Sinh viên Hà Nội đang rộ lên trào lưu tiết kiệm, gom góp để gây quỹ giúp bạn nghèo.
|
Hàng nghìn SV Đại học Công nghiệp Hà Nội tham gia phong trào Những chiếc lá xanh. Vào thứ tư hàng tuần, những chiếc bàn có thùng quyên góp xuất hiện tại nơi SV thường đi qua. Đoàn trường kêu gọi mỗi SV ủng hộ 2.000 đồng vào quỹ để được gửi thông điệp vào 1 chiếc lá xanh được gấp từ giấy. Nhằm thu hút bạn trẻ, Đoàn trường nảy ra ý tưởng mỗi chiếc lá là một thông điệp.
Người ủng hộ viết lời muốn nhắn cho người yêu, bạn bè hoặc đơn giản là tặng bài hát, bản nhạc cho ai đó. Người ủng hộ nhiều tiền sẽ được nhiều lá xanh nguyện vọng. Sau khi nhận lá xanh nguyện vọng, Ban phát thanh sinh viên có nhiệm vụ đọc lời nhắn hoặc tìm các bài hát, bản nhạc được yêu cầu để gửi tặng người ấy.
Nguyễn Bá Cát, Phó chủ tịch Hội SV trường cho hay, sau hơn 3 tháng triển khai, quỹ đã gom được hàng chục triệu đồng để ủng hộ SV nghèo, tặng quà các gia đình chính sách...
ĐH Bách khoa Hà Nội trong vài năm qua đã thành công với phong trào Cốc trà đá vì cộng đồng. Với 25.000 SV, mỗi năm chương trình thu về hàng trăm triệu đồng. Số tiền này được Đoàn, Hội trao cho SV nghèo học giỏi và ủng hộ đồng bào miền trung chịu ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt hoặc đến với vùng cao mỗi dịp đông về, Tết đến. Mô hình Cốc trà đá vì cộng đồng được khuyến khích nhân rộng ở nhiều trường học khác.
Khó, ló cái khôn
Bán áo blouse và đồng phục thể dục cũng là một trong những cách làm sáng tạo của SV ĐH Dược Hà Nội. Nguyễn Hoàng Linh, Chủ tịch Hội SV trường cho hay, trung bình hàng năm có khoảng 500 lính mới nhập trường. Truyền thống, mỗi bạn có ít nhất 1 áo blouse và 1 bộ thể dục để học tập. Quỹ hỗ trợ SV khó khăn đã đứng ra xin trường cho bao thầu bán áo. Có mối lấy hàng rẻ hơn thị trường nên quỹ thu về gần 15.000 đồng/ mỗi SV mua đồ.
ĐH Dược có số lượng SV ít, chỉ khoảng 2.500 người, vì thế Đoàn, Hội tận dụng mọi hoạt động gây quỹ để giúp đỡ những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Hoàng Linh cho biết, cứ đầu năm học, Quỹ lại đặt thùng ủng hộ ngay trước cửa các phòng khoa kêu gọi thầy cô, SV cùng tham gia hay như cuộc thi hoa khôi của trường cũng được cải thiện nội dung để bán vé. Sau mỗi hoạt động này, Quỹ thu về gần chục triệu đồng, quy ra học bổng hoặc hỗ trợ cho các bạn bị tai nạn, đau ốm...”.
Việc gây quỹ không phải ở trường nào cũng dễ. Chủ tịch Hội SV ĐH Sư phạm Hà Nội Nguyễn Thanh Xuân chia sẻ, trường có khoảng 8.000 đến 10.000 SV nhưng trong ngày Festival, hòm quyên góp của Hội chỉ thu được hơn 1 triệu đồng. Hội phải chia làm 3 suất học bổng cho 3 bạn khó khăn nhất. Trong khi, trung bình mỗi khoa của trường có ít nhất 1 đến 2 bạn đặc biệt khó khăn cần được giúp đỡ như: Mồ côi cả bố lẫn mẹ, con em dân tộc vùng núi khó khăn, bố mẹ thương tật…
Theo Thanh Xuân, khó trong vận động gây quỹ do mức sống của SV trường sư phạm còn khó khăn. “Mỗi khi tổ chức chương trình đi tài trợ, xin học bổng, các doanh nghiệp đều quay lưng với ngành sư phạm với lời giải thích không thu được lợi ích”, Thanh Xuân chia sẻ.
Năm 2012, Đoàn trường ĐH Sư phạm sáng tạo tổ chức ngày hội đổi đồ. SV đem những món đồ như sách vở, quần áo, túi xách cũ hoặc còn mới chưa dùng đến đổi lấy những món đồ yêu thích.
ĐH Sư phạm II Hà Nội cũng thường quyên góp đồ dùng học tập, quà tặng là bánh kẹo, khăn ấm dành tặng sinh viên nghèo và các em nhỏ. Nguyễn Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội Sinh viên trường nói, nhiều SV còn khó khăn nhưng sẵn lòng san sẻ một manh áo, cái khăn ấm cho bạn mình khi được vận động.
Hưởng ứng Cuộc vận động gây quỹ vì bạn nghèo của Thành Đoàn Hà Nội, nhiều Đoàn trường sáng tạo cách làm hay, SV nhiệt tình hưởng ứng như: Ủng hộ thẻ xe buýt tặng SN nghèo (ĐH Công đoàn), vận động 2.000 đầu sách cũ xây dựng Tủ sách SV (ĐH Y Hà Nội), đổi vé xem phim bằng giấy vụn (Cao đẳng Sư phạm T.Ư), ngày hội đổi sách (ĐH Xây dựng)… |
Theo Tiền Phong
Bình luận (0)