Trẻ em là đối tượng bị nhiễm HP cao nhất trong gia đình

29/05/2019 12:07 GMT+7

Nghiên cứu mới nhất về tình trạng nhiễm vi khuẩn HP tại hộ gia đình cho thấy trẻ nhỏ đang đứng đầu về tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP.

Theo nghiên cứu về tình trạng nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) trong hộ gia đình do Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa thực hiện trong năm 2018 với hơn 900 người thuộc 362 hộ gia đình, tỷ lệ nhiễm HP trong hộ gia đình là 85,9%; tỷ lệ trẻ em dưới 9 tuổi nhiễm vi khuẩn này lên đến 96,2%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nhiễm HP trung bình trong cộng đồng (55 - 75% dân số).
Để tránh lây cho trẻ nhỏ, khi có người trong gia đình nhiễm HP cần được điều trị và luôn chú trọng vệ sinh ăn uống. Bên cạnh đó, không chỉ đảm bảo vệ sinh các đồ dùng, khi tiếp xúc, người lớn cũng không nhai bón cơm cho trẻ
 
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và đào tạo tiêu hóa, gan mật, nghiên cứu trên cho thấy trẻ em là đối tượng bị nhiễm HP cao nhất, đặc biệt trong các gia đình có người thân của trẻ nhiễm HP. Tỷ lệ đó hoàn toàn ngược lại so với tỷ lệ ở các nước phát triển, vì trẻ em là đối tượng nhiễm HP rất thấp, chiếm 20%, trong khi 80% nhiễm HP là người lớn.

Trẻ nhiễm HP có thể do thói quen sinh hoạt

TS Nguyễn Duy Thắng cho biết trẻ nhiễm HP có thể do thói quen sinh hoạt như: dùng chung chén đũa, vật dụng trong gia đình; tiếp xúc (hôn trẻ); vệ sinh và tầm soát bệnh chưa được chú trọng. Bệnh nhân nhỏ tuổi nhất nhiễm HP được ghi nhận mới 2 tuổi. Em bé này có người thân trong gia đình nhiễm HP và bé được phát hiện nhiễm HP khi làm xét nghiệm tầm soát.
Để tránh lây cho trẻ nhỏ, khi có người trong gia đình nhiễm HP cần được điều trị và luôn chú trọng vệ sinh ăn uống.
Bên cạnh đó, không chỉ đảm bảo vệ sinh các đồ dùng, khi tiếp xúc, người lớn cũng không nhai bón cơm cho trẻ. Trong môi trường nhà trẻ mẫu giáo, nếu không đảm bảo vệ sinh ăn uống và các vật dụng dùng chung cũng có thể khiến trẻ nhiễm HP; hoặc trẻ có thể nhiễm khi vui đùa bị bắn nước bọt từ người nhiễm HP. Trẻ cũng có thể nhiễm vi khuẩn này do ăn uống ở hàng quán không đảm bảo vệ sinh.

Lựa chọn kháng sinh khi điều trị cho trẻ nhỏ

TS Nguyễn Duy Thắng cho biết vi khuẩn HP liên quan mật thiết đến một số bệnh lý dạ dày thường gặp như: viêm loét dạ dày, xuất huyết dạ dày, về lâu dài là yếu tố nguy cơ cao gây ung thư dạ dày. Nhưng chỉ điều trị HP khi người mang HP đã có triệu chứng bệnh, chứ không điều trị khi phát hiện có nhiễm HP, vì vi khuẩn này có thể thoái triển trong môi trường a xít, nó có thể giảm dần sau thời gian do chế độ ăn uống, sinh hoạt có thay đổi theo hướng không thuận lợi cho chúng tồn tại.
TS Thắng cũng cho biết với trẻ nhỏ nếu phải điều trị HP, rất cần lưu ý không dùng kháng sinh gây hại đến răng (bệnh nhân dưới 8 tuổi) và kháng sinh ảnh hưởng đến phát triển hệ xương (bệnh nhân dưới 18 tuổi).
“Tại VN đã xuất hiện vi khuẩn HP kháng kháng sinh và ngay cả với tình trạng không kháng thuốc thì diệt vi khuẩn này cũng không đơn giản, do nó có nhiều chủng, có thể sau khi đã diệt chủng này thì lại bị nhiễm chủng khác. Tuy nhiên, hiện tại việc tuân thủ phác đồ dùng kháng sinh 7 - 10 ngày đã đem lại hiệu quả điều trị”, TS Thắng đánh giá.
Trẻ em dưới 10 tuổi có nguy cơ cao nhất do hệ miễn dịch chưa hoàn thiện và còn yếu. Trong nhiều trường hợp, trẻ bị nhiễm HP không có biểu hiện bất thường và chưa có triệu chứng gì thì chưa cần điều trị. Tuy nhiên, nếu thấy trẻ có các biểu hiện: đầy bụng, ợ chua, ợ hơi; đau quanh rốn hoặc vùng thượng vị; buồn nôn hoặc nôn ra máu; chán ăn, chậm lớn, đi ngoài phân đen thì nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để kiểm tra, thăm khám.
GS-TS Đào Văn Long (Nguyên Trưởng khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.