Trẻ ngủ chuồng gà, bị xích cổ - Kỳ 1: Người lớn phạm luật mà không biết

19/08/2015 10:46 GMT+7

(TNO) Khi bị người lớn đánh đập dã man, đuổi ra khỏi nhà phải ngủ trong chuồng gà, bị xích cổ..., trẻ không biết kêu cứu, trình báo đến ai. Những người thân bạo hành trẻ cũng không biết mình đang vi phạm pháp luật.

(TNO) Khi bị người lớn đánh đập dã man, đuổi ra khỏi nhà phải ngủ trong chuồng gà, bị xích cổ..., trẻ không biết kêu cứu, trình báo đến ai. Những người thân bạo hành trẻ cũng không biết mình đang vi phạm pháp luật.

Bé trai 12 tuổi ở Nghệ An bị cha xích cổ - Ảnh: Nghĩa Đàn
Luật rất nghiêm
Tình trạng nhiều cha mẹ "vô tư" dạy dỗ con cái bằng cách đánh đập, trói tay chân, xích cổ, trói vào cột điện, bỏ trẻ ngủ qua đêm ngoài chuồng gà... đang diễn ra theo chiều hướng gia tăng.
Các bậc cha mẹ này không biết rằng các "phương pháp dạy con "đó bị pháp luật coi là hành vi bạo lực gia đình, bị nghiêm cấm. 
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các em, đã có nhiều văn bản pháp luật ngăn chặn hoặc xử lý các hành vi xâm hại đến trẻ được ban hành, như Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em năm 2004, Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Nếu mức độ xâm phạm sức khỏe, tính mạng của các em nghiêm trọng hơn thì sẽ xử lý theo các quy định của Bộ luật Hình sự như tội cố ý gây thương tích, hành hạ người khác...
Luật sư Nguyễn Thảo (thuộc Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng những trường hợp phát hiện trẻ bị bạo hành, cha mẹ thường giải thích rằng do đứa trẻ lì lợm, dạy không biết nghe lời, nên buộc lòng phải đánh đập...
Luật sư Hoàng Như Vĩnh (Đoàn luật sư Đồng Nai) nhận định, theo Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, những hành vi như bố xích cổ con, mẹ đuổi con ra chuồng gà ngủ... đều bị nghiêm cấm.
Nếu bị phát hiện, người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính về hành vi bạo hành gia đình, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tội cố ý gây thương tích theo điều 104 Bộ luật Hình sự hoặc tội hành hạ người khác theo điều 110 Bộ luật Hình sự.
Hai bị cáo là bảo mẫu trước vành móng ngựa trong phiên tòa ngày 20.1.2014. Cả hai bị cáo nhận 3 năm tù cùng về tội hành hạ người khác. Nạn nhân bị hành hạ lại chính là các trẻ mà hai bảo mẫu có trách nhiệm chăm sóc - Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Một vụ án gây chấn động dư luận xảy ra hồi tháng 5.2015 khi Hoàng Xuân Tuấn (31 tuổi, ngụ Quảng Trị) hành hạ con ruột 10 tuổi bằng những trận đòn roi dã man. Sau đó, Tuấn còn vứt con xuống giếng và làm bé gãy tay. Tuấn cho rằng việc đánh đập con là do nhớ vợ và muốn vợ quay về với mình. Tuấn bị khởi tố tội "cố ý gây thương tích"

Vụ cháu Kim Ngân bị mẹ ruột và cha dượng bạo hành, cơ quan điều tra đã truy tố mẹ ruột của bé cùng cha dượng tội "Cố ý gây thương tích”. Người mẹ nhận 36 tháng tù, người cha dượng nhận 42 tháng tù.    

Đánh trẻ là "cách giao tiếp" trong bữa ăn?
Luật sư Thảo nhắc lại vụ 5 bảo mẫu hành hạ trẻ HIV tại trung tâm nuôi dưỡng bảo trợ trẻ em Linh Xuân (quận Thủ Đức, TP.HCM). Theo luật sư Thảo, vẫn còn nhiều trường hợp hành xử dã man trẻ vẫn chưa bị phát hiện.
Luật sư Thảo cho rằng với những hình ảnh, video ghi lại, việc đánh đập trẻ được các bảo mẫu sử dụng thường xuyên, có hệ thống trong mỗi bữa ăn của các cháu. Các bảo mẫu tự mặc định đây là một cách giao tiếp trong bữa ăn của cháu thay cho ngôn ngữ nói. Sự tàn nhẫn thể hiện trên cách hành xử dã man đó. 
Hai cha con cháu Ngân gặp nhau tại bệnh viện. Ngân bị chính mẹ ruột và cha dượng bạo hành - Ảnh: Đỗ Trường

Theo đại úy Nguyễn Nam Hào, điều tra viên của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, các vụ ngược đãi, hành hạ con cái trong gia đình, người mẹ người cha thường có học vấn thấp, cuộc sống khó khăn, không có điều kiện nuôi dạy con cái tốt. Con cái không được quan tâm, chăm sóc nuôi dạy tốt nên thường ngỗ nghịch, còn cha mẹ lại coi hành động bạo lực với con mình là cách dạy dỗ thường ngày.

Bạo hành, ngược đãi trẻ em phải bị xử lý nghiêm 
Đại tá Vũ Hoàng Kiên (Cục phó Cục hình sự Bộ Công an) cho rằng hành vi bạo hành, ngược đãi với trẻ em cần phải bị xử lý nghiêm minh, tạo sự răn đe nghiêm khắc. Ngoài việc xử lý hình sự, cần có vai trò của chính quyền địa phương, thôn xóm để theo dõi, quản lý những người có hành vi ngược đãi với trẻ em trong gia đình. Đối với những người thân trong gia đình, cần quan tâm đến những biểu hiện khác thường, vướng mắc về tâm lý của những người làm cha, làm mẹ, để kịp thời ngăn cản những hành vi đáng tiếc xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.