Trẻ bị bệnh bẩm sinh vẫn có cơ hội được tiêm chủng

08/12/2016 11:01 GMT+7

Trẻ bị bệnh bẩm sinh, cơ địa dị ứng vẫn có cơ hội được tiêm chủng nếu được chỉ định đúng nhờ khám sàng lọc chuyên khoa sâu.

Lần đầu tiên trên cả nước, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư đã triển khai tiêm vắc xin cho nhóm trẻ “đặc biệt” có chống chỉ định tiêm với các phòng tiêm chủng thông thường.
TS-BS Lê Kiến Ngãi, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, phụ trách đơn vị tư vấn tiêm chủng - BV Nhi T.Ư nhận xét, thực tế cho thấy, tai biến tiêm chủng hầu hết xảy ra trên trẻ có các vấn đề sức khỏe, ví dụ như trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, thậm chí bệnh lý bẩm sinh phức tạp; trẻ có tiền sử dị ứng đã biết hoặc chưa được biết. Thực tế này đang đặt ra vấn đề, các cháu có thể trạng yếu do có bệnh, cần được tiêm chủng để ngừa bệnh nhất nhưng lại có thể bị trì hoãn hoặc lỡ mũi tiêm do có nguy cơ cao bị phản ứng nặng sau tiêm.

tin liên quan

Cô bé mắc hội chứng luôn 'thân thiện' với mọi người

(TNO) Cô bé Lauren Taylor mắc hội chứng Williams, gần giống như Down, khiến cô luôn thân thiện và tươi cười quá mức với mọi người xung quanh. Đây cũng là một biểu hiện phổ biến của người mắc hội chứng này.


Bác sĩ Ngãi cho biết, có hai lý do cơ bản khiến các bé bị hoãn tiêm, các cháu có bệnh lý phức tạp nên hệ thống tiêm chủng thông thường sẽ không tiêm do cả nhân viên y tế và gia đình cùng lo ngại phản ứng nguy hiểm; hoặc là các bé do đợt ốm phải vào bệnh viện điều trị nên bị lỡ tiêm thay vì được tiêm chủng theo hệ thống tại y tế xã, phường. Với thực tế đó, BV Nhi T.Ư thấy cần tổ chức tiêm chủng cho các cháu có bệnh bẩm sinh cũng như các cháu bị ốm điều trị nội trú tại BV. Bởi vì BV Nhi T.Ư là tuyến cuối cùng, tiếp nhận các cháu bệnh nặng từ tất cả các nơi chuyển đến.
Tiêm cho các trẻ “đặc biệt” có nguy cơ cao bị phản ứng sau tiêm rất áp lực với nhân viên y tế nhưng chúng tôi hết sức cố gắng bởi đó cũng là đối tượng rất cần được bảo vệ trước bệnh dịch nguy hiểm. Tại phòng tiêm chủng của BV, bên cạnh các trẻ bình thường được các gia đình đưa đến tiêm, khoảng 60% các trẻ tiêm tại đây có các yếu tố nguy cơ cao bị phản ứng sau tiêm: bệnh bẩm sinh, trẻ ốm nội trú tại BV… Trong vụ dịch sởi 2014 BV đã tiêm 2.000 mũi vắc xin sởi cho các trẻ đến điều trị. Thực hiện từ 2014 đến nay, phòng tiêm chủng của BV chưa có phản ứng nặng, nguy hiểm, chỉ là những phản ứng tại chỗ thông thường. TS - BS Lê Kiến Ngãi
Các bác sĩ cho hay, tại phòng tiêm chủng của BV Nhi T.Ư, các trẻ bị bệnh tim bẩm sinh, dị ứng vẫn có thể được tiêm. Những trường hợp như vậy sẽ được phòng tiêm khám, xét nghiệm đánh giá chính xác tình trạng sức khỏe trước tiêm nhờ hệ thống xét nghiệm và thăm dò chức năng của BV. Các kết quả sàng lọc sẽ giúp bác sĩ xác định trẻ có đủ điều kiện để thực hiện tiêm chủng. Bên cạnh đó, trong BV Nhi có hệ thống cấp cứu, chăm sóc nhi khoa đồng bộ, từ máy móc đến con người, điều dưỡng, do đó bên cạnh triển khai mũi tiêm thì việc theo dõi sức khỏe sau tiêm chủng rất quy củ nghiêm ngặt, ít nhất 30 phút tại phòng tiêm với các thiết bị sẵn sàng hỗ trợ nếu có sự cố sau tiêm cần cấp cứu và hồi sức. Nhờ đó, tiêm chủng tại BV Nhi đáp ứng các điều kiện đảm bảo an toàn tiêm chủng cho đối tượng có bệnh lý dễ bị bỏ sót, dễ bị bỏ lỡ tiêm, trong đó có những trẻ bệnh bẩm sinh phức tạp.
“Thậm chí có những cháu trước khi mổ, sau khi mổ vẫn tiêm vắc xin; hay có những cháu có bệnh lý về mặt hệ thống tạo máu, các cháu bị phẫu thuật cắt lách có nguy cơ bị bội nhiễm, dễ nhiễm trùng cũng sẽ được tư vấn tiêm vắc xin phòng bệnh”, bác sĩ Ngãi chia sẻ. Tại đây cũng đã tiêm cho các cháu chuẩn bị những cuộc ghép tạng, vì sau ghép các bệnh nhân phải dùng thuốc chống miễn dịch, khi đó các cháu rất dễ bị các nhiễm trùng. Các trường hợp này cũng sẽ được kiểm tra, tiêm vắc xin, đóng góp thêm vào cuộc ghép thành công. Với những cháu vì lý do khi sinh nhẹ cân, thiếu tháng chưa thực hiện tiêm chủng, sau khi ra viện cũng sẽ được đánh giá sức khỏe để tiêm chủng.

