Đẹp như hoa đào Bhutan
Mùa này Bhutan đang là mùa xuân. Nhờ thế tôi mới có dịp ngắm hoa đào để thấy rằng anh đào xứ này đẹp đẽ không kém xứ Phù Tang. Những cây hoa đào ở Bhutan cho tôi cảm giác đó là nhan sắc của những đóa hoa đồng nội so với vẻ đẹp thị thành của hoa đào xứ Phù Tang. Chúng mọc bên triền sông, dưới thung lũng, trong thị trấn, bên ngôi đền cổ hay cung điện xưa, không tập trung dày đặc mà rải rác tự nhiên như một phần không thể tách rời của khung cảnh xứ này.
Tôi ngắm bầy la đủng đỉnh đi ngang dưới tán hoa, bên cạnh là con chó nhà ai nằm sưởi nắng.
Tôi nhìn những người tu hành lặng lẽ đi qua cây đào về tu viện cổ phía xa xa. Gần đó là dáng một phụ nữ vừa phơi xong quần áo, dừng tay ngắm cành hoa nở, mỉm cười rất nhẹ khi thấy khách đang xì xồ cùng lũ trẻ. Tôi thấy lũ học trò đi xúng xính trong các bộ trang phục truyền thống gho, rika nghịch đùa chạy quanh những gốc cây đầy hoa. Mấy cô học trò nhỏ leo cây thoăn thoắt chỉ để hái hoa cho nhau. Chúng cài lên tóc rồi tung những cánh hoa nhỏ hồng nhạt lên cho rơi lả tả dưới gốc và cùng cười khanh khách.
|
|
Sống trong nguyện cầu
Bhutan là quốc gia Phật giáo, với Phật giáo Kim cương thừa được bảo tồn gần như nguyên vẹn. Ấn tượng mạnh trong tôi là người Bhutan rất hay cầu nguyện và làm điều này nhiều lần trong ngày. Ngoài các ngôi đền, có rất nhiều chỗ cầu nguyện được dựng lên ở các khu dân cư, từ thủ đô Thimpu đến các vùng hẻo lánh.
Từ sớm tinh mơ trời chưa tỏ mặt, đứng từ cửa sổ khách sạn nhìn ra nhà cầu nguyện trước mặt đã thấy nhiều người lần tràng hạt đi lại. Những vòng quay của kinh luân kêu kẽo kẹt theo từng vòng tay xoay. Chiều về, khi đã tan sở, các ngôi đền lại đông người đến cầu nguyện trước khi về nhà. Đêm khuya lang thang ngoài phố, tôi lại gặp những người cầu nguyện cả một buổi.
Tôi hay bắt gặp đâu đó trên đường đi hay sau một cánh cổng gỗ của ngôi đền bất kỳ một cụ bà, một cụ ông hay một thanh thiếu niên Bhutan nào đó đang cầu nguyện. Nhiều người già dành phần lớn thời gian trong ngày để đi lại quanh các ngôi đền hoặc ngồi hàng giờ bên những chiếc kinh luân lớn chỉ để cầu nguyện hoặc chìm đắm trong những dòng suy nghĩ của riêng mình.
Ngay cả cô hướng dẫn viên của tôi, không biết đã bao nhiêu lần đưa khách đến những điểm du lịch nổi tiếng của nước mình, nhưng vẫn luôn dành thời gian cầu nguyện mỗi khi đến những nơi này.
Xúc động nhất đối với tôi, là những đứa trẻ học trò đi thành từng đôi, từng nhóm, kéo tay nhau leo dốc đi học sáng hay chiều tan lớp lũ lượt về, chúng đều ghé qua một nhà nguyện, ngôi đền nào đó trên đường đi. Ngoài đường nghịch ngợm ríu rít là thế nhưng vào đến đền, chúng đều chắp tay, nhắm mắt đầy thành kính cầu nguyện một lúc lâu rồi mới về nhà.
Nhiều lần tôi ngồi ngắm cảnh ấy rồi tự hỏi, những đứa trẻ từ nhỏ đã quen và sống trong môi trường luôn tìm kiếm sự bình yên cho tâm thiện như thế, có lẽ chẳng phải bận tâm về tương lai chúng có trở thành kẻ tử tế hay không, nhỉ!
|
|
Một trải nghiệm cho hạnh phúc
Bhutan không phải là điểm đến thời thượng phổ thông mà chỉ dành cho những người thực sự yêu thích nó. Vương quốc này mới mở cửa với thế giới bên ngoài chừng 10 năm.
Thực sự Bhutan cũng không có chủ trương mở rộng cửa hoàn toàn cho du lịch nếu không muốn nói là khá hạn chế, dù hiện tại đã “thoáng” hơn. (Có thời gian, Bhutan chỉ cấp hộ chiếu cho khoảng 5.000 người/năm, hạn chế nhập cảnh với một số quốc gia). Bhutan nói không với các loại hình du lịch bụi, ba lô. Chi phí đi Bhutan khá đắt đỏ và bạn phải mua tour của một công ty du lịch có đối tác ở Bhutan hoặc công ty du lịch của nước này.
Khi bạn đã có xác nhận mua tour, Bhutan mới xét cấp hộ chiếu.
