Trên 63% giáo viên có nguyện vọng hợp pháp hóa việc dạy thêm

24/11/2024 17:37 GMT+7

Trên 63% giáo viên được khảo sát bày tỏ nguyện vọng hợp pháp hóa việc dạy thêm. Đó là kết quả được ghi nhận từ 'Nghiên cứu đời sống giáo viên tại tỉnh Bình Thuận, Tây NinhHậu Giang' do Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM thực hiện.

Trên 63% giáo viên có nguyện vọng hợp pháp hóa việc dạy thêm- Ảnh 1.

Nhóm nghiên cứu kiến nghị vấn đề dạy thêm, học thêm cần được nhìn nhận đa chiều

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH

Trong khuôn khổ đề án "Nghiên cứu đời sống của giáo viên khu vực Nam bộ: Thực nghiệm tại tỉnh Bình Thuận, Tây Ninh và Hậu Giang", Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM đã tiến hành nghiên cứu, phỏng vấn 132 nhà quản lý giáo dục, giáo viên các cấp và khảo sát diện rộng 12.505 giáo viên thuộc 3 địa phương trên trong tháng 9-10 vừa qua.

Trên 25% giáo viên dạy thêm trong trường

Ngoài hoạt động dạy chính khóa tại trường, vẫn còn tình trạng giáo viên tham gia hoạt động dạy thêm để gia tăng thu nhập. Có trên 25% giáo viên được khảo sát có thực hiện dạy thêm trong trường và trên 8% có dạy thêm ngoài trường. Việc dạy thêm chủ yếu tập trung vào nhóm các môn học như: toán, văn, Anh văn, lý, hóa (chiếm trên 79%). Thời gian dạy thêm của giáo viên cũng tăng dần theo các cấp học, trung bình những giáo viên có dạy thêm ở cấp giáo dục tiểu học là 8,6 giờ/tuần, cấp THCS là 13,75 giờ/tuần và cấp THPT là 14,91 giờ/tuần.

Các loại hình dạy thêm của giáo viên cũng rất đa dạng từ dạy thêm tại trường, tại nhà, trung tâm, hình thức trực tuyến và trên các kho dữ liệu học tập mở. Việc dạy thêm tại trường chủ yếu là các hoạt động dạy phụ đạo, tăng tiết, ôn thi tốt nghiệp với sự thống nhất tổ chức của nhà trường và phụ huynh học sinh. Dạy thêm tại trung tâm chủ yếu rơi vào nhóm giáo viên phụ trách môn ngoại ngữ. Ngoài ra, giáo viên vẫn còn tình trạng dạy thêm tại nhà với các hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến mặc dù việc này vẫn đang bị cấm hiện nay.

Nhưng nhóm nghiên cứu nhìn nhận, nhiều giáo viên tâm sự rằng ngoài một số trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh" trong hoạt động dạy thêm, thì hiện nay nhu cầu được học thêm là có thật và chính đáng. Do tình trạng bệnh thành tích nên nhiều trường hợp học sinh yếu vẫn cứ được "tạo điều kiện" để lên lớp hoặc chuyển cấp. Kết quả các học sinh này bị mất gốc, tiếp thu không nổi và kịp kiến thức đang học ở lớp, cảm thấy chán học. Trường hợp này phụ huynh rất có nhu cầu cho các em được học thêm để củng cố lại kiến thức.

Thêm vào đó, nhóm nghiên cứu cũng nhìn nhận, một bộ phận phụ huynh hiện nay cũng đặt kỳ vọng về con mình rất cao nên họ rất muốn con mình phải học thêm, đặc biệt là các lớp chuẩn bị chuyển cấp để được vào học các trường tốt. Ngoài ra hiện nay, nhiều phụ huynh làm công chức hay công nhân, giờ làm việc cố định nên không đón con kịp, họ có nhu cầu nhờ giáo viên đưa đón về nhà, dạy thêm thậm chí là chăm cho các em ăn, uống. Như vậy, nếu thầy cô dạy bằng cái tâm, học trò học vì nhu cầu thật sự thì dạy thêm học thêm là cần thiết và như thực tế đang tồn tại.

Trước những nhu cầu có thật này thì giáo viên phải dạy "chui". Điều này, theo nhiều giáo viên thừa nhận, làm tổn thương nghiêm trọng đến hình ảnh của nhà giáo trong mắt các em học sinh và cả xã hội.

Trên 63% giáo viên có nguyện vọng hợp pháp hóa việc dạy thêm- Ảnh 2.

Dự thảo thông tư quy định về dạy thêm học thêm đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận

ẢNH: NHẬT THỊNH

Những câu hỏi cần có lời giải

Quá trình khảo sát, nhóm nghiên cứu nhận được những băn khoăn của giáo viên như: vì sao những ngành nghề khác được làm thêm hợp pháp nhưng nghề giáo thì không, vì sao giáo viên dạy ở trường không được dạy thêm còn giáo viên tự do có thể mở lớp dạy? Nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là những câu hỏi cần có lời giải. Chính vì vậy, có đến trên 63% giáo viên bày tỏ nguyện vọng được hợp pháp hóa việc dạy thêm, bao gồm cả dạy thêm ở nhà và dạy thêm trực tuyến để tăng thu nhập từ chính năng lực của mình. Đồng thời giữ được hình ảnh cao quý của nghề giáo trong mắt học sinh và xã hội còn hơn làm các nghề tay trái ít liên quan đến nghề nghiệp.

Trong nghiên cứu, nhóm tác giả cho rằng, thay vì nghiêm cấm dạy thêm, học thêm chúng ta cần xây dựng hành lang pháp lý rõ ràng, cơ chế minh bạch, công khai trong việc dạy thêm để lãnh đạo nhà trường, phụ huynh học sinh và cộng đồng cùng tham giám sát. Đồng thời phải đặt trong bối cảnh chuyển đổi số của ngành giáo dục và trên nền tảng quản lý trực tuyến với sự thống nhất cả nước. Ngoài ra tập trung các giải pháp từ nhiều bên liên quan để nâng cao chất lượng giảng dạy, giảm tình trạng dạy thêm học thêm không cần thiết thay vì tập trung cấm đoán.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, PGS-TS Đỗ Phú Trần Tình, Viện trưởng Viện Phát triển chính sách ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết nhóm nghiên cứu mong muốn khảo sát thêm ý kiến của phụ huynh ở các nhóm địa phương khác nhau để có cái nhìn đa chiều hơn về vấn đề dạy thêm học thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.