: "Đặc biệt cuộc thi năm nay có hai nhân vật nhận giải Nhân vật truyền cảm hứng trong bài Chuyện bà Ngát xóm tôi tiết kiệm điện của tác giả Phạm Thị Hường (Hà Nội) và bài Cô Tư Lan xóm tôi của tác giả Nguyễn Thắm (Đồng Nai). Dù làm mỗi nghề khác nhau, nhưng từ hành động thực tế, giúp chúng ta cùng soi rọi lại mình trong việc sử dụng điện tiết kiệm".

SỨ MỆNH LAN TỎA "TIẾT KIỆM ĐIỆN THÀNH THÓI QUEN"

Cuộc thi năm nay cũng ghi nhận nhiều nhân vật "siêu tiết kiệm điện" rất đặc biệt, như các em học sinh lớp 7 tại Đắk Lắk đã cùng cô giáo sáng tạo ra mô hình "lớp phó quản điện" để các bạn nhỏ thay nhau, luân phiên kiểm soát việc sử dụng điện rất độc đáo (bài Phó quản điện ở lớp tôi, tác giả Thiều Nguyễn Vĩ Dạ, giải nhì); hay chàng trai người Mông Sùng Mí Phìn nơi địa đầu Hà Giang vận động người dân lắp đèn năng lượng mặt trời trên những cung đường từ QL4C, đưa điện sáng trưng về tận thôn bản (bài "Đèn mặt trời" trên cao nguyên đá, tác giả Phạm Mạnh Hào, giải khuyến khích).

Trao giải cuộc thi viết Tiết kiệm điện thành thói quen: Độc đáo những chuyện hay tôi kể…- Ảnh 3.

Các tác giả đoạt giải và ban giám khảo giao lưu trực tiếp tại buổi lễ

"Báo Thanh Niên và EVNHCMC đã có sáng kiến hết sức thực tế, khi tổ chức cuộc thi tiết kiệm điện. Hiểu và biết hành động để tiết kiệm điện sẽ trở thành phẩm chất cần thiết cho người dân đô thị, khi biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn và mỗi người cần phải thích nghi với điều kiện mới. Nhờ làm đại sứ cuộc thi, tôi đã đọc được từ những bài viết thú vị, như ra khỏi nhà là tắt điện, trồng thêm cây xanh trong không gian nhà, tránh sử dụng các thiết bị tiêu hao quá nhiều điện".

Hoa hậu môi trường thế giới 2023 Nguyễn Thanh Hà

Giám khảo Lê Minh Quốc rất thích thú với tác phẩm đoạt giải nhất (5T "bửu bối" đã cứu hóa đơn tiền điện nhà tôi (tác giả Hoàng Bảo Lâm), với biện pháp "5T" dễ dàng áp dụng trong các căn hộ gia đình, đó là: Tắt: Nhắc nhở các thành viên trong gia đình tắt đèn, quạt khi ra khỏi phòng. Thay: Thay thế bóng đèn sợi đốt trong nhà bằng đèn LED. Tháo: Rút phích cắm thiết bị điện sau khi dùng xong. Tiết chế: Chỉ bật bình nóng lạnh trước khi tắm khoảng 30 phút và tắm nhanh hơn. Tận dụng: Tận dụng gió trời bằng cách mở cửa sổ vào buổi sáng và chiều tối. Nhà thơ Lê Minh Quốc cho rằng trong việc tiết kiệm điện, nếu người đứng đầu tổ chức gương mẫu sẽ tác động tới tập thể phía sau. Nếu trong một nhà có sự đồng thuận của vợ chồng, cha mẹ, con cái, chắc chắn việc tiết kiệm điện diễn ra dễ dàng, thông suốt.

Còn tác giả Phạm Thị Hường (Hà Nội, tác giả Chuyện bà Ngát xóm tôi tiết kiệm điện) thì lấy tấm gương tiết kiệm điện của bà Nguyễn Thị Ngát, dù chỉ là người giúp việc nhà, nhưng đã lan tỏa tinh thần tiết kiệm điện đến từng khu phố. "Nếu mọi người đều có hành động đúng như bà Ngát thì đất nước sẽ không còn nguy cơ thiếu điện vào mùa cao điểm…", tác giả Phạm Thị Hường nói.

Không dừng lại ở những sáng kiến hay, mô hình tiết kiệm điện hiệu quả, cuộc thi năm nay còn đưa ra nhiều kinh nghiệm về an toàn sử dụng điện, cách xử lý các thiết bị nhằm kéo giảm lượng điện năng tiêu thụ. Một số bài dự thi có những phát kiến vô cùng độc đáo như: Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ và bảo dưỡng định kỳ các thiết bị cơ điện; Tự động hóa, quản lý chiếu sáng trong nhà; Thiết bị điện cũng phải "khám sức khỏe định kỳ"; Thêm mảng xanh, tăng mát lành để giảm tiền điện cho nhà phố… tập hợp lại như cuốn cẩm nang về an toàn và sử dụng tiết kiệm điện rất thiết thực cho mỗi gia đình.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.