Trẻ em bị xâm hại do sử dụng điện thoại sớm?

09/09/2023 18:43 GMT+7

Tại buổi thảo luận tổ Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, năm 2023, các đại biểu trẻ em công bố những số liệu báo động về thực trạng bị xâm hại và cho rằng nguyên nhân do trẻ em được sử dụng điện thoại sớm.

Chiều 9.9, các đại biểu thiếu nhi tham gia Phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần thứ nhất, năm 2023, đã chia tổ thảo luận về hai chủ đề "Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng" và "Phòng, chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại trẻ em".

Tham dự phiên thảo luận có chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức chương trình; ông Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ; anh Lê Hải Long, Trưởng ban Công tác Thiếu nhi T.Ư Đoàn, Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Đội T.Ư.

Trẻ em công bố những số liệu báo động về thực trạng bị xâm hại - Ảnh 1.

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Phạm Duy Trang (giữa) tham dự tổ thảo luận

NGỌC THẮNG

Nhiều trẻ em cho rằng bị xâm hại nhưng im lặng

Trước khi diễn ra thảo luận, trẻ em đã công bố các số liệu do T.Ư Đoàn, Hội đồng Đội T.Ư tổ chức khảo sát, về các vấn đề liên quan đến bạo lực, xâm hại trẻ em và bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh trên môi trường mạng. Cuộc khảo sát bằng hình thức trực tuyến và trực tiếp trên phạm vi toàn quốc, với hơn 40.000 lượt trẻ em tham gia trả lời khảo sát.

Các em cho biết bản thân mình hoặc một số các bạn tại cộng đồng nơi mình sinh sống cũng từng bị bạo lực và xâm hại bởi nhiều hình thức khác nhau và các mức độ khác nhau.

Theo kết quả khảo sát, một điều đáng lo ngại là các em cho rằng các hành vi xâm hại ở hầu hết các hình thức đều có xảy ra ở mức độ thỉnh thoảng (trên 15%). Nhận định của trẻ em về xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn ở mức thỉnh thoảng cũng chiếm tỷ lệ khá cao (11,96% và 15,07%).

Trẻ em công bố những số liệu báo động về thực trạng bị xâm hại - Ảnh 2.

Trẻ em trình bày báo cáo khảo sát về thực trạng bị xâm hại

NGỌC THẮNG

Có 9,6% trẻ em được khảo sát cho rằng có việc xâm hại xảy ra tại cộng đồng, 11% trẻ em cho rằng có xảy ra tại nhà trường và 6% trẻ em cho rằng có xảy ra tại gia đình, các hành vi xâm hại như: đánh đập, tát, túm tóc, đấm đá... gây tổn hại về sức khỏe, thể chất của trẻ em, chửi mắng, lăng mạ, sỉ nhục; xúc phạm danh dự, nhân phẩm; bỏ mặc, gây hại về tinh thần của trẻ em, nói xấu, bôi nhọ, cắt ghép hình ảnh...

Khảo sát cho thấy trẻ em đã có kỹ năng ứng phó, tìm kiếm sự trợ giúp khi bị bạo lực, xâm hại. Tuy vậy, vẫn còn hơn 10% trẻ em tham gia khảo sát cho rằng không báo cáo, không làm gì hoặc tự tìm phương án giải quyết khác khi bị bạo lực, xâm hại. 

Nguyên nhân trẻ em bị bạo lực, xâm hại không thông báo, chia sẻ thông tin với bạn bè, gia đình, thầy cô giáo, các anh chị phụ trách Đoàn - Đội chủ yếu vì các lý do: sợ bị trả thù, xấu hổ, mặc cảm, sợ bị mắng, đánh và sợ không nhận được sự giúp đỡ.

Trẻ em công bố những số liệu báo động về thực trạng bị xâm hại - Ảnh 3.

