‘Trẻ không tha, già không thương’, tội phạm lừa đảo không trừ một ai

08/01/2023 13:04 GMT+7

Mặc dù Bộ Công an và công an nhiều địa phương liên tục cảnh báo những thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, tuy nhiên nhiều người vẫn mắc bẫy, bị chiếm đoạt số tiền lớn.

Mất cả tỉ đồng vì công an rởm

Gần đây, ngày 20.12.2022, chị N.T.K (38 tuổi, trú Q.Đống Đa, Hà Nội) đến công an trình báo về việc bản thân bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 1 tỉ đồng.

Cụ thể, chị K. nhận được một cuộc gọi từ số lạ, tự xưng là cán bộ công an và thông báo chị liên quan đến đường dây mua bán ma túy. Đối tượng yêu cầu chị K. phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan.

Những thủ đoạn lừa đảo liên tục được cảnh báo nhưng nhiều người vẫn trở thành nạn nhân

TN

Vì lo sợ, chị K. đã cung cấp thông tin liên quan đến tài khoản ngân hàng. Sau đó, chị K. phát hiện toàn bộ hơn 1 tỉ đồng trong tài khoản của mình “bốc hơi”. Lúc này chị K. mới biết mình bị lừa.

Đại diện Công an TP.Hà Nội cho biết, thủ đoạn giả danh công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản này không phải mới. Công an TP.Hà Nội đã tuyên truyền, cảnh báo rất nhiều lần nhưng vẫn có những người tự biến mình thành nạn nhân.

Theo đại diện Công an TP.Hà Nội, các đối tượng thường lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người dân, đặc biệt những người lớn tuổi để đe dọa, sau đó đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tài sản. Tại Hà Nội, nhiều trường hợp người cao tuổi bị chiếm đoạt số tiền rất lớn, có nạn nhân đã mất gần 6 tỉ đồng.

“Trẻ không tha, già không thương”

Phản ánh với phóng viên, anh N.V.N (35 tuổi, trú Q.Bắc Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, bản thân anh là người có học thức, thường xuyên cập nhật thông tin xã hội và nắm được những chiêu trò lừa đảo của các đối tượng, nhưng vẫn trở thành nạn nhân.

Theo anh N., sáng 4.1, vợ anh gọi điện báo chuyển 2 triệu đồng để đóng tiền điện, tuy nhiên, do mải công việc nên anh bảo tối về đưa tiền mặt. Ngay chiều 4.1, anh N. nhận cuộc gọi từ số lạ, tự xưng cán bộ điện lực và yêu cầu anh N. đóng tiền điện, nếu không gia đình sẽ bị cắt điện. Sau đó, đối tượng gửi cho anh N. một đường link, yêu cầu vào đó để thanh toán.

Không phân biệt lứa tuổi, tội phạm lừa đảo đánh vào sự nhẹ dạ, thiếu hiểu biết của mọi lứa tuổi

ngọc thắng

Không chút nghi ngờ vì sáng vợ có đề cập vấn đề tiền điện, anh N. đăng nhập vào đường link và nhập thông tin tài khoản ngân hàng, nhập mã OTP. Ngay lập tức, hơn 5 triệu đồng trong tài khoản của anh “bốc hơi”. Anh N. gọi lại số của “cán bộ điện lực” thì không phản hồi, sau đó bị chặn. Anh N. đã lập yêu cầu tra soát với mong muốn ngân hàng sẽ thu hồi lại số tiền đã mất cho mình.

“Cũng may tôi vừa chuyển tiền cho người thân vay mua nhà nên trong tài khoản không còn nhiều, nếu không đã mất sạch. Tôi đã yêu cầu tra soát để lấy lại số tiền, dù biết khó lấy lại tiền vì có thể các đối tượng đã chuyển vòng tiền của tôi sang tài khoản khác”, anh N. cho hay.

Anh N. cho biết đã đọc thông tin về rất nhiều trường hợp bị lừa đảo, phần lớn là người cao tuổi nhẹ dạ, nhưng anh không ngờ mình cũng trở thành nạn nhân.

Cần nâng cao cảnh giác

Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, các hình thức lừa đảo kể trên không mới, tuy nhiên rất nhiều người vẫn trở thành nạn nhân. C02 đang phối hợp với các cục nghiệp vụ liên quan đẩy mạnh ngăn chặn, xử lý vấn nạn này.

Theo đại diện C02, ngoài hình thức giả danh công an, viện kiểm sát, tòa án, cán bộ điện lực, ngân hàng,… gọi điện đe dọa người dân, các đối tượng còn sử dụng nhiều hình thức khác như: cố ý chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng của người dân để lừa đảo; dùng CCCD của người dân để đi vay tiền, lừa cộng tác viên kinh doanh online, cộng tác viên thanh toán đơn hàng,…

Nói về nguyên nhân tội phạm lừa đảo vẫn tồn tại, có xu hướng gia tăng, đại diện C02 cho hay, do công tác tuyên truyền chưa sâu, rộng dẫn đến người dân chưa hiểu biết, cập nhật đầy đủ. Một bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa; thiếu hiểu biết về chủ trương, chính sách và nhẹ dạ, cả tin, hám lợi… để tội phạm có cơ hội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực liên quan còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn nên tội phạm lừa đảo lợi dụng hoạt động.

Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như: tài chính, ngân hàng, an ninh mạng, đất đai, công chứng… còn tồn tại sơ hở, thiếu sót...

Nhấn mạnh tội phạm lừa đảo không trừ một ai, đại diện C02 khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, không tin vào những lời đe dọa, dụ dỗ của các đối tượng lạ; đặc biệt cần tuyên truyền, phổ biến đến người thân, gia đình, nhất là những người lớn tuổi về các phương thức, thủ đoạn để cùng cảnh giác, tránh thành nạn nhân.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.