Khói thuốc “tàn dư”
Theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe ban đầu nhi khoa, Bệnh viện Nhi T.Ư, chúng ta đa phần đã quen với khái niệm “hút thuốc lá thụ động” (secondhand smoke) là hít khói thuốc phả ra từ người khác với tác hại lên sức khỏe đã được tuyên truyền rõ ràng.
Nhưng còn một loại nữa mà ít người biết, đó là: hít khói thuốc còn sót lại. Đó là khi hít phải tàn dư của khói thuốc còn sót lại, còn ám mùi, hay gặp ở những nơi như: trên tay người hút thuốc; trên quần áo; trên tóc, da, mũi miệng người hút thuốc; trên đồ đạc, thảm nệm, ghế ngồi, phòng chờ công cộng…
Hít phải tàn dư của khói thuốc được chứng minh bằng các nghiên cứu trên người và vật thí nghiệm; tăng phản ứng viêm và dị ứng; khởi phát cơn hen cấp; tăng nguy cơ mắc các bệnh lý hô hấp, và nếu bị thì nguy cơ bị nặng cao hơn; phơi nhiễm độc chất từ thuốc lá; tăng nguy cơ ung thư… là mối đe dọa trực tiếp với sức khỏe người xung quanh, đặc biệt với trẻ em.
Biến đổi hóa học
Đáng lưu ý, dù tản mát trong không khí, nhưng khói thuốc sau khi cháy hết bám lên da, tóc, tay, quần áo, sofa và bắt đầu quá trình biến đổi hóa học nên tàn dư khói thuốc chứa nhiều chất độc và độc hơn cả khói thuốc châm đốt ban đầu. Tiếp xúc với khói thuốc hay tàn dư khói thuốc dù ít cũng hại sức khỏe, đặc biệt là trẻ em.
Trẻ em dễ nhiễm độc khói thuốc lá hơn người lớn vì trẻ chưa nhận biết để tránh né; trẻ có tần số thở cao hơn, và có mức chuyển hóa trong cơ thể cao hơn người trưởng thành và thói quen cho tay vào miệng, lăn lê bò toài, ôm ấp tiếp xúc nhiều hơn, trong khi đó hệ hô hấp, miễn dịch cùng các cơ quan khác còn chưa phát triển toàn diện.
Để tránh, giảm hại khói thuốc cho trẻ, không hút thuốc lá, thuốc lào hoặc bỏ thuốc, cai thuốc lá; trước khi chơi với trẻ, nếu đã hút thuốc bắt buộc phải rửa tay, rửa mặt, súc miệng, tắm, thay quần áo mới; tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường ám mùi khói thuốc; hút bụi, lau sạch bề mặt đồ đạc, chiếu, thảm sau khi có người hút thuốc trong các cuộc hội họp.
|
Bình luận (0)