Trẻ em nữ bị xâm hại gấp 7 lần trẻ em nam

16/01/2020 06:24 GMT+7

Đây là thông tin được Đoàn giám sát Quốc hội đưa ra tại cuộc họp chiều 15.1 về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” .

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp Quốc hội, kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được thực hiện trực tiếp tại 17 tỉnh, thành phố và từ kết quả điều tra xã hội học tại 63 tỉnh, thành phố.

Gia tăng số lượng trẻ em bị xâm hại tại các khu vực thành phố

Theo báo cáo, từ năm 2015 đến hết tháng 6.2019, toàn quốc phát hiện 7.824 vụ xâm hại trẻ em, với 8.588 đối tượng xâm hại và 8.091 trẻ em bị xâm hại, gồm 1.059 trẻ em nam và 7.032 trẻ em nữ (trẻ em nữ bị xâm hại gấp 7 lần trẻ em nam). So với giai đoạn 2011 - 2014, số trẻ em bị xâm hại tăng 880 trẻ (12,2%). Đáng lưu ý, số trẻ bị xâm hại tăng đột biến trong năm 2019. Riêng 6 tháng đầu năm 2019 đã có 1.400 trường hợp, gần bằng cả năm 2018 (1.579 em). Nhiều địa phương, số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90%, thậm chí là gần 100% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bến Tre, Đồng Nai.
10 địa phương có trẻ em bị xâm hại nhiều nhất là TP.HCM (782 em), Hà Nội (655), Đồng Tháp (520), Tây Ninh (353), Bà Rịa - Vũng Tàu (321), Đồng Nai (312), Đắk Lắk (268), Kiên Giang (265), Cà Mau (202) và Bình Phước (200).
Địa bàn xảy ra xâm hại trẻ em nhiều nhất là vùng ngoại thành, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Những năm gần đây, gia tăng số lượng trẻ em bị xâm hại tại các khu vực thành phố, các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn, xuất hiện nhiều vụ xâm hại tại các khu công cộng như chung cư, trường học, trung tâm bảo trợ xã hội…
Bà Nguyễn Thị Thủy cho hay: “Chính phủ và các bộ, ngành đều có chung đánh giá, số lượng các vụ xâm hại đã được phát hiện chưa phản ánh đúng tình hình xâm hại trẻ em trên thực tế, còn nhiều vụ đã xảy ra nhưng chưa bị phát hiện, xử lý”.

52 địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai luật Trẻ em

Trong khi đó, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, cho biết có tới 52 địa phương chưa ban hành kế hoạch triển khai luật Trẻ em trong khi luật này có hiệu lực từ năm 2017. Hầu như các địa phương chưa ban hành văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống xâm hại trẻ em và không có báo cáo riêng về công tác trẻ em.
Theo bà Nga, do chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về trẻ em nên số liệu đánh giá của các bộ, ngành, địa phương vẫn chưa khớp. Vì vậy, cần có những đánh giá đúng về tình hình xâm hại trẻ em.
Theo bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL, hiện chưa phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục trong các hoạt động du lịch. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới có thể xảy ra và gia tăng. Đưa ra giải pháp về phòng chống xâm hại trẻ em, bà Trịnh Thị Thủy cho biết, Bộ VH-TT-DL đã ban hành bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình giữa ông bà, cha mẹ, con cái... nhằm hướng đến gia đình hạnh phúc và bảo vệ các thành viên trong gia đình, trong đó có phòng chống, bảo vệ trẻ em khỏi bị xâm hại.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ VH-TT-DL nắm lại số liệu trẻ em bị xâm hại tình dục trong hoạt động du lịch. Ông Lưu nhấn mạnh: “Tôi chưa tin nếu nói trong lĩnh vực hoạt động du lịch không có hành vi xâm hại tình dục trẻ em. Đề nghị Bộ VH-TT-DL nắm lại tình hình ở các địa phương, qua hoạt động quản lý của mình để xem thực tế có xảy ra hay không? Vấn đề ở đây là chúng ta phải xem số liệu đã đầy đủ chưa, khách quan chưa?”. 

Đề nghị khẩn trương điều tra vụ nghi vấn mua bán trinh tiết học sinh

 
Ngày 15.1, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho biết đã có văn bản gửi Sở LĐ-TB-XH TP.Hà Nội đề nghị phối hợp cơ quan liên quan điều tra thông tin về đường dây mua bán trinh tiết trẻ em tại huyện Ba Vì (Hà Nội).
Văn bản nêu rõ: “Đây là vấn đề xâm hại trẻ em nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận xã hội. Để bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của trẻ em, Cục Trẻ em đề nghị Sở LĐ-TB-XH TP.Hà Nội phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh thông tin, nhanh chóng triển khai công tác điều tra”.
Về phía ngành GD-ĐT, theo bà Đặng Thị Kim Tuyến, Phó trưởng phòng GD-ĐT huyện Ba Vì, lãnh đạo Trường THCS Khánh Thượng (huyện Ba Vì), nơi có thông tin một số học sinh nghi bị ép buộc vào đường dây mua bán trinh tiết, đã có báo cáo sơ bộ gửi UBND huyện Ba Vì.
Theo đó, Hiệu trưởng Trường THCS Khánh Thượng trên đường đi làm đã phát hiện taxi lạ ở gần trường, có học sinh lên xe nên nghi ngờ các em liên quan đến một đường dây môi giới mại dâm. Đây là các em có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, không được quan tâm, ở xa trung tâm xã và bị đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo. Chính quyền địa phương xác định, một số em liên quan là học sinh Trường THCS Khánh Thượng và Trường THPT Dân tộc nội trú (H.Ba Vì). UBND huyện Ba Vì đã có công văn gửi các đơn vị chức năng để điều tra làm rõ.
Trước đó, ngày 14.1, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, có văn bản yêu cầu Giám đốc Công an TP.Hà Nội xác minh, điều tra theo thông tin phản ảnh từ báo chí về nghi án môi giới mua bán trinh tiết trẻ em nêu trên.
T.Nguyễn - T.Hằng
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.