Nguyên nhân của bạo lực học đường
Nêu ý kiến về chủ đề "Phòng chống bạo lực học đường", nhiều đại biểu cho biết đây đang là một vấn đề đáng lo ngại với thực trạng đáng báo động, diễn ra dưới nhiều hình thức; và xảy ra không chỉ ở nhà trường mà còn có thể ở những môi trường khác nhau như trên mạng xã hội. Đưa ra lý do về thực trạng này, nhiều bạn cho rằng có nguyên nhân từ gia đình.
Đại biểu Biện Nguyễn Khôi Nguyên (Hà Tĩnh) cho biết ở địa phương mình có nhiều gia đình bố mẹ đi xuất khẩu lao động, nên giao phó việc chăm sóc con cái cho ông bà hoặc thuê người trông coi. "Ở độ tuổi dậy thì với nhiều bất ổn về tâm lý, khi thiếu đi bàn tay chăm sóc, gần gũi của cha mẹ, con cái dễ bị lệch lạc cả tâm lý và hành vi. Bên cạnh đó, hiện tại có nhiều gia đình cũng sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn. Đây cũng là một đòn tâm lý nặng nề lên con trẻ", Khôi Nguyên phát biểu.
Đại biểu Khôi Nguyên đề nghị cần ban hành luật và chính sách quốc gia về phòng chống bạo lực học đường, dựa trên việc rà soát lại các văn bản hiện hành của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan. Bên cạnh đó, cần tăng cường giáo dục về bạo lực học đường, tích hợp các chương trình giảng dạy vào chương trình chính khóa cho học sinh, sinh viên; xây dựng hệ thống hỗ trợ tâm lý và tư vấn học đường; tăng cường giám sát và xử lý các hành vi bạo lực học đường. Đồng thời, Khôi Nguyên đề xuất cần tạo môi trường gia đình thật đầm ấm, gần gũi, tình cảm, cha mẹ luôn nêu gương và quan tâm con cái, đó sẽ là bệ phóng tinh thần để các con phát triển nhân cách toàn diện.
Đại biểu Đặng Minh Hoàng (Quảng Ninh) cũng cho rằng cuộc sống gia đình trong thời đại công nghệ trở nên tẻ nhạt khi các thành viên ít tương tác với nhau, mỗi người chìm trong thế giới riêng trên mạng xã hội. "Các gia đình dần thiếu sự kết nối, chia sẻ và tương tác để xây dựng văn hóa gia đình. Một số gia đình gặp vấn đề như ly hôn, con cái thiếu sự quan tâm hoặc bố mẹ bận rộn công việc, chỉ tập trung vào cung cấp vật chất mà thiếu sự chăm sóc tinh thần. Thậm chí, có trường hợp bố mẹ bạo hành, khiến trẻ bị tổn thương tâm lý, trở nên tự ti, hung hãn, dẫn đến bạo lực học đường", Minh Hoàng chia sẻ.
Theo đại biểu Trần Thị Khánh Huyền (Hà Tĩnh), việc chia sẻ những video clip bắt nạt và có hành vi bạo lực ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý trẻ em. Từ đó, thôi thúc họ cảm giác muốn trải nghiệm bắt nạt người khác, khiến tình trạng bạo lực diễn ra nhiều hơn ở các địa phương và trường học. Khánh Huyền đề nghị ngành thông tin - truyền thông cần thực hiện các chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức về bạo lực học đường; đổi mới sáng tạo các hình thức tuyên truyền, tổ chức nhiều chương trình, diễn đàn hấp dẫn nhằm giải đáp các thắc mắc, xây dựng các tình huống cụ thể để hướng dẫn chi tiết cách giải quyết vấn đề bạo lực học đường cho trẻ em…
Sử dụng thuốc lá điện tử không còn là vấn đề mới
Tại buổi thảo luận tổ, các đại biểu đã tranh luận sôi nổi về việc sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) trong môi trường học đường. Các em cho biết từng nghe hoặc chứng kiến các bạn tại cộng đồng nơi mình sinh sống sử dụng TLĐT nhiều hình thức và mức độ khác nhau.
