Trẻ em bị nước cuốn xuống cống: Đùn đẩy trách nhiệm
02/10/2017 06:41 GMT+7
Liên tiếp các vụ trẻ em bị lọt xuống cống tử vong đã gây bất an cho các bậc cha mẹ. Đã vậy, khi sự cố xảy ra, các cơ quan lại đùn đẩy trách nhiệm.
Tự động phát
Đổ lỗi cho nhau
Ngày 29.9, UBND H.Vĩnh Cửu (Đồng Nai) thành lập đoàn liên ngành đến cụm công nghiệp (CCN) Thiện Tân - Thạnh Phú khảo sát tuyến đường D1, nơi em Nguyễn Tấn Trường (11 tuổi, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Chu Văn An, xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu) bị cuốn trôi vào miệng cống tử vong chiều 27.9. Trả lời Thanh Niên, Chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Võ Văn Phi, cho biết: "Đoàn liên ngành tìm hiểu kỹ khu vực xảy ra sự việc, xem xét làm rõ trách nhiệm của đơn vị nào để xử lý".
[VIDEO] Các bên đổ lỗi trách nhiệm vụ bé trai bị nước cuốn xuống cống - Thực hiện: Lê Lâm
|
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, đường D1 dài khoảng 1,2 km, mới đổ đá cấp phối. Hệ thống mương thoát nước dài hơn 200 m bằng bê tông, cao và rộng khoảng 1 m, đấu nối trực tiếp với cống thoát nước. Trên mặt mương thoát nước không có nắp đậy. Nơi tiếp giáp với cống thoát nước chảy ra suối, không có lưới chắn bảo vệ.
Ông Thái Mã Thành, Chủ tịch UBND xã Thiện Tân, cho hay tuyến đường trên do Ban Quản lý (BQL) dự án H.Vĩnh Cửu làm chủ đầu tư. "Mương thoát nước dạng hở mà bề mặt lại rộng nên rất nguy hiểm. Trách nhiệm trong vụ việc này thuộc về BQL dự án và Phòng Kinh tế hạ tầng vì họ là đơn vị quản lý", ông Thành nói.
Ông Đoàn Tấn Lực, Trưởng BQL dự án H.Vĩnh Cửu, xác nhận tuyến đường trên do đơn vị này làm chủ đầu tư, nhưng lại nói: “Cái này họ (các doanh nghiệp - PV) tự làm, không báo nên chúng tôi không biết”. Còn ông Lê Quang Hiển, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng H.Vĩnh Cửu, trả lời: “Họ xây dựng công trình trên không xin phép nên chúng tôi không hề hay biết”, rồi ông đẩy trách nhiệm: “Việc phát hiện hay không là do BQL dự án chứ không phải chúng tôi”!
Trước đó ngày 20.9, em Vũ Thảo Uyên (16 tuổi, học sinh lớp 11 Trường THPT TX.Phước Long, Bình Phước) cũng bị nước cuốn xuống cống thoát nước trên đường ĐT741 (P.Long Phước, TX.Phước Long) tử vong. Ông Mai Xuân Cường, Chủ tịch UBND TX.Phước Long, cho hay trước đây miệng cống có lưới chắn nhưng mỗi khi trời mưa, người dân tự ý đục miệng cống để nước thoát nhanh hơn và dẫn đến hậu quả như vừa rồi. “Dù người dân đục miệng cống nhưng cũng do các đơn vị không kiểm tra, phát hiện và khắc phục kịp thời”, ông Cường nhấn mạnh và cho biết đã yêu cầu các cơ quan chức năng của thị xã rà soát lại toàn bộ công trình trên địa bàn.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Vụ việc trẻ em bị cuốn xuống cống tử vong đã cảnh báo nhiều lần nhưng tai họa vẫn xảy ra. Cách đây gần 1 năm, chiều 16.10.2016, ở Bình Dương trời mưa lớn gây ngập đường số 4 (P.Dĩ An, TX.Dĩ An, Bình Dương), cháu Hoàng Xuân Hiếu (8 tuổi, ngụ TX.Dĩ An) ra đường tắm mưa đã bị nước cuốn xuống cống mất tích. Đến sáng 18.10.2016, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy thi thể cháu Hiếu cách hiện trường bị nước cuốn trên 2,5 km.
Trả lời PV Thanh Niên, ông Nguyễn Thanh Phong, Chủ tịch UBND TX.Dĩ An (Bình Dương), cho hay địa điểm xảy ra tai nạn đối với cháu bé thuộc địa phận trung tâm hành chính Dĩ An do Công ty cổ phần Đại Nam làm chủ đầu tư, đến thời điểm xảy ra tai nạn vẫn chưa bàn giao công trình cho chính quyền địa phương, nhưng địa phương vẫn phải liên đới trách nhiệm. Sau đó, UBND TX.Dĩ An đã cho rà soát lại toàn bộ các lưới chắn rác trên địa bàn để khắc phục, sửa chữa. Ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đại Nam, cho biết công trình đang gấp rút hoàn thành và “Đến năm 2018, sẽ cố gắng bàn giao toàn bộ công trình cho địa phương”.
Theo luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn luật sư TP.HCM), căn cứ điều 15 Thông tư liên tịch 09/2013 do liên bộ Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Viện KSND tối cao, TAND tối cao ký thì đơn vị thi công đã vi phạm các quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý các công trình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, quy định tại khoản 1 điều 220 bộ luật Hình sự (BLHS). “Do đó, khi xảy ra sự cố thì những người thi công công trình này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 220 BLHS. Với cá nhân có trách nhiệm trong tổ chức thi công hoặc giám sát công trình, hoặc quản lý công trình đường bộ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo điều 285 BLHS”, luật sư Chánh nói.
Đầy nguy cơ trên đường phố Sài Gòn
Tại một số tuyến đường trên địa bàn TP.HCM, PV Thanh Niên ghi nhận nhiều cống thoát nước hở miệng lớn, không được che chắn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai họa như tuyến đường Chu Văn An, Phan Chu Trinh, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai (Q.Bình Thạnh), Đinh Tiên Hoàng, Võ Thị Sáu (Q.1), Bà Huyện Thanh Quan (Q.3)... Tại “rốn ngập” ở đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), đa phần các miệng cống thoát nước cao hơn 20 cm, rộng gần 1 m đều không có các song sắt che chắn. Một số người dân như bà Mỳ (54 tuổi, sống ở đường Nguyễn Hữu Cảnh) cho biết do thấy miệng cống không an toàn nên ngày 30.9, bà đem ván ép ra che tạm. “Khu này cứ mưa là ngập, nước chảy xiết mà mấy miệng cống lớn quá nên rất nguy hiểm. Mấy hôm nay, cô xem ti vi thấy trẻ em bị cuốn xuống cống sợ quá. Rất mong cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra các miệng cống để tránh xảy ra tai họa đáng tiếc”, bà Mỳ nói.
|
[VIDEO] Tìm thấy thi thể người đàn ông bị nước cuốn trôi sau mưa lớn - Thực hiện: Lê Lâm
|
Bình luận (0)