Trẻ em, người nước ngoài nấu cơm cho người dân khu cách ly vì dịch Covid-19

03/06/2021 11:36 GMT+7

Nhiều người trong đó có trẻ em và người nước ngoài chung tay nấu những suất cơm để san sẻ khó khăn với người dân trong khu vực bị phong tỏa vì dịch Covid-19 tại TP.HCM.

Sáng ngày 2.6, chúng tôi có mặt tại nhà hàng chay Mãn Tự số 201 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM. Tại đây, một số người trẻ đang tất bật chuẩn bị chế biến nhiều món ăn như đậu que xào, chả kho, canh củ dền… để hoàn thành hơn 1.000 suất cơm cho nhiều khu cách ly vì dịch Covid-19 tại các quận ở TP.HCM trong ngày.                       

Đứng ở một góc nhỏ, cô bé Phùng Thị Huỳnh Như, 11 tuổi, trú Q.1, TP.HCM, cẩn thận dùng khăn giấy lau những vết dầu còn bám trên hộp cơm để chúng được sạch sẽ nhất có thể khi đến tay người dân bị cách ly vì Covid-19.

Không chỉ có Như nhiều còn có nhiều em nhỏ đến phụ

“Lúc đầu con hơi sợ vì không biết mình có làm được hay không nhưng dần cũng quen được công việc nên không lo nữa. Con thích nhất là múc canh vô bịch, đơn giản dễ làm như quét nhà, nấu cơm con thường hay phụ ngoại", Huỳnh Như nói.

Cô bé 11 tuổi này còn bộc bạch: “Dịch Covid-19 nguy hiểm, mấy cô chú trong kia bị “nhốt” không ra được tội nghiệp lắm, con có xin đi tới đó để phát cơm mà không được vì con còn nhỏ”.

Các bạn trẻ đến phụ một tay

Ảnh: Tấn Đạt

Anh Phi (bên phải) mong muốn cháu mình học được nhiều bài học hay từ việc làm thiện nguyện

Ảnh: Tấn Đạt

Tại một góc khác, anh Nông Đức Phi, 29 tuổi, (cậu ruột của bé Huỳnh Như) đang sắp xếp cơm, đồ xào, chả vào trong hộp. Anh Phi cho hay anh làm thiện nguyện trong hơn 5 năm qua.

“Trong thời gian TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, tôi đưa cháu gái qua đây hỗ trợ mọi người để bé không bị buồn khi ở nhà. Tại đâ, bé có thể làm một số việc như lặt rau, xếp chén… Tuy cháu gái còn nhỏ nhưng tôi nghĩ rằng việc làm thiện nguyện có thể giúp trang bị cho bé kỹ năng tự lập, nhất là giao tiếp”, anh Phi chia sẻ.

Các món chay ngon và thơm phức

Ảnh: Tấn Đạt

Hàng ngàn suất cơm chay phục vụ cho ba con trong khu phong tỏa

Ảnh: Tấn Đạt

Đúng 11 giờ trưa, hơn 1.000 suất cơm được đóng vào thùng giấy lớn cẩn thận và chuẩn bị đến các điểm cách ly dịch Covid-19 và một số sẽ đến phát trực tiếp. Trong số những người tham gia làm thiện nguyện có một người đàn ông Bồ Đồ Nha tên Luis sống ở Việt Nam hơn 10 năm.

“Tôi nhận thấy nhiều người dân Việt Nam luôn cùng đồng lòng chung sức với nhau để vượt qua mọi khó khăn và dịch Covid-19. Điều này thể hiện qua việc mọi người luôn đeo khẩu trang nơi công cộng và nhiều người trẻ đến đây hỗ trợ nấu cơm cung cấp cho khu vực bị phong tỏa. Nơi đây giống như là một gia đình và tôi sẽ cố gắng đến hỗ trợ vào nhiều ngày tới”.

Ông Luis và Trọng Nhân (áo đen) xem nơi đây như là một gia đình nhỏ

Ảnh: Tấn Đạt

Giống như ông Luis có mặt từ rất sớm hỗ trợ nấu cơm chay, Lê Trọng Nhân (17 tuổi), ngụ Q.5, TP.HCM, chia sẻ: "Cha tôi là khách hàng thân thiết của nhà hàng và đã bảo em đến tham gia làm thiện nguyện. Em nhận thấy công việc này không khó như mình từng nghĩ và mọi người xem nhau như một gia đình. Nếu me không biết làm gì thì các anh, chị đều hướng dẫn tận tình". Trọng Nhân bày tỏ hy vọng người dân TP.HCM sớm vượt qua khó khăn trong mùa dịch Covid-19.

Bà con sếp hàng ngay ngắn đợi phát đồ ăn

Ảnh: Tấn Đạt

Đồng hồ đếm 12 giờ, mọi người cũng phát xong cơm cho bà con ở các khu cách ly. Đứng trước hàng rào với biển báo “khu vực tạm thời phong tỏa", chị Đỗ Thị Ngọc Phượng, chủ nhà hàng chay Mãn Tự, thể hiện niềm vui qua ánh mắt vì những suất ăn nhỏ nhặt của mình đã giúp được nhiều hộ dân.

Chị Phương cho hay do lực lượng bên chị ít nên một số nơi sẽ được phát hộp cơm, một số nơi người dân sẽ được nhận đồ ăn trực tiếp

Ảnh: Tấn Đạt

Chị Phương (áo xanh) hy vọng sẽ có nhiều bạn đến hỗ trợ nấu cơm

Ảnh: Tấn Đạt

“Kể từ khi TP.HCM thực hiện lệnh giãn cách vì dịch Covid-19 từ ngày 31.5, chúng tôi đã phát cơm miễn phí tại nhiều hẻm bị phong tỏa trên các tuyến đường như Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Ngũ Lão, Điện Biên Phủ… với tổng hơn 1.000 suất/ngày. Chúng tôi sẽ cố gắng nấu và phát miễn phí cho đến khi các khu vực đó hết bị phong tỏa”, chị Phương chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.