Trẻ bị rối loạn tâm thần do áp lực học tập gia tăng

09/06/2017 07:11 GMT+7

Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viên Bạch Mai cho biết, ngày càng nhiều trẻ bị rối loạn tâm thần , phải nhập viện điều trị do áp lực thi cử và thành tích học tập.

Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai đang điều trị cho bệnh nhân Trương Quang Đ. (15 tuổi, ngụ tại Bắc Giang). Bệnh nhân Đ. nhập viện sau một thời gian khá dài bị mất ngủ, sống khép kín, không tiếp xúc với mọi người. Ngồi bên cậu con trai sở hữu gương mặt thông minh, mẹ của Đ. chia sẻ, từ nhỏ sức khỏe của Đ. bình thường, tiếp thu bài học tốt. Trong 3 năm học lớp 6, lớp 7 và lớp 8, cháu đạt giải nhì và giải ba môn toán cấp tỉnh. Năm học lớp 9, Đ. cũng tham gia đội tuyển toán của trường. Tuy nhiên, sau đó, do chịu nhiều áp lực trong học tập, Đ. bắt đầu có những biểu hiện “lạ”: ít trò chuyên cởi mở, ngại tiếp xúc, sống thu mình lại. “Thời gian đầu, chúng tôi chỉ nghĩ do tâm lý con trai đang tuổi lớn, nhưng mức độ ngày càng tăng, kết quả học tập sụt giảm đáng kể. Cháu mất ngủ và gần như không tiếp xúc với mọi người, ngay cả với người thân, cảm xúc thất thường nên chúng tôi đưa cháu đi khám và được bác sĩ chẩn đoán mắc rối loạn cảm xúc, yêu cầu nhập viện điều trị”, mẹ của bệnh nhân Đ., cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Văn Dũng, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai cho hay, bệnh nhân Đ. là con lớn trong gia đình có bố mẹ đều thành đạt nhưng lại vào viện khám và điều trị rất muộn. Các biểu hiện rối loạn cảm xúc của bệnh nhân Đ. đã xuất hiện và tăng dần từ hai năm qua. “Trên thực tế, một số gia đình giàu có hoặc bố mẹ thành đạt thường đưa con đến khám, điều trị muộn do không chấp nhận việc có con bị tâm thần. Điều này rất thiệt thòi cho trẻ, khiến việc điều trị khó khăn hơn”, bác sĩ Dũng nói.
Theo bác sĩ Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai từng khám và điều trị cho bé gái Thu H. (16 tuổi, ngụ tại Hà Nội) bị rối loạn tâm thần do sức ép học tập. Trước nhập viện thời gian dài, cháu H. có biểu hiện mệt mỏi tăng dần, đặc biệt khi sắp đến kỳ thi thì sợ hãi, khóc lóc mỗi khi đi học, vào lớp hoặc cầm sách vở. Dù bố của H. là bác sĩ nhưng gia đình lại đi cúng bái khắp nơi, lấy roi dâu đánh con để trừ tà, thậm chí còn đốt bùa để chữa bệnh khiến H. bị vết bỏng khá lớn. “Đáng tiếc là, khi cháu H. được chúng tôi chữa trị, bố mẹ cháu vẫn không tin con mình bị bệnh tâm thần”, bác sĩ Dũng nói.
Có thể chữa khỏi
Bác sĩ Dũng cho biết, ngày càng nhiều phụ huynh đưa con đến khám hoặc tư vấn về sức khỏe tâm thần do trẻ bị rối loạn cảm xúc, trầm cảm. Nhiều trẻ vào BV khi đã suy kiệt do lo học đến mức không ăn uống được, sau đó rơi vào tình trạng mất ngủ, học tập giảm sút, buồn bã, chán nản, cáu gắt. Tình trạng này có xu hướng gia tăng vào mùa thi, do áp lực về bài vở và điểm số.
Tỷ lệ các trẻ vị thành niên đến khám và điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần đang tăng. Khoảng 15 - 17% các trường hợp trẻ được người nhà đưa đến khám cần được tư vấn, điều trị do bệnh nhân mệt mỏi, mất ngủ, hay gặp ác mộng, khó ngủ, rối loạn cảm xúc (dễ cáu giận hoặc buồn bã, hay khóc lóc, thu mình, tránh tiếp xúc). Nhiều trẻ trước đó học tập tốt, sống vui vẻ, hòa đồng nhưng không vượt qua được áp lực về thành tích học tập nên học hành sa sút, chểnh mảng, chống đối bố mẹ, mất ngủ, sức khỏe thể chất sụt giảm với mức độ ngày càng tăng và phải nhập viện điều trị.
Theo bác sĩ Dũng, trẻ rơi vào tình trạng giảm năng lượng, mệt mỏi hầu hết có nguyên nhân do áp lực học tập, tác động bởi sức ép của gia đình và mâu thuẫn với những người thân. Các rối loạn này có thể chữa khỏi nhưng trẻ cần được đưa đến BV khám và điều trị càng sớm càng tốt. Nếu nhẹ và can thiệp sớm khi bệnh ở giai đoạn đầu, chỉ cần được nghỉ ngơi, giảm các tác nhân gây sức ép, tạo cho trẻ tinh thần thoải mái đã có thể khỏi bệnh gần như 100%. Nếu nặng hơn, trẻ cần được dùng thuốc điều trị, hỗ trợ tâm lý, thời gian nằm viện có thể 2 - 3 tháng và trong một số trường hợp cần được điều trị dài ngày hơn. Bác sĩ Dũng khuyến cáo, cha mẹ không nên tạo áp lực cho các con trong học tập và áp lực phải đạt thành tích mà nên chia sẻ, tạo cho trẻ có được thời gian nghỉ ngơi, vui chơi thư giãn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.