Trẻ toét mũi vì pin điện tử

27/01/2010 15:32 GMT+7

Gần đây, Bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM tiếp nhận khá nhiều bệnh nhi đến phẫu thuật vì dị vật mũi là cục pin điện tử-loại pin có trong các đồ chơi điện tử như ô tô, điện thoại, thú biết nói hoặc bộ điều khiển từ xa của đồ chơi cao cấp.

Tại Khoa Nhi Bệnh viện (BV) Tai Mũi Họng TPHCM, dăm ba phút, chị Linh (ngụ tại quận 10- TPHCM) phải dùng thuốc nhỏ mũi và lau ngoài mũi cho con trai 6 tuổi là N.K.D. Ngày 21-1, D. than đau mũi, nghẹt mũi và được đưa đi khám bệnh.

Theo lời chị Linh, trước đó, cô giáo của D. báo tin trong giờ ngủ trưa ở lớp học, D. bị một bạn cùng lớp lấy cục pin điện tử trong đồ chơi là chiếc ô tô, nhét vào mũi phải. Tại phòng khám, các bác sĩ thấy D. không sốt nhưng bị phù nề mũi phải, trong mũi lợn cợn bụi đen. Các bác sĩ đã chỉ định phẫu thuật và lấy từ trong mũi của D. ra một cục pin điện tử. Hiện tại D. đã thở thông, mũi hồi phục tốt.

Trường hợp của bé gái Huỳnh Phạm Th. (3 tuổi, ngụ tại phường Bến Thành, quận 1 – TPHCM) bị nặng hơn D. Sau khi Th. lấy cục pin điện tử từ một bộ điều khiển xe hơi từ xa nhét vào mũi trái, gia đình đã đưa vào BV gắp được cục pin  ra rồi nhưng sau đó vẫn chảy mũi, nghẹt mũi.

Tại BV Tai Mũi Họng TPHCM, Th. được kết luận là lộ xương cuốn dưới, vách ngoài, có nhiều vảy đóng trong mũi. Sau 5 ngày theo dõi, hốc mũi của Th. vẫn còn vảy. Kết quả hội chẩn cho thấy Th. đã bị viêm mũi hoại tử, được chỉ định nội soi mũi xoang, kiểm tra lấy bỏ mô hoại tử.

Dị vật nguy hiểm số một

Dị vật đường mũi là cục pin điện tử tuy ít gặp hơn các loại hạt trái cây nhưng lại là loại nguy hiểm số một. Lý giải điều này, bác sĩ Quách Ngọc Minh, Khoa Tai Mũi Họng BV Nhi Đồng 2 TPHCM, cho biết trong cục pin điện tử có các thành phần axít. Chỉ cần một thời gian ngắn sau khi trẻ nhét vào mũi, các axít từ cục pin sẽ phóng thích gây viêm loét mũi. Ngay cả khi đã gắp được cục pin ra rồi thì vẫn có khả năng để lại di chứng trên mũi trẻ.

Trước Th. không lâu, BV Tai Mũi Họng TPHCM cũng tiếp nhận bé gái Nguyễn Thị Bích H. (5 tuổi, ngụ Nhơn Trạch – Đồng Nai). Qua thăm khám, các bác sĩ biết được trong lúc chơi đùa bé đã nhét cục pin lấy từ đồ chơi là một con búp bê biết khóc vào mũi trái.

Trước khi đến BV, gia đình đã đưa H. đến bệnh viện tư để gắp cục pin ra nhưng không được. Khi đến BV thì H. được kết luận bị dị vật mũi, trong mũi còn máu đọng. Sau khi phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy ra được cục pin điện tử.

Theo mô tả của các bác sĩ, những cục pin điện tử được phát hiện qua các ca phẫu thuật nói trên đều có hình tròn, đường kính khoảng 1 cm, dày khoảng 2 mm. Các đồ chơi điện tử như ô tô, điện thoại, các loại con thú biết nói... thường dùng cục pin dạng này cho động cơ hoặc để phát ra âm thanh, ánh sáng.

Bộ điều khiển từ xa trong các đồ chơi cao cấp cũng sử dụng loại pin này. Qua quan sát, chúng tôi thấy các em bé có thể gỡ cục pin trong các đồ chơi này ra hết sức dễ dàng.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh, Phó Khoa Nhi tổng hợp BV Tai Mũi Họng TPHCM, cũng cho biết các chất hóa học trong cục pin có thể ăn mòn, gây loét thủng vách ngăn mũi, loét cuống mũi. Về lâu dài, trẻ có thể bị viêm mũi xoang.

Cũng theo bác sĩ Vinh, các trường hợp dị vật đường mũi, trong đó có cả dị vật là cục pin điện tử, thường rất hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi vì độ tuổi này trẻ rất hiếu động, tò mò và thích khám phá thế giới xung quanh nhưng lại chưa ý thức được những nguy hiểm có thể xảy ra.

Đặc biệt, hiện nay các loại đồ chơi điện tử phổ biến từ các gia đình cho đến nhà trẻ, lớp mẫu giáo nên nguy cơ trẻ bị dị vật cục pin điện tử càng cao. Bác sĩ Vinh đã từng điều trị cho những trường hợp trẻ nhét cục pin điện tử vào mũi 3 đến 4 lần, có trẻ nhét một lúc 2 cục pin vào mũi.

Các bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng khuyến cáo phụ huynh khi phát hiện trẻ nhét các dị vật vào mũi, kể cả cục pin điện tử thì không nên vội vã lấy dị vật cho trẻ. Bởi nếu không cẩn thận và không có dụng cụ chuyên môn thì cha mẹ có thể vô tình đẩy sâu dị vật vào bên trong, thậm chí làm dị vật rơi xuống đường thở, gây nguy hiểm cho trẻ.

Biện pháp an toàn nhất là nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng để gắp dị vật cho trẻ, vì thực ra việc gắp dị vật có những trường hợp rất đơn giản nếu phát hiện sớm và đúng phương pháp.

Theo Kim Hương / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.