Suốt buổi quần quật ở đồng, xong buổi đồng, thong dong về chuồng, đói không cũng không biết không nghe kêu, không như lợn ồn ột sốt cả ruột, dẫu trâu cùng người làm nên hạt lúa.
Người cày, mở xong lối cày, đôi lúc người cày đâu cần ví thá, trâu vẫn thẳng đường trâu. Vẫn nhớ cái thuở ngày xửa ngày xưa, xong vụ trên đồng, trâu lại về với bải quần, quần đạp, cũng đâu cần ví thá, trâu vẫn làm sáng hạt vàng. Tự dưng nghe ngỡ ngàng với câu ví "ngu như trâu”, hay "ngu thua trâu" từ ấm ức ngu thua trâu mà làm hỏng đi gian mánh.
"Quần quật như trâu", câu ví hàm ý như từ phản ánh bản chất cần cù, không chỉ nặng gông cho những luống cày mà còn nặng gông cho mùa cộ. Và phận trâu như là góc phản ánh sâu sắc trong chừng mực nào đó gắn liền cùng phận người làm đồng với một nắng hai sương, một kiếp đời lầm lũi bán mặt cho đất, bán lưng cho trời. Và trâu và người sớm là một quấn quyện làm nên cơ ngơi đời người, vậy mà đôi lúc bẽ bàng với chao dao mùa giáp hạt.
Mọi lẽ như từ vướng víu vốn sống thuở cha ông, cứ nghĩ cách làm cũ cha ông mấy thuở cũng nuôi được mình. Giật mình, rồi nghe rưng rức cùng miền ký ức. Giờ, thì khi lúa vàng đồng, đồng vang tiếng máy gặt chồng chồng công. Sớm nghe nức lòng.
Một nắng hai sương đâu màng, vốn là nghiệp dĩ |
nguyễn phúc |
Giờ, khi chúng ta ăn hạt trắng quá, như cơ cầu làm chúng ta quên mất đi vị ngọt hạt gạo đỏ au vướng vương hương đồng gió nội. Nhất là với kẻ chợ sớm có nhiều lựa chọn, hạt tròn cứng cơm không ngon miệng, phải hạt dài, đôi lúc nhất thiết phải là hạt dài Nàng Thơm.
Nhưng thử hỏi có mấy ai nghĩ, có được hạt ăn, người miệt đồng phải bỏ ra bao nhiêu công sức, qua bao nhiêu giai đoạn. Cực nhất là khâu làm đất, xẻ nước, lo cày xới chừng ấy, nhưng không biết có tồn ứ mầm bệnh, rồi lại trăn trở với sạ hàng hay sạ lang. Còn thêm nỗi day dứt, nếu dùng miết phân vô cơ, lâu dần đất sẽ cạn mùn. Nhẹ giống, nhẹ phân như khuyến cáo, nhưng lại lo, biết có được không, hay lại lao xao với mùa giáp hạt.
Một nắng hai sương đâu màng, vốn là nghiệp dĩ. Chỉ lo nỗi bẽ bàng khi không thể tự định giá được hạt chính mình làm ra. Góc chuyện nghe ra có phần nghịch lý, nhưng lại là một nghịch lý gần như bất di bất dịch.
Nhắc một góc xưa, như không thừa, không để được chia sẻ mà muốn ai cũng sớm nhận ra giá trị của hạt ăn, cái giá trị không thể đơn thuần định giá bằng giá trị đồng tiền vì ở đó còn ẩn chứa giá trị tâm tình gởi gấm ở những con người miệt đồng. Như đó còn là góc tâm tình phảng phất góc tự tình của người Việt thời mở đất. Như tâm thức của người Việt thuở ấy không việc làm ăn gì bằng nghề nông. Dẫu tình cảnh người ở ngày xa cũ khắc khổ đến nao lòng. Gia tài chỉ vỏn vẹn với chiếc xuồng, cùng cái cà ràng vừa nấu ăn vừa un muổi và cái phảng, góc đời có phần xót xa, tạm bợ sao đâu.
Giờ thì hạt ăn trắng quá, lại dễ có được từ đồng tiền bỏ ra, khiến con người đôi lúc vô tâm, thử hỏi có mấy ai còn nhớ thuở ăn hạt gạo đỏ au mà ngọt cơm từ hạt Nàng Trô-Tầm Nút. Và như cũng có mấy ai còn nhớ nhịp cắc cum, nhịp chày từ cối giã. Nhất là nhịp sàng dưới trăng vướng vương bến nước hồn sông, may ra còn đọng lại ở ai đó nỗi nhớ trót là góc ký ức.
Chợt dưng nhớ Mùa Len Trâu…
“Khi đến mùa nước lũ, nước tràn ngập cả vùng khiến cỏ chết hết và trâu cũng không thể ngủ dưới nước nên Kìm buộc phải đi len trâu (dẫn trâu lên vùng cao kiếm cỏ) cùng với đám chuyên len trâu của ông Lập, một ông chủ khó tính và du côn.
Vượt qua bao nhiêu hiểm trở và vất vả khi phải dẫn trâu đi dưới nước cả ngày, phải đánh nhau với đám côn đồ vì địa bàn, bị đám khác đi trước giành cỏ nên phải đi nơi khác... cuối cùng Kìm cũng trở về nhà, tuy nhiên một trong hai con trâu đã chết, chỉ còn lại lớp da và cặp sừng để làm kỷ niệm. Tính tình Kìm cũng trở nên du côn hơn, chửi thề nhiều hơn khiến cha anh khá buồn. Kìm rất thương con trâu còn lại nên cả ngày quấn quýt bên nó, tuy nhiên vì hoàn cảnh gia đình quá túng quẫn không có tiền trả nợ, cha mẹ của Kìm phải bán trâu đi khiến anh đau lòng mà bỏ nhà ra đi.
Anh cùng Đẹt, người bạn chung đám len trâu của Lập, hợp tác đi len trâu cho những người khác. Trong lúc len trâu, Kìm nghe tin mẹ đã bỏ cha mình, còn cha mình ở U Minh bệnh nặng nên tức tốc quay về, còn Đẹt thì mang vợ con và Quang (một bạn cũ trong đám len trâu của Lập, cũng quen với Kìm) theo mình cùng len trâu. Kìm sống cùng cha những ngày cuối cùng trên con thuyền nhỏ bé, khi cha chết đi, anh được cha tiết lộ mình là kết quả từ một lần lầm lỡ hiếp dâm của cha anh và em gái ông Lập. Anh nhờ vợ chồng bà Hai, những người lạ mới quen, giúp anh chôn xác cha mình cùng với chiếc cối đáng giá cả gia tài của gia đình bà Hai để xác không bị nước cuốn đi” (theo wikipedia).
Bình luận (0)