Đại biểu bàn thảo đưa ra ý kiến về chủ đề của phiên họp

NGỌC THẮNG

9 loại hình rủi ro khi trẻ em tham gia môi trường mạng

Các đại biểu trẻ em cho biết, theo khảo sát nêu trên, có tới 9 loại hình rủi ro khi trẻ em tham gia môi trường mạng, trong đó rủi ro cao nhất là bị đánh cắp tài khoản, thông tin cá nhân (71,4%); tiếp đến là bị lộ thông tin cá nhân. Trẻ em cũng nhận thức được hậu quả của xâm hại trên không gian mạng, đó là 85,6% cho rằng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần (lo lắng, sợ hãi...); 60,7% trẻ em cũng cho rằng bị bôi nhọ danh dự, nhân phẩm.

Báo cáo của các em cho thấy, có 3 nguyên nhân lớn nhất dẫn đến trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên mạng là: 83% trẻ em cho rằng nguyên nhân là do “trẻ em được sử dụng điện thoại sớm trong khi chưa đủ kiến thức”; 70,5% là “chưa có kỹ năng sử dụng internet an toàn” và 64,1% là “do cha mẹ không kiểm soát chặt chẽ”.

Trẻ em công bố những số liệu báo động về thực trạng bị xâm hại - Ảnh 4.

Các đại biểu tham gia thảo luận tổ

NGỌC THẮNG

Những khó khăn mà trẻ em gặp phải trong quá trình phòng ngừa bị xâm hại trên không gian mạng bao gồm: chưa có kỹ năng nhận biết các loại thông tin và cách sử dụng mạng xã hội an toàn, chưa mạnh dạn trao đổi với thầy, cô, anh, chị phụ trách, bố mẹ khi có nguy cơ hoặc đã xảy ra vấn đề bị xâm hại và thiếu kiến thức về an toàn trên không gian mạng…

Cần thay đổi phương pháp tuyên truyền

Tại thảo luận, các em đã đưa ra những giải pháp của mình. Bạn Trần Minh Đăng (Quảng Bình), cho biết việc xâm hại đến từ chính những người quen biết, người trong gia đình... sẽ để lại bóng đen tâm lý, không thoát ra được những ám ảnh. Minh Đăng cho rằng, trẻ em cần chọn lọc thông tin từ nguồn chính thống, tìm hiểu các số liệu, từ đó có thể đề phòng tình trạng bị xâm hại. 

“Các bạn có hiểu biết cũng chính là những tuyên truyền viên trong nhà trường, giúp tư vấn tâm lý cho bạn bè. Nhà trường cần thay đổi cách thức truyền tải, phân ra đối tượng tiểu học và THCS vì mỗi cấp học cần có phương pháp tuyên truyền khác nhau. Gia đình cần quan tâm, cung cấp kiến thức cho con về xâm hại, bạo lực để có thể phòng tránh...”, Minh Đăng đề xuất.

Trẻ em công bố những số liệu báo động về thực trạng bị xâm hại - Ảnh 5.

Ông Nguyễn Danh Tú phát biểu tại buổi thảo luận

NGỌC THẮNG

Bạn Trần Nguyễn Song Khuê (Bình Dương) chia sẻ, cần mở rộng tuyên truyền lên các nền tảng mạng xã hội; giáo dục vào giờ vàng của các đài truyền hình quốc gia; xây dựng hệ thống kiểm duyệt để lọc tin xấu.

“Bộ GD-ĐT tạo ra các chương trình giáo dục kỹ năng miễn phí. Bộ Y tế nâng cao chất lượng các phòng tham vấn tâm lý trong nhà trường. Bộ Công an cần quan tâm hơn đến vấn đề bắt nạt học đường và xử lý nghiêm những hành vi bắt nạt học sinh”, Song Khuê đề xuất.

Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Danh Tú, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó chủ tịch Nhóm đại biểu Quốc hội trẻ, cho rằng các đại biểu thiếu nhi rất chững chạc; việc điều hành như ở tổ thảo luận Quốc hội thật.

Theo ông Tú, Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ nhất thể hiện quyền tham gia của trẻ em vào những vấn đề của chính trẻ em. Sau phiên họp, các em có thêm hiểu biết và tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội tới gia đình, bạn bè.

“Các em sẽ phát huy nhận thức, thể hiện hiểu biết, tâm tư, suy nghĩ của bản thân. Từ đó, nhiều ý kiến xác đáng được phản ánh với Quốc hội và các cơ quan liên quan giúp cho các quyết sách sát thực tế hơn nữa”, ông Tú chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.