Trào lưu của người trẻ: Tại sao lại 'cải biên' ca dao tục ngữ ?

20/10/2022 12:34 GMT+7

Những câu ca dao tục ngữ vốn ăn sâu trong tiềm thức người Việt bỗng dưng bị "cải biên". Ngạc nhiên là việc thay đổi biến tấu ca dao tục ngữ lại là "trend", thành trào lưu của người trẻ.

"Vỏ quýt dày có... máy xay sinh tố" là ca dao tục ngữ?

Thời gian qua, những câu ca dao tục ngữ bị "cải biên" lại bỗng được dân mạng, đặc biệt là người trẻ thích thú. Có thể kể như: "Vỏ quýt dày có móng tay nhọn" tự dưng được đọc thành "Vỏ quýt dày có... máy xay sinh tố", "Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau" đã được biến tấu thành "Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà chiên nước mắm vịt thì nấu chao". Hay câu: "Đi một ngày đàng học một sàng khôn" vốn quen thuộc. Nhưng giờ đây lại được đọc thành: "Đi một ngày đang tốn 100.000 đồng mua trà sữa"...

Một số người trẻ thích "cải biên" những câu ca dao tục ngữ quen thuộc

CHỤP MÀN HÌNH

Người khởi đầu cho việc thay đổi những câu ca dao, tục ngữ ấy là N.H.C.N, người trẻ có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội với trang fanpage lên đến 1,5 triệu người theo dõi, hơn 471000 người theo dõi trên trang cá nhân.

Clip đọc ca dao, tục ngữ theo kiểu "cải biên" của N.H.C.N. thu hút hơn 61.700 lượt yêu thích cùng hơn 2.100 lượt bình luận và nhận được hơn 1.200 lượt chia sẻ.

Phần lớn các bình luận đều cho biết thật sự vui và cảm thấy hài hước với sự "sáng tạo" này. Thay vì đọc những câu ca dao, tục ngữ quen thuộc, thì lại được đọc với góc nhìn mới mẻ hơn, và đôi khi phù hợp với cuộc sống người trẻ hiện nay.

Những câu ca dao tục ngữ được đọc khác đi vô tình khiến người trẻ thích thú, bắt chước

CHỤP MÀN HÌNH

Để rồi sau đó, hàng loạt người trẻ bắt chước "chế tác" những câu ca dao tục ngữ nhằm ăn theo trào lưu này. Nào là: "Có công mài sắt, có ngày thành xà ben", "Vỏ quýt dày có dao gọt", "Ông ăn chả thì bà ăn rau", nào là: "Nhà sạch thì mát bát sạch vì chưa tới giờ ăn", "Gần mực thì đen, gần đèn hơi chói mắt"...

Lê Thị Mỹ Dung, sinh viên Trường ĐH Văn Lang, cho biết đọc xong những câu ca dao tục ngữ đã bị "biến tấu" làm... "loạn não", không nhớ câu gốc. Trần Anh Thư, sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng nói: "Ai thấy vui chứ mình thấy tào lao. Đọc chệch đi như thế làm mất ý nghĩa vốn có của những câu ca dao tục ngữ".

Đây không phải là lần đầu tiên những câu ca dao tục ngữ bị đọc khác đi, tạo thành trào lưu trên mạng. Cách đây không lâu, việc đọc các câu ca dao, tục ngữ mà hai chữ cuối giống nhau cũng từng một thời là 'trend' thu hút người trẻ tham gia. Như câu: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng" được đọc thành: "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương giá gương". Hay "Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt, đắng cay muôn phần" trở thành: "Ai ơi bưng bát cơm đầy/Dẻo thơm một hạt đắng cay cơm đầy"... Dù không có ý nghĩa nhưng vẫn khiến người trẻ thích thú đọc theo, sử dụng viết thành những trạng thái trên mạng xã hội, để chứng tỏ không đứng ngoài cuộc trong một trào lưu đang thịnh hành là "cải biên" ca dao tục ngữ.

Theo nhà thơ, nhà văn Trần Đức Sơn cần phải biết gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa dân gian này, giúp nó không mai một theo thời gian

NVCC

Hiện tượng bình thường hay không bình thường?

Chia sẻ với Thanh Niên về vấn đề này, nhà thơ, nhà văn Trần Đức Sơn, giáo viên dạy văn, Trường THPT Mộ Đức 2, Quảng Ngãi, cho rằng sở dĩ trào lưu "cải biên" ca dao tục ngữ được người trẻ ưa chuộng vì bản thân họ muốn vui vẻ cũng như vì muốn "câu like". Tuy nhiên, việc làm này để lại hệ lụy. "Một là khi ca dao tục ngữ bị bóp méo sẽ không còn có ý nghĩa đẹp đẽ như ban đầu. Hai là việc lạm dụng "cải biên" sa đà sẽ khiến kho tàng ca dao tục ngữ không còn nguyên giá trị tốt đẹp. Thậm chí có thể khiến người ta quên luôn bản gốc", ông Sơn nói.

Cũng theo nhà thơ, nhà văn Trần Đức Sơn: "Cải biên, đu trend cho vui nhưng mức độ vừa phải. Cần nhất là phải biết gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa dân gian này, giúp nó không mai một theo thời gian".