Đại biểu Hoàng Hà Linh (Hà Giang) cho rằng việc mua bán thuốc lá với trẻ vị thành niên hiện nay rất dễ dàng, thiếu sự kiểm soát, quan tâm và nhắc nhở từ phụ huynh, thầy cô nhà trường. Đồng tình với ý kiến của Hà Linh, đại biểu Trần Bảo Châu (Hà Nam) chia sẻ thêm, các sản phẩm TLĐT thu hút một số học sinh bởi được quảng cáo "an toàn hơn" so với thuốc lá truyền thống. Ngoài ra, TLĐT được thiết kế với bao bì bắt mắt, có nhiều vị mới, được cập nhật liên tục theo xu hướng. Đặc biệt, phụ huynh và học sinh có thể chưa nắm rõ được những thông tin về việc buôn bán TLĐT tràn lan trên thị trường hiện nay bởi thủ đoạn tinh vi, khó lường.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cho rằng việc sử dụng TLĐT không chỉ đến từ việc bị dụ dỗ mà có thể xuất phát từ suy nghĩ, mong muốn cá nhân của người dùng. Những thông tin về TLĐT xuất hiện trên mạng rất khó kiểm soát như các bài hát, bộ phim nước ngoài, những trào lưu, thử thách... Từ đó, việc hạn chế sử dụng TLĐT trong trường học đã khó thì giờ đây việc kiểm soát và cảnh giác còn trở nên khó khăn hơn.
Sau khi nêu thực trạng đáng báo động về việc sử dụng TLĐT tại nhà trường, các đại biểu trẻ em đã đưa ra những giải pháp thiết thực.
Đại biểu Nguyễn Anh Thư (Hà Giang) nêu ý kiến: "Nhà trường cần phối hợp các trung tâm y tế để thi về chủ đề "không khói thuốc". Mô hình được giáo viên y tế của trường thực hiện và bằng cách tuyên truyền, tổ chức các hoạt động thiết thực để ngăn chặn việc sử dụng thuốc lá trong nhà trường".
Đại biểu Lê Hoàng Nguyên (Vĩnh Long) nhận được sự hưởng ứng từ những đề xuất nổi bật như: cần thi hành nghiêm luật Phòng chống tác hại của thuốc lá năm 2012 và Nghị định số 117 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Ngoài ra, Bộ TT-TT cần có chế tài độ tuổi tham gia các trang mạng xã hội như chụp xác minh CCCD, sử dụng dấu vân tay hay mã định danh...
Đại biểu Nguyễn Nam Anh (Hà Nam) nêu rõ nội dung giáo dục phòng chống tác hại của thuốc lá đã được quy định cụ thể tại luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Từ đó, mỗi người cần thiết lập một lối sống lành mạnh, những kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho bản thân, tuân thủ pháp luật, nội quy của nhà trường về việc sử dụng và mua bán TLĐT.
Kết thúc phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Hà Linh (Hà Giang, tổ trưởng tổ 12) đã đưa ra những giải pháp như: cần phối hợp với Bộ TT-TT để kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, phối hợp Bộ Công an, Bộ Công thương để có những chế tài xử lý phù hợp trong việc buôn bán TLĐT. Đối với nhà trường, cần xây dựng các câu lạc bộ để học sinh chủ động tuyên truyền về tác hại của TLĐT và triển khai những cuộc thi sáng tác hình ảnh, video chủ đề "Phòng chống tác hại TLĐT trong trường học".
Phiên họp có ý nghĩa quan trọng
Sáng 28.9, tại Hội trường Diên Hồng, Tòa nhà Quốc hội đã diễn ra phiên khai mạc Quốc hội trẻ em lần thứ 2 - năm 2024, với sự tham gia của 306 đại biểu là những đội viên, thiếu nhi tiêu biểu đến từ mọi miền Tổ quốc.
Dự phiên khai mạc có ông Bùi Văn Cường, Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; anh Bùi Quang Huy, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; chị Nguyễn Phạm Duy Trang, Bí thư T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội T.Ư, Trưởng ban tổ chức phiên họp.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội trẻ em Lê Gia Vinh cho biết phiên họp có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em. Quốc hội trẻ em phiên họp thứ 2 sẽ xem xét các nội dung quan trọng, gồm: xem xét, thảo luận báo cáo của Chính phủ về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện công tác "Phòng chống bạo lực học đường" và "Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường"; đề ra những phương hướng triển khai thực hiện trong thời gian tới; nghe báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của "cử tri trẻ em" và nhân dân gửi đến phiên họp thứ 2 của Quốc hội trẻ em và xem xét báo cáo về kết quả giám sát giải quyết kiến nghị của "cử tri trẻ em" gửi đến phiên họp thứ 1; chất vấn và trả lời chất vấn về vấn đề "Phòng chống bạo lực học đường" và "Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường"...
