60 học sinh chen chúc trong 1 lớp
Theo ghi nhận của phóng viên Thanh Niên, tình trạng quá tải trường học diễn ra nhiều năm nay và hiện vẫn ở mức trầm trọng đối với bậc học mầm non và tiểu học. Tại các trường mầm non công lập khu vực nội thành vẫn tái diễn cảnh bốc thăm để được vào học, vì hầu như trẻ dưới 3 tuổi, không có “suất” vào trường công.
Đơn cử, quận Cầu Giấy có 4.477 trẻ từ 2 tuổi trở xuống, nhưng tổng chỉ tiêu mà các trường công lập có thể tuyển chỉ là 923; tương tự quận này có 3.844 trẻ 3 tuổi nhưng các trường chỉ tuyển 1.507 chỉ tiêu… Ở quận Ba Đình, có 3.261 em trong độ tuổi nhà trẻ nhưng tổng chỉ tiêu của tất cả các trường công lập chỉ đáp ứng được 765 em, nhiều trường không có chỉ tiêu nào. Ví dụ, ở phường Vĩnh Phúc có tới 324 em trong độ tuổi nhà trẻ nhưng trường công lập duy nhất trên địa bàn phường là Mầm non Sao Mai, lại không có chỉ tiêu nào dành cho lứa tuổi này...
Cũng vì không đủ chỗ học, nên hầu như các trường mầm non công lập trên địa bàn các quận nội thành đều bị quá tải, trẻ phải học trong tình trạng “nhồi nhét”. Lãnh đạo Phòng Giáo dục - Đào tạo quận Cầu Giấy cho hay: quy mô giáo dục mầm non của quận hiện lên tới gần 18.000 trẻ, nên sĩ số trung bình là hơn 60 em/lớp. Tại quận Thanh Xuân, dù số trường mầm non đã rất nhiều (có 37 trường mầm non/11 phường) nhưng sĩ số vẫn lên tới hơn 50 em/lớp.
Tình trạng quá tải này cũng diễn ra phổ biến ở bậc tiểu học thuộc các quận như: Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai… Có không ít trường có sĩ số tới 60 học sinh/lớp. Quận Đống Đa hiện có sĩ số trung bình ở khối tiểu học là gần 50 học sinh/lớp, trong đó một số trường như Trường tiểu học Nam Thành Công, Trường tiểu học Kim Liên… có sĩ số đều trên 60 học sinh/lớp.
Ở quận Cầu Giấy có 11 trường tiểu học quá tải với bình quân lên tới 56 học sinh/lớp. Trong đó, Trường tiểu học Dịch Vọng A có tới 60 học sinh/lớp. Tại quận Thanh Xuân, Trường tiểu học Đặng Trần Công A, Trường tiểu học Phan Đình Giót… đều có sĩ số từ 55 - 60 học sinh/lớp. Quận Hoàng Mai có 17 trường tiểu học công lập với sĩ số bình quân gần 52 học sinh/lớp...
Do sức ép dân số
Sức ép lớn về dân số tăng quá nhanh là nguyên nhân khiến trường học quá tải nặng nề. Tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai), thời điểm tháng 4.2016, khi Trường tiểu học Hoàng Liệt nhận bàn giao cơ sở mới thì trường có 1.800 học sinh, nhưng đến khi điều tra dân số để tính toán chỉ tiêu tuyển sinh cho năm học mới thì số học sinh trong độ tuổi vào lớp 1 đã tăng vọt lên 2.600 học sinh, trong khi trường chỉ có 1.200 chỗ học.
Do sức ép về tăng dân số cơ học như vậy nên trường này đành phải tạm từ bỏ ý định đạt chuẩn quốc gia để “nhồi nhét” đủ chỗ học cho học sinh. Những phòng chức năng được tận dụng để làm phòng học, nhưng sĩ số trung bình vẫn lên tới 55 học sinh/lớp, không ít lớp phải chấp nhận con số hơn 60 học sinh/lớp…
Theo tìm hiểu của phóng viên Thanh Niên, tại các quận có dân số tăng nhanh là do khu vực này liên tục phải “tiếp nhận” những khu chung cư, đô thị mới. Tại quận Hà Đông, trong khi mỗi khu đô thị đi vào hoạt động lại thu hút thêm khoảng 20.000 cư dân mới, tương đương số dân của một phường, nhưng trường lớp lại không tăng.
Hiện ở các khu đô thị mới, khu chung cư đã đi vào hoạt động của quận này chưa xây dựng được một trường công lập nào. Tại quận Thanh Xuân, mỗi năm dân số tăng thêm khoảng 7.000 người, nhưng số trường học xây mới không đủ đáp ứng.
tin liên quan
Thiếu trường học tại các khu đô thị ở Hà NộiTrả lời về việc thiếu trường học tại các khu đô thị Hà Nội, Giám đốc Sở QH-KT Lê Vinh thừa nhận thực tế trường học 'trong quy hoạch thì đủ, nhưng ở ngoài lại thiếu'.
“Nguyên nhân cơ bản là vài năm gần đây, trên địa bàn có thêm nhiều khu nhà cao tầng mới xây dựng. Với đà phát triển như hiện nay, đây sẽ là một thách thức không nhỏ đối với quận trong việc xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh”, ông Việt nói. (Còn tiếp)
Bình luận (0)