tin liên quan

Bạn biết gì về ung thư miệng?
Theo Quỹ Nghiên cứu ung thư Anh, tỷ lệ ung thư miệng tại nước này đã tăng 68% trong hai thập kỷ qua. Sự gia tăng này không phân biệt giới tính và tuổi tác.

Dị ứng, sinh non cũng được tiêm chủng
Để tiêm đúng chỉ định, an toàn, bên cạnh được thưc hiện quy trình sàng lọc với điều kiện trang thiết bị tốt, các bác sĩ cũng lưu ý thêm về kỹ thuật tiêm. “Có loại vắc xin chỉ tiêm dưới da nhưng nếu tiêm trong da sẽ có nguy cơ phản ứng sau tiêm nhiều hơn dù vị trí mũi tiêm cách nhau chỉ 1 ml hoặc tư thế đâm kim cũng cần chính xác. Kỹ năng tiêm chủng tiêm trong da, dưới da, vị trí tiêm... với từng vắc xin được các điều dưỡng thông thạo, góp phần cho tiêm chủng an toàn và hiệu quả”.
PGS-TS Trần Đắc Phu
Trường hợp các trẻ bị dị ứng, trước khi tiêm sẽ được đánh giá về mức độ dị ứng. Phòng tiêm chủng phối hợp với Khoa Dị ứng miễn dịch để đánh giá, làm chẩn đoán đánh giá nguyên nhân gây dị ứng. Nếu xác định tác nhân gây dị ứng không liên quan đến vắc xin thì vẫn có thể tiêm được. Hoặc là đánh giá mức độ dị ứng, nếu ở mức chấp nhận được và với điều kiện theo dõi tại chỗ cùng hệ thống thiết bị, nhân lực cho phép sẵn sàng ứng phó với phản ứng sau tiêm thì vẫn tiến hành tiêm cho các cháu. Tuy nhiên bác sĩ Ngãi cũng cho hay: “Những trường hợp đó, thực hiện trên nguyên tắc hết sức thận trọng, bởi vì luôn luôn cân nhắc cái lợi của bảo vệ bằng vắc xin với phản ứng do vắc xin, phải tùy thuộc với từng cháu. Bệnh nhân dị ứng quá mạnh, rất nhạy cảm thì phải áp dụng biện pháp dự phòng khác thay vì dự phòng bằng vắc xin”.
Nhóm trẻ có bệnh phải điều nội trú là các trường hợp rất dễ có nguy cơ phơi nhiễm với các căn bệnh có thể phòng được bằng vắc xin như: sởi, ho gà, viêm não/màng não... Bản thân trẻ khỏe đã có nguy cơ phơi nhiễm, với các cháu bị bệnh có bệnh và bệnh lý bẩm sinh thì thường tình trạng dinh dưỡng kém, cân nặng thấp, nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao, chính vì thế tiêm vắc xin cho nhóm trẻ đó rất cần thiết, không bị nhiễm bệnh. “Các cháu bị ốm điều trị nội trú sau khi ra viện sẽ được các bác sĩ chuyên khoa tư vấn và chuyển xuống phòng tiêm chủng, tại đây sẽ có đánh giá. Nếu cháu nào tiêm được ngay sẽ tiêm hoặc sẽ có lịch hẹn. Do đó, với các cháu lỡ, không được tiêm theo lịch tiêm chủng thường xuyên tại xã, phường khi đến khám, điều trị tại BV Nhi T.Ư vẫn có thể được tiêm chủng”, bác sĩ Ngãi chia sẻ.

PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đánh giá, tiêm chủng tại BV Nhi T.Ư có thế mạnh là tận dụng được hệ thống trang thiết bị cho chẩn đoán, xét nghiệm trong BV cũng như là hệ thống cấp cứu hồi sức. Bên cạnh tiêm vắc xin dịch vụ, BV cũng tiếp nhận các vắc xin tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Mô hình này nên nhân rộng trong hệ thống các BV sản - nhi để thêm cơ hội được bảo vệ trước bệnh dịch nguy hiểm cho các trẻ có bệnh, bởi đây là nhóm trẻ thường có chống chỉ định tại hầu hết các điểm tiêm chủng thông thường.

tin liên quan

Nỗi lo đột quỵ 'tấn công' người trẻ
Đột quỵ hay còn gọi tai biến mạch máu não, trước kia được mặc định là bệnh của người già, nhưng trong những năm gần đây tỷ lệ người bị đột quỵ đang trẻ hóa.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.