Nên đổi mới hình thức truyền thông
Ngay sau khi Hội đồng Đội T.Ư đưa ra 6 chủ đề dự kiến của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em để lấy ý kiến trẻ em toàn quốc, Hội đồng Trẻ em tỉnh và các CLB Quyền trẻ em đã rất tâm đắc với vấn đề phòng chống thuốc lá, chất kích thích và bạo lực học đường. Thật vui khi đây cũng là ý kiến của đa số trẻ em trên cả nước.
Chúng em lựa chọn 2 chủ đề này bởi đây là vấn đề nóng của thiếu niên hiện nay. Tại Quảng Trị, vấn đề thuốc lá và các chất kích thích cũng diễn ra khá phổ biến ở học sinh, các bạn thường trốn thầy cô, ba mẹ, thử hút để thể hiện mình "ngầu". Còn bạo lực học đường diễn ra nhiều hình thức, phổ biến nhất cũng như nghiêm trọng nhất là bạo lực tinh thần trên không gian mạng như cô lập, tẩy chay, nói xấu...
Với 2 chủ đề của Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em năm nay, ngoài việc lấy ý kiến trẻ em nơi mình học tập, Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Trị cũng đã có buổi đối thoại với lãnh đạo tỉnh về các vấn đề liên quan đến bạo lực học đường, thuốc lá, chất kích thích với mong muốn các bác lãnh đạo có giải pháp phù hợp cho trẻ em trong tỉnh.
Đến với Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em năm 2024, chúng em mong muốn ba mẹ, thầy cô, nhà trường và các bác lãnh đạo thực sự lắng nghe và giải quyết những nguyện vọng của trẻ em để đẩy lùi bạo lực học đường, thuốc lá và chất kích thích.
Em nghĩ, quan trọng nhất là phải thay đổi suy nghĩ của chính trẻ em trước. Muốn vậy, chúng ta nên đổi mới hình thức truyền thông, có thể tạo ra các video viral (lan truyền nhanh) trên mạng xã hội, trend (xu hướng) sống tích cực hoặc diễn đàn mở ở nhà trường để tác động trực tiếp đến quan điểm, phong cách sống của trẻ em như: "Liệu hút thuốc lá điện tử có phải là sành điệu?", "Rượu bia có làm cho trẻ em trở thành người lớn?"...
Đại biểu Nguyễn Thủy Tiên (Học sinh lớp 9C Trường THCS Nguyễn Trãi, H.Vĩnh Linh, Quảng Trị; Chủ tịch Hội đồng Trẻ em tỉnh Quảng Trị)
Quan tâm hơn đến định hướng tâm lý cho học sinh
Trở thành đại biểu tham dự chương trình Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 - năm 2024, bên cạnh niềm vinh dự, tự hào, em ý thức rõ trách nhiệm đại biểu Quốc hội trẻ em phải truyền tải ý kiến tâm tư, nguyện vọng và những vấn đề quan tâm của các bạn học sinh, trẻ em ở địa phương mình đến chương trình, tổ chức Đoàn - Đội và các bác lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội.
Trước khi đến với phiên họp, em đã dành thời gian tìm hiểu, khảo sát để có cái nhìn bao quát hơn về thực trạng của bạo lực học đường. Bởi đây là vấn đề không nhỏ và luôn nhức nhối. Hành vi bạo lực trong học đường dẫn đến những tổn thương nghiêm trọng cho tinh thần, thể chất của nạn nhân, cũng như những người xung quanh.
Theo em, một trong những nguyên nhân của bạo lực học đường là từ sự thiếu quan tâm, kết nối giữa học sinh, phụ huynh, nhà trường và cộng đồng; tác động từ hình ảnh, video clip, trò chơi bạo lực ngày càng xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội, internet; cũng như độ tuổi mới lớn, thích thể hiện cái tôi cá nhân và thiếu hiểu biết, kỹ năng sống.
Để giảm thiểu, phòng ngừa các hành vi bạo lực trong học đường, em đề xuất nhà trường, gia đình và cộng đồng có sự kết nối để tổ chức các hoạt động, sân chơi tuyên truyền nâng cao hiểu biết về tác hại của bạo lực học đường, trang bị các kỹ năng sống về giao tiếp, ứng xử… cho học sinh, trẻ em; quan tâm hơn đến hoạt động tư vấn, định hướng tâm lý cho học sinh, nhất là nạn nhân bạo lực học đường và người có hành vi bạo lực.
Đại biểu Lê Phương Danh (Học sinh lớp 8 Trường THCS Thanh Bình,
H.Bù Đốp, Bình Phước)
Vũ Thơ (ghi)
Bình luận (0)