Bà Chu Thị Minh Thùy không đồng tình với việc người trẻ "biến tấu" ca dao tục ngữ

Theo bà Chu Thị Minh Thùy, cựu sinh viên Khoa Văn, Trường ĐH Sư phạm Quy Nhơn, đang là giáo viên tại tỉnh Thanh Hóa: "Ca dao, tục ngữ vốn là văn hóa. Tục ngữ là kinh nghiệm được truyền lại từ ông cha ta. Cho dù đến thời điểm bây giờ, nhiều câu không còn đúng nữa nhưng vẫn phải lưu giữ. Ca dao vừa là vẻ đẹp của ngôn ngữ, vừa thể hiện được cái đẹp trong tâm hồn người Việt cổ. Đây lại càng là những cái nên lưu giữ. Vì vậy, việc cải biên ca dao, tục ngữ là không hợp lý. Trend cái gì thì được, chứ trend theo xu hướng cải biên ca dao tục ngữ là không nên".

Bà Thùy nói thêm: "Đừng vì thích cái mới, chuộng những cái gây cười mà một bộ phận giới trẻ lại cổ xúy cho việc cải biên, biến tấu ca dao tục ngữ. Đấy là hình thức thái quá, không hợp lý. Đừng làm mất đi sự trong sáng, cái đẹp vốn có của tiếng Việt".

Ở góc nhìn khác, tiến sĩ Hà Thanh Vân (Viện Khoa học văn hóa và giáo dục, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam) lại cho rằng: "Đây là một hiện tượng bình thường trong cuộc sống, là sự phát triển nối tiếp của tính cải biên hay dị bản, chỉ là dưới một hình thức khác. Đồng thời nó cho thấy văn học dân gian ngày nay vẫn được biết đến, chỉ là dưới một hình thức hiện đại hơn. Đây là một biểu hiện rằng giới trẻ ngày nay vẫn biết đến văn học dân gian, có óc hài hước, sáng tạo và đây là cũng một hiện tượng thú vị, có tính chất gây cười, giải trí cho người đọc".

Tiến sĩ Hà Thanh Vân cho biết bản thân ca dao, tục ngữ có tính cải biên hay là tính dị bản

NVCC

"Đây là một hiện tượng bình thường trong cuộc sống... Một biểu hiện rằng giới trẻ ngày nay vẫn biết đến văn học dân gian, có óc hài hước, sáng tạo và đây là cũng một hiện tượng thú vị, có tính chất gây cười, giải trí cho người đọc".

Tiến sĩ Hà Thanh Vân

Bà Vân lý giải: "Bởi bản thân ca dao, tục ngữ có tính cải biên hay là tính dị bản. Đây là một đặc trưng của văn học dân gian thời xưa, do sự truyền miệng của nó từ người này sang người khác. Tuy nhiên, ở thời hiện đại, tính chất truyền miệng của nó đã trở thành… truyền mạng do sự phát triển của internet và mạng xã hội".

Tuy nhiên, theo bà Vân, vấn đề gì nhìn thấu đáo cũng có hai mặt. "Việc làm cải biên ca dao, tục ngữ có thể dẫn đến những hệ lụy sau. Thứ nhất là dễ làm cho nhiều bạn trẻ lãng quên đi những câu tục ngữ, ca dao truyền thống của dân tộc và chỉ biết đến những ca dao cải biên, nhất là đối với những ai ít hiểu biết về văn học dân gian. Thường những câu ca dao, tục ngữ bị bóp méo là những câu nổi tiếng, được đông đảo nhiều người biết đến. Nếu mà những thế hệ sau chỉ biết đến những dị bản hiện đại của chúng thì cũng là điều đáng báo động. Thứ hai là có nhiều câu ca dao cải biên không mang tính chất hài hước, giải trí, mà sa vào thô tục, bậy bạ, không có ý nghĩa, chỉ đơn thuần là theo trend bắt vần, do vậy cũng làm cho nhiều người đọc thấy khó chịu và có thái độ không thích thú vì thấy những câu ca dao, tục ngữ đẹp đẽ lại bị “bóp méo” đi".

Tiến sĩ Hà Thanh Vân nói thêm: "Tôi cho rằng những “tín đồ” của việc cải biên ca dao, tục ngữ cần lưu ý. Là dù cải biên nhằm mục đích giải trí, hài hước, đùa cho vui thì cũng không nên bỏ qua những tính chất giáo dục, khuyên răn con người, phê phán thói hư tật xấu và phổ biến kiến thức của ca dao, tục ngữ. Nếu có hứng thú cải biên mà vẫn giữ được những tính chất này thì rất thú vị và những câu ca dao, tục ngữ hiện đại cũng sẽ có giá trị. Ví dụ những câu như: “Nhà sạch thì mát, bát sạch tốn xà bông”, “Ăn xem nồi, ngồi xem ghế”… là những câu hay và hợp với thời đại. Đồng thời cũng nên chú ý về phương diện thẩm mỹ của từ ngữ, tránh dùng từ thô tục, bậy bạ, phản cảm khi cải biên".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.