Trào lưu ‘du mục kỹ thuật số’ ở Trung Quốc

13/07/2022 17:00 GMT+7

Xu hướng "du mục kỹ thuật số", tức làm việc từ xa kết hợp đi lại nhiều nơi, vẫn còn sơ khai nhưng nhiều địa phương và doanh nghiệp bắt đầu nghiêm túc xem xét và tận dụng cơ hội phát triển.

Một trong những nơi làm việc của cô Lưu nhìn ra một đồi chè tại tỉnh Chiết Giang

ảnh chụp màn hình scmp

Ngày càng nhiều người trẻ làm việc từ xa nhận ra rằng họ có thể làm việc từ bất cứ nơi đâu, chỉ cần có một máy tính xách tay đủ pin và internet, trong trào lưu ngày càng phổ biến sau thời gian bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Những người theo phong cách sống “làm việc - đi lại”, còn được gọi là “du mục kỹ thuật số”, thường cho rằng mục tiêu của họ không đơn thuần là chu du khắp nơi hay trở nên giàu có. Theo South China Morning Post, họ thiên nhiều hơn về việc theo đuổi tự do và cuộc sống chất lượng cao hơn.

Cảm nhận và lan tỏa

Tại một tu viện ở vùng rừng núi ở tỉnh Vân Nam, cô Lưu Niệm (31 tuổi) thỉnh thoảng lại rời mắt khỏi màn hình máy tính xách tay để ngắm khu rừng nguyên sinh ngay trước mắt.

Giữa vùng núi non, nơi ngồi làm việc của cô đầy tiếng chim hót và ánh nắng xuyên qua tán lá, cạnh những khoảnh vườn của tu viện điểm xuyết những khóm tú cầu và những loài cây mọng nước. Chắc chắn, không khí làm việc này vượt xa so với văn phòng bình thường.

Sau giây phút thoải mái giữa thiên nhiên, cô Lưu – một giám đốc sáng tạo – quay lại màn hình, tham gia thảo luận trực tuyến với các thành viên trong nhóm cũng đang làm việc từ khắp nơi trên cả nước.

Một “vị khách” ghé thăm khi cô Lưu Niệm làm việc từ xa tại một làng chài ở tỉnh Vân Nam

ành chụp màn hình scmp

Được làm việc từ xa, cô đã làm việc tại những môi trường phi truyền thống như trên một chuyến xe đò di chuyển ở miền nam, cạnh một đồi chè ở tỉnh Chiết Giang hay trên cao nguyên Tây Tạng nhìn xuống thung lũng yên bình.

“Khi bạn bước ra khỏi văn phòng thực sự, bạn sẽ thấy rằng văn phòng của mình có thể là rất nhiều nơi”, cô chia sẻ.

Nhiều nước thu hút “du mục kỹ thuật số”

Nhiều nước trên thế giới đang đưa ra những chính sách hỗ trợ nhằm thu hút những người vừa làm việc vừa du lịch, nhằm phục hồi du lịch và tiêu dùng vốn bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Indonesia đang cân nhắc cấp thị thực đặc biệt cho những người du mục kỹ thuật số không tạo thu nhập trong nước và miễn thu thuế đối với họ. Bồ Đào Nha và Nam Phi cũng dự định cấp thị thực cho người du mục kỹ thuật số, nhưng vẫn đang thảo luận chi tiết.

Cô Lưu nghỉ việc vào năm 2020 để bắt đầu mở công ty thiết kế đồ họa riêng và nhận thấy rằng số người “du mục kỹ thuật số” tăng theo cấp số nhân trong 2 năm qua.

Sau đại dịch, cô nhận ra rằng không cần phải ở trong văn phòng hộp diêm ở Bắc Kinh mới có thể làm việc. Nhận thấy những điều ích lợi và hay ho, cô muốn chia sẻ tinh thần này với nhiều người khác.

Sau khi đến Đại Lý (Vân Nam), cô thành lập tổ chức Dali Hub vào năm 2020 với 2 người có cùng tư tưởng. Tổ chức này cung cấp không gian cho những người du mục kỹ thuật số có thể làm việc và gặp gỡ, cũng như giúp mọi người hiểu và tiếp nhận xu hướng này. “Số người quan tâm và hỏi về cộng đồng của chúng tôi đã tăng vọt”, cô kể.

Phát triển cùng công nghệ

Theo đánh giá mới đây của nền tảng xã hội Mafengwo, hơn 60% người dân Trung Quốc muốn trở thành du mục kỹ thuật số để có thể làm việc trong khi vẫn có thể đi đến nhiều nơi.

Tuy nhiên, một báo cáo của Viện Nghiên cứu việc làm tương lai (FWRI-Trung Quốc), làm việc từ xa vẫn bị xem là khá trái với lẽ thường tại nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. FWRI chuyên nghiên cứu về môi trường làm việc thay đổi tại Trung Quốc.

Theo báo cáo, hơn 34% người lao động trên thế giới hiện đang làm việc từ xa, trong khi chỉ 1% trong 1,4 tỉ dân Trung Quốc hiện làm việc từ xa. Báo cáo cho rằng xu hướng làm việc từ xa sẽ phổ biến hơn, cùng với dịch vụ 5G, điện toán đám mây và những tiến bộ công nghệ khác.

Song song đó, các tập đoàn đa quốc gia đang từ bỏ kiểu làm việc truyền thống và tiên phong trong việc phổ biến xu hướng làm việc từ xa tại các văn phòng ở Trung Quốc đại lục.

Du mục kỹ thuật số trên thế giới

Phong cách làm việc du mục dường như đã có từ năm 1997 với quyển Digital Nomad (tạm dịch: Du mục Kỹ thuật số), khi internet bắt đầu phổ biến thật sự. Tuy nhiên, mãi đến những năm gần đây xu hướng này mới thực sự nổi bật. Theo trang thống kê Statista, hơn 30 triệu người trên thế giới tự nhận rằng họ là những người du mục kỹ thuật số, trong đó Mỹ chiếm đến khoảng 15 triệu. Nhóm người này hiện còn khá ít tại Trung Quốc nhưng đang tăng nhanh, trong bối cảnh người lao động nhìn nhận lại lựa chọn trong cuộc đời và nhấn mạnh hơn yếu tố tự do làm việc giữa nguy cơ phong tỏa từ năm 2020. Trước đó, xu hướng trên chưa từng được đề cập đến tại Trung Quốc.

Một quan chức tại làng Phượng Dương ở Đại Lý cho biết những lãnh đạo địa phương đang hy vọng cộng đồng du mục kỹ thuật số tại đây có thể dẫn đến những nguồn lực bền vững hơn.

Đại Lý thu hút nhiều du khách nên bị ảnh hưởng nặng trong đại dịch Covid-19. Dòng chảy nhân tài có thể mang đến nhiều cơ hội mới và bền vững về kinh tế.

Tuy nhiên, quan chức trên cho rằng hiện chính quyền và người dân địa phương ít kết nối với nhóm lao động du mục kỹ thuật số, trong khi họ đem lại tiềm năng lợi ích kinh tế cho địa phương.

Chính quyền tại đảo Sùng Minh ở Thượng Hải cũng quan tâm đến ý tưởng thu hút nhân tài của Đại Lý. Sùng Minh đang chật vật thúc đẩy du lịch, dù hòn đảo rất gần với thành phố 26 triệu dân.

Tiềm năng lớn

Anh Trương Dục làm việc ở Thượng Hải trong 10 năm trước khi chuyển đến Đại Lý và hiện điều hành một số không gian sống kết hợp nhà ở, quán cà phê và phòng tập thể hình nhằm phục vụ dân du mục kỹ thuật số. Anh thừa nhận rằng tiềm năng này vẫn chưa được khai thác hết.

Một lao động người Nhật Bản là Akina Shu cho biết cô bắt đầu cuộc sống du mục kỹ thuật số tại Bali (Indonesia) và bắt đầu chu du khắp thế giới sau khi trải qua 2 cuộc phẫu thuật lớn.

Du mục kỹ thuật số là lĩnh vực chưa khai thác hết lợi thế

ảnh chụp màn hình scmp

Đồng hành với cô là bà mẹ được chẩn đoán bị ung thư, và bà mẹ sau đó đã mất. “Những trải nghiệm này khiến tôi nhận ra rằng cuộc sống thực sự rất ngắn để có thể hối tiếc, nên tôi quyết định bỏ công việc kiểu ‘có mặt lúc 9 giờ, ra về lúc 5 giờ’ và xin làm cho Công ty du thuyền Peace Boat”, cô kể.

Công ty du thuyền Peace Boat cho phép cô đi miễn phí khắp thế giới và cô đã đến nhiều nơi tại châu Á cũng như Georgia, Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina, Chile và những nơi khác. Giờ đây cô có thể làm việc cạnh một hồ bơi hay trên bãi biển với nhiều người lướt sóng gần đó.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.