Ngày 12.5, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM phối hợp với Tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế tổ chức hội thảo giới thiệu dự án “Trường học thân thiện và bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương”, tại TP.HCM giai đoạn 2.
Theo đó, giai đoạn 2 dự án sẽ triển khai trên tại 50 trường tiểu học và THCS, 55.000 trẻ em và 48.000 giáo viên, phụ huynh sẽ được hưởng lợi từ dự án.
Trẻ nhập cư sẽ được nhiều ưu đãi
Bà Nguyễn Thị Liên, phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, nhìn nhận hiện nay số lượng trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt có xu hướng gia tăng và chủ yếu là ở nhóm trẻ em nhập cư, trẻ em hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Đây là vấn đề thách thức cần phải được giải quyết.
“Góp phần vào việc xây dựng, củng cố môi trường giáo dục và bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử. Tạo cơ hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nhập cư được tiếp cận với các dịch vụ giáo dục, vui chơi và bảo vệ trong môi trường an toàn, thân thiện”, bà Liên nhấn mạnh.
Ngoài việc thành lập mô hình phòng ngừa bạo lực học đường thì còn thành lập mô hình nhóm trẻ nòng cốt hay còn gọi là hội đồng trẻ em nhằm thúc đẩy sự tham gia của trẻ trong việc xây dựng môi trường học tập an toàn và thân thiện. Những nhóm trẻ nòng cốt này sẽ tham gia giám sát và báo cáo về các hành vi lạm dụng, xâm hại, phân biệt đối xử và bạo lực trẻ em tại nhà trường và cộng đồng. Các em cũng sẽ được tập huấn về các kỹ năng giám sát, báo cáo và cả quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em…
|
Dự án trên đã triển khai được giai đoạn 1 (2013-2016) tại Q.Gò Vấp và huyện Củ Chi.
Bà Lâm Minh Trang, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi, Q. Gò Vấp - một trong những trường được chọn để triển khai dự án giai đoạn 1, nhìn nhận: “Là một đơn vị lần đầu tiên tham gia dự án và phải “chạm mặt” ngay với một dự án mà tên gọi khá nhạy cảm. Tham gia dự án “bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương”, nghĩa là mặc nhiên công nhận trường mình có tình trạng làm cho trẻ tổn thương. Và có bao nhiêu trẻ lâm vào tình trạng như thế? Đấy là những khó khăn bước đầu về mặt nhận thức mà chúng tôi phải đối diện”.
Tuy nhiên, bà Trang cũng cho biết sau khi thực hiện dự án, trường đã có những chuyển biến tích cực cả về học sinh lẫn đội ngũ cán bộ, giáo viên. Các em thì mạnh dạn hơn, biết bày tỏ ý kiến, biết phản ánh kịp thời những dấu hiệu của việc bạo hành ở gia đình và ngoài xã hội… Đặc biệt là sự chuyển biến ở đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Bà Trang kể: Bản thân chúng tôi là những người rất nghiêm khắc, cực kỳ nghiêm khắc với học sinh. Nhưng sau khi thực hiện dự án này chúng tôi mới thấy câu “roi vọt không làm trẻ nên người, yêu thương sẽ giúp trẻ phát triển” thực sự có tác dụng không chỉ với các em mà với cả những người lớn như chúng tôi. Khi tham gia dự án, chúng tôi cũng phải chừng mực với chính mình trong việc tiếp xúc với học sinh. Chúng tôi nhận ra cái nghiêm khắc không được đồng nghĩa với khắc nghiệt.
Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em Bộ LĐ-TB&XH, dự án này dù trong phạm vi còn nhỏ, nhưng đã mang lại được những hiệu quả tích cực. Thứ nhất là bảo vệ trẻ em, tạo cho các em môi trường sống an toàn. Thứ hai là tạo nên sự bình đẳng, tất cả mọi trẻ em đều được tiếp cận với nền giáo dục có chất lượng và mỗi ngày đến trường làmột ngày vui với các em chứ không còn là nỗi sợ hãi. Và cuối cùng là tạo cơ hội cho trẻ em có quyền tham gia vào tất cả các quá trình từ nhà trường cho đến gia đình.
|
Bình luận (0)