Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Bảo hiểm y tế, chính thức có hiệu lực từ 1.1.2015, quy định nhiều quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm
Quyền lợi người bệnh BHYT sẽ được mở rộng hơn từ năm 2015 - Ảnh: Thanh Tùng
|
Thông tuyến đến quận, huyện
Theo bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (BHYT) - Bộ Y tế, việc quy định bắt buộc tham gia BHYT toàn dân kể từ 1.1.2015 là một điểm mới hết sức quan trọng. Thực hiện BHYT toàn dân mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng, như các quy định bắt buộc tiêm chủng với phụ nữ có thai và trẻ em trong luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.
Bên cạnh đó, việc mở thông khám chữa bệnh BHYT giữa tuyến phường, xã và tuyến huyện trên cùng địa bàn tỉnh sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người bệnh tiếp cận các dịch vụ y tế. Cụ thể, người đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở tuyến phường, xã có thể khám thẳng tại bệnh viện (BV) tuyến huyện gần nhà hoặc cùng trên địa bàn huyện mà không cần phải có giấy giới thiệu chuyển tuyến từ y tế tuyến phường, xã.
Đối với trẻ em dưới 6 tuổi, ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT - Bảo hiểm xã hội VN, cho biết luật bổ sung nhiều quyền lợi mà trước đây người bệnh không được hưởng, như trẻ em dưới 6 tuổi được chi trả điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ của mắt; trường hợp trẻ đủ 72 tháng tuổi mà chưa đến kỳ nhập học thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng đến ngày 31.9 của năm đó.
Chi trả cho nạn nhân tai nạn
|
Đặc biệt, thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời gian tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ bản. Ngoài ra, những trường hợp lâu nay không được BHYT thanh toán như tự tử, tự gây thương tích, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… thì nay cũng được thanh toán.
Mức đóng giảm dầncho hộ gia đình
Cũng theo quy định mới, một số nhóm đối tượng sẽ được giảm mức đóng, được nhà nước hỗ trợ ngân sách mua thẻ BHYT. Chẳng hạn, từ 1.1.2015 khi tham gia BHYT bắt buộc theo hộ gia đình, người dân sẽ được giảm dần mức đóng từ thành viên thứ hai trở đi. Cụ thể, người thứ hai, thứ ba, thứ tư trong gia đình đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất.
Bác sĩ Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM, giải thích thêm: UBND các phường, xã, thị trấn sẽ lập danh sách các hộ gia đình có bao nhiêu người, kể cả diện tạm trú để biết và tiến hành thực hiện mua BHYT. Danh sách sẽ thể hiện những thành viên trong gia đình đã tham gia BHYT bắt buộc lâu nay (công chức, người làm việc ở các công ty, xí nghiệp), những người còn lại chưa tham gia BHYT… nhằm khắc phục tình trạng cấp trùng thẻ. Ngoài ra, UBND cấp phường, xã phải lập danh sách đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ đồng thời với việc cấp giấy khai sinh.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết các BV, cơ sở y tế đã chuẩn bị tinh thần cho việc triển khai thực hiện BHYT toàn dân. “Bộ đang đầu tư cho nhiều trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa Tây Bắc, Tây nguyên... đạt chuẩn quốc gia để tham gia tốt việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong tương lai, các phòng mạch tư sẽ được đầu tư, nâng tầm đưa vào dạng phòng khám bác sĩ gia đình để tham gia khám chữa bệnh BHYT như các nước tiên tiến, nhằm giảm tải cho các BV”.
Bình luận (0)