Trẻ sốt cao, giật mình chới với, cảnh giác biến chứng tay chân miệng nặng

09/06/2023 08:15 GMT+7

Khi trẻ có biểu hiện sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân, mông gối, loét miệng, kèm thêm xuất hiện một trong các triệu chứng như giật mình chới với, ói nhiều... thì đây là dấu hiệu biến chứng tay chân miệng nặng.

Ngày 8.6, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, tuần qua bệnh viện tiếp nhận 4 trường hợp trẻ bệnh tay chân miệng nặng. Bốn trường hợp đều có xét nghiệm PCR phết họng trực tràng đều cho kết quả nhiễm virus tay chân miệng chủng EV71. Đây là chủng gây bệnh nặng trong năm 2011, 2018.

Trong 4 trường hợp nặng, trước khi được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố thì hầu hết đều có các biểu hiện như sốt, ói, nổi hồng ban trong những ngày đầu, sau đó qua ngày thứ 3 hoặc 4 thì có biểu hiện sốt giật mình chới với, nhập viện bệnh viện địa phương điều trị theo phác đồ nhưng không cải thiện.

Trẻ sốt cao giật mình chới với, cảnh giác biến chứng tay chân miệng nặng - Ảnh 1.

Bé trai hơn 3 tuổi, ở An Giang, đang được điều trị tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố

M.T

Cụ thể trường hợp thứ nhất, bé trai 17 tháng, ngụ ở Đồng Tháp, những ngày đầu sốt, buồn nôn, ói, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân. Ngày thứ 3 trẻ sốt giật mình chới với, trợn mắt, nên nhập bệnh viện địa phương, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3, điều trị theo phác đồ tình trạng nhưng không cải thiện.

Trường hợp thứ hai, em V.N.M.C, 26 tháng, ngụ ở An Giang. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bệnh 3 ngày, 2 ngày đầu sốt, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân. Qua ngày thứ 3 trẻ sốt, giật mình chới với, nên nhập bệnh viện địa phương, được chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3.

Trường hợp thứ ba, em Ng.Tr.H.Ph, hơn 3 tuổi, ngụ ở An Giang. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bệnh 5 ngày, 3 ngày đầu sốt, nổi hồng ban mụn nước ở lòng bàn tay chân, loét miệng, ngày thứ 4 sốt, giật mình chới với, nên nhập bệnh viện địa phương chẩn đoán bệnh tay chân miệng độ 3.

Trường hợp thứ tư, em Đ.Ng.T.V., 3 tuổi, ngụ ở quận Tân Phú, TP.HCM. Khai thác bệnh sử ghi nhận trẻ bệnh 2 ngày, ngày đầu sốt cao, ngày 2 sốt, co giật toàn thân, nên nhập bệnh viện địa phương chẩn đoán sốt co giật, điều trị hạ sốt chống co giật.

Hiện 4 trường hợp trên đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, trong đó có trường hợp phải lọc máu, thở máy, đặt nội khí quản... Rất may, 4 bệnh nhi đều đã qua cơn nguy kịch, đang dần hồi phục.

Qua các trường hợp này, bác sĩ Tiến lưu ý phụ huynh, khi thấy con em mình biểu hiện sốt, nổi hồng ban mụn nước ở tay chân mông gối, loét miệng, kèm thêm việc xuất hiện một trong các triệu chứng giật mình chới với, ói nhiều, sốt cao khó hạ, thở bất thường, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững, nuốt khó, co giật,… thì cần đưa trẻ tới bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Sở Y tế nói về dự báo TP.HCM thiếu thuốc điều trị bệnh tay chân miệng

Theo bác sĩ Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh tay chân miệng đa phần có diễn biến nhẹ nhưng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây nhiều biến chứng như viêm não, viêm cơ tim dẫn đến suy hô hấp, tử vong.

"Tuy nhiên, trước khi xảy ra các biến chứng nặng, trẻ sẽ có những biểu hiện như sốt không hạ, ngủ giật mình chới với nửa đêm..., lúc này, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện", bác sĩ lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.