Nhưng Bhutan cũng có quá nhiều điều thú vị ở vương quốc hiền hòa mà tôi không thể gói gọn trong một bài viết. Chỉ xin kết thúc bằng câu chuyện vãn trong một lần đứng chờ thông đường khi đến dự lễ hội ở Phunnakha. Bhutan cực kỳ hiếm khi kẹt xe, và chờ thông đường thực ra là các xe đang nằm chờ bên này barrie cách thị trấn cả mấy chục cây số, đợi cảnh sát điều tiết giao thông vì hôm ấy, thị trấn - cố đô đang có lễ hội. Họ e rằng cái làng nhỏ với con đường nhỏ chạy qua không chịu nổi áp lực xe cộ của du khách đổ về cùng một lúc nên điều tiết xe để tránh kẹt xe từ cách đó cả mấy chục cây số.
Ngồi vệ đường ngắm đoàn xe dừng với bao nhiêu là người nhưng chẳng thấy sự ồn ào và sốt ruột nào cả, tôi trò chuyện với một người dân xứ này và cắc cớ hỏi điều gì làm anh tự hào về đất nước mình. Công dân vương quốc này tình thật mà rằng: Nước tôi diện tích rừng, cây xanh bao phủ đến 70%, không thuốc lá, không trộm cắp, mại dâm và một chính phủ tốt, luôn lo lắng cho người dân. Bạn còn mong gì hơn?
Đi Bhutan, một lần nữa là cách để tôi xác nhận lại chính mình những gì được gọi là hạnh phúc.
Những lưu ý khi đi Bhutan
1. Thời điểm
Lý tưởng nhất cho du lịch đến Bhutan là mùa thu (cuối tháng 9 đến cuối tháng 11), khi trời trong và xanh. Mùa xuân (tháng 3 đến 5) là thời điểm lý tưởng thứ hai để tới Bhutan. Mùa hè cũng là thời điểm lý tưởng để thăm Thimpu, Paro và các khu vực khác ở miền tây Bhutan.
2. Tiền tệ
- Tiền Bhutan gọi là Ngultrum (Nu).
1 USD = 46 Nu.
Có rất ít ngân hàng ở Bhutan. Tốt nhất, du khách nên mang theo USD Mỹ. Phần lớn các cửa hàng ở Bhutan đều chấp nhận thanh toán bằng tiền đô. Bạn nên đổi một ít tiền Bhutan khi tới sân bay. Khi đổi 1 đồng $50 hoặc $100, bạn có thể có được tỉ giá tốt hơn so với đổi 1 đồng $20 hoặc nhỏ hơn.
3. Điện thoại, sim card và internet
- Ở Bhutan có rất ít cột điện thoại di động và thường ở xa đường cái. Tại các thành phố lớn như Paro, Thimpu và Bumthang, sóng di động được cung cấp tốt hơn nhưng kể cả có bắt được sóng thì đường truyền cũng thường bị bận. So với gọi điện thì nhắn tin sẽ dễ dàng hơn nhiều.
- Internet ở Bhutan cũng đang dần được phổ biến rộng rãi hơn. Một số khách sạn lớn thường có cài đặt wifi và quán café internet cũng đã xuất hiện ở thành phố lớn như Thimpu và Bumthang. Một số khách sạn nhỏ hơn cũng có máy vi tính cho khách truy cập nhưng đường truyền thường rất chậm.
4. Thủ tục xuất nhập cảnh
- Khách du lịch đến Bhutan bắt buộc phải xin thị thực trước khi khởi hành. Du khách không thể xin thị thực tại sân bay như khi đi Ấn Độ hay Nepal, càng không thể đến đại sứ quán hay lãnh sự quán để xin. Cách duy nhất là phải thông qua công ty lữ hành có tour đến Bhutan.
5. Chuyến bay, chi phí
- Paro là sân bay quốc tế duy nhất ở Bhutan, cách thủ đô Thimphu 65 km và mất chừng 1 tiếng đồng hồ để di chuyển giữa 2 nơi.
- DrukAir có 2 chuyến bay đến Paro mỗi ngày từ thủ đô Bangkok của Thái Lan và 2 chuyến mỗi tuần (thứ 5, chủ nhật) từ Singapore. Ngoài ra, DrukAir còn có các chuyến bay hàng ngày từ Nepal và các thành phố ở Ấn Độ.
- Vé máy bay của DrukAir là loại vé đầy đủ, không có vé ưu đãi, khuyến mãi hay giảm giá. Chỉ có 2 loại là Economy Y và Business J (tương đương Eco Flex và Business Flex của Vietnam Airlines). Vì vậy, vé máy bay của Druk Air rất đắt. Vé khứ hồi hạng Y cho hành trình 3 tiếng bay từ Bangkok đi Paro và ngược lại là 868 USD (đã bao gồm thuế). Vé hạng J khứ hồi là 1.027 USD cho hành trình khứ hồi Bangkok - Paro.
Tóm lại, nếu bạn muốn có một chuyến đi Bhutan và ở đây ít nhất 5 ngày thì chi phí tối thiểu là: 1.000 USD (hoặc 1.250 USD mùa cao điểm) + 868 USD (vé máy bay) + vé máy bay từ VN sang Bangkok + các chi phí khác nếu bạn muốn ở lại Bangkok 1 ngày. Tuy nhiên, nếu bạn mua trọn gói dịch vụ từ các công ty tour ở VN, có thể giá sẽ tốt hơn.
|
Bình